Bí thư Trịnh Văn Chiến: Đến với Thanh Hóa các bạn sẽ "có đất" để "dụng võ"
Cập nhật lúc: 28/01/2019, 10:33
Cập nhật lúc: 28/01/2019, 10:33
Năm 2018, kinh tế Thanh Hóa tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 15,16%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, đồng thời địa phương cũng là một trong số ít các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách trên địa bàn Thanh Hóa vượt qua con số 20.000 tỷ đồng, đạt 23.464 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng đón nhận làn sóng đầu tư của hàng loạt ông lớn ngành bất động sản. Điều đó khẳng định Thanh Hóa có nhiều tiềm năng để tạo nên giá trị khác biệt, nổi trội khiến các nhà đầu tư lớn không thể bỏ qua.
Phóng viên Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa.
Thu ngân sách của Thanh Hóa chưa bao giờ cao như thế!
PV: Theo ông, đâu là điểm nhấn quan trọng để tạo nên sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Thanh Hóa trong thời gian vừa qua?
Bí thư Trịnh Văn Chiến: Năm 2018 đánh dấu một năm phát triển ấn tượng của Thanh Hóa với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 15,16%, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời địa phương cũng là một trong số ít các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước; trong đó, công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế, lên đến 44%.
Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt 23.464 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vượt qua con số 20.000 tỷ đồng. Nếu so với năm 2017 (thu ngân sách đạt trên 13.300 tỷ đồng), thì thu ngân sách năm 2018 gấp 1,76 lần; nếu so với năm 2015 (thu ngân sách gần 11.000 tỷ đồng), thì năm 2018 thu gấp 2,13 lần. Nếu so với 8 năm trước đây (năm 2010, thu ngân sách đạt trên 4.200 tỷ đồng), thì năm 2018 thu ngân sách gấp 5,58 lần. Đây có thể nói là bước đột phá của kinh tế Thanh Hóa. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 1.990 USD, gấp 1,3 lần năm 2015;...
Điểm nhấn đáng chú ý là Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ngày 23/12/2018 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn long trọng tổ chức Lễ vận hành thương mại Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân Thanh Hóa, mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với cả nước. Khi vận hành 100% công suất thiết kế, Nhà máy sẽ đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tính đến tháng 12/2018, nhà máy đã chế biến khoảng 5 triệu tấn dầu thô, nộp thuế hơn 8.000 tỷ đồng và đóng góp 8 điểm % tăng trưởng GRDP của tỉnh. Việc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động và có sản phẩm thương mại là động lực quan trọng để kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo, đưa kinh tế, xã hội Thanh Hóa lên tầm cao mới.
Ngoài ra, dự án nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Bộ dầu lửa kiêm Bộ trưởng Bộ Điện và Nước Nhà nước Cô-Oét, lãnh đạo cấp cao Tổng Công ty Dầu lửa Quốc gia Cô-Oét (KPC) và lãnh đạo cấp cao Công ty Dầu lửa Quốc tế Cô-Oét (KPI). Theo đó, các nhà đầu tư đã thống nhất sẽ nghiên cứu, đầu tư mở rộng giai đoạn 2 Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn với công suất tương đương giai đoạn 1 (tại mặt bằng khu C có diện tích 111 ha mà tỉnh Thanh Hóa bàn giao cho Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn ngày 03/3/2018) và đầu tư xây dựng tổng kho dự trữ dầu thô tại khu kinh tế Nghi Sơn; 02 dự án trên có tổng mức đầu tư khoảng 8 tỷ USD.
Sau khi 02 dự án nêu trên chính thức được đầu tư, Thanh Hóa sẽ trở thành trung tâm dầu mỏ không chỉ có nước ta mà của cả khu vực.
PV: Theo ông, động lực nào để Thanh Hóa vượt qua những khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giải quyết một khối lượng công việc lớn một cách có hiệu quả như kế hoạch đã đề ra trong nhiệm kỳ này?
Bí Thư Trịnh Văn Chiến: Khối lượng công việc những năm vừa qua của nhiệm kỳ 2015 - 2020 là rất lớn, bởi mục tiêu của Thanh Hóa đặt ra trong nhiệm kỳ này là rất cao.
Thanh Hóa đang phấn đấu từ một tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người dưới trung bình của cả nước, trở thành một tỉnh có thu nhập bình quân đầu người đạt mức khá của cả nước (năm 2020 phấn đấu đạt mức 3.500 USD/người/năm).
Do đó, khát khao phát triển trở thành động lực chính để cán bộ và nhân dân tỉnh cùng phấn đấu vì một Thanh Hóa phát triển. Tất cả vì 3,6 triệu dân Thanh hóa ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Muốn làm được điều này, trước hết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục đoàn kết một lòng, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm cao trong ý chí, thực sự quyết liệt trong hành động và biết nắm bắt thời cơ, vận hội mới, phát huy thế và lực mới; vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ trương, đường lối của Đảng và các cơ chế, chính sách của Nhà nước để đưa tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển.
Sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ còn được thể hiện ở việc Thanh Hóa thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh. Hay nói cách khác tất cả những kết quả đạt được của năm 2018 là xuất phát từ việc làm tốt nhiệm vụ này, trong đó có việc Thanh Hóa đi đầu cả nước về việc sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố.
Chúng tôi đã tiến hành sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố. Từ đó, toàn tỉnh giảm từ 5.971 thôn, tổ dân phố, xuống còn 4.393 thôn, tổ dân phố; giảm 1.578 thôn, tổ dân phố. Giảm tương ứng 9.468 cán bộ không chuyên trách thôn, bản, tổ dân phố. Mỗi năm toàn tỉnh tiết kiệm được khoảng 360 tỷ đồng từ việc giảm cán bộ không chuyên trách thôn, bản, tổ dân phố. Cùng với đó, năm 2018 là năm đầu tiên Thanh Hóa tiến hành kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện không nghiêm nhiệm vụ được giao.
Cũng có một số ý kiến lo rằng, nếu làm mạnh công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật thì có thể sẽ ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ, vì có thể một bộ phận cán bộ sẽ "chùn", sẽ làm việc cầm chừng, không dám đột phá, sáng tạo. Nhưng tôi cho rằng, không làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và đi liền là thi hành kỷ luật những tổ chức, cá nhân có sai phạm, thì đó chính là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến công việc không chạy, ùn tắc, kìm hãm sự phát triển. Vì qua theo dõi, kiểm tra, giám sát, thì các cấp ủy đảng mới biết để nhắc nhở, đôn đốc cán bộ, nhất là những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Đây là những động lực quan trọng để chúng tôi vượt qua khó khăn, vươn lên trong giai đoạn vừa qua.
Thanh Hóa – điểm đến của các nhà đầu tư bất động sản
PV: Thời gian qua, Thanh Hóa đón nhận làn sóng đầu tư của hàng loạt ông lớn ngành bất động sản. Điều đó khẳng định Thanh Hóa có nhiều tiềm năng để tạo nên giá trị khác biệt, nổi trội khiến các nhà đầu tư lớn không thể bỏ qua. Xin ông nói rõ hơn về những tiềm năng này?
Bí thư Trịnh Văn Chiến: Đó là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian vừa qua. Phát huy kết quả tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của nhiệm kỳ trước, từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ quy định của pháp luật cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư bất động sản tổ chức đầu tư, kinh doanh tại Thanh Hóa.
Ngoài thể chế, hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi theo quy định, Thanh Hóa là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư bất động sản còn vì trong những năm gần đây, nhất là năm 2018, kinh tế Thanh Hóa rất phát triển, tổng vốn FDI trên địa bàn tỉnh đến nay gần 13 tỷ USD; đầu tư trong nước khoảng 10 tỷ USD; dân số Thanh Hóa đông, đứng thứ 3 cả nước, trong khi đó nội lực của người dân Thanh Hóa rất lớn, hay nói cách khác là dân Thanh Hóa cũng nhiều người giàu có; tốc độ đô thị hóa diễn ra khá mạnh mẽ;...
Cùng với đó Thanh Hóa có nhiều hình thức kêu gọi, xúc tiến đầu tư, ngoài các hình thức truyền thống, như: Tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, tổ chức các hoạt động kinh tế đối ngoại, Thanh Hóa còn được sự hỗ trợ, giới thiệu khách quan của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã và đang đầu tư tại Thanh Hóa. Đây là kênh xúc tiến đầu tư rất hiệu quả.
Mặt khác, nhiều dự án lớn đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chúng tôi, như: Các dự án của Tập đoàn Vingroup, FLC, Sun Group,... và nhiều dự án khác trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp cũng góp phần tạo ra sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư bất động sản đến với Thanh Hóa.
Tất cả các yếu tố trên tạo ra môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư, trong đó có các "ông lớn" bất động sản. Qua theo dõi tôi thấy, hầu hết các nhà đầu tư có năng lực thực sự đều hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chúng tôi.
PV: Sự đầu tư của hàng loạt đại gia bất động sản trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đã tác động rất lớn đến ngành du lịch Thanh Hóa. Rõ ràng, việc tạo ra hệ thống du lịch cao cấp, thay đổi cung cách phục vụ đã giúp cho du khách có cái nhìn tốt hơn về du lịch Sầm Sơn nói riêng và du lịch Thanh Hóa nói chung. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Bí thư Trịnh Văn Chiến: Bất động sản nghỉ dưỡng là bước đi đúng hướng góp phần thu hút du khách, đem lại doanh thu lớn, tạo thêm việc làm cho xã hội, làm đa dạng thêm dịch vụ du lịch biển ở Thanh Hóa.
Thanh Hóa hiện đang khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển tại Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa; nghỉ dưỡng biển cao cấp tại FLC resort Sầm Sơn.
Trong Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030” mà Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao ngành văn hóa, thể thao và du lịch tham mưu, thì sản phẩm du lịch mũi nhọn của Thanh Hóa được xác định là du lịch biển đảo tại các khu du lịch trọng điểm Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Nam Sầm Sơn và Nghi Sơn – đảo Mê. Cùng sự đầu tư lớn và những lợi thế có được, hiện Sầm Sơn được đánh giá là đầu tàu kéo du lịch Thanh Hóa phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Chính việc đầu tư lớn có trọng điểm, cung cách phục vụ chuyên nghiệp về du lịch đặc biệt là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đã làm du khách trong và ngoài nước thay đổi suy nghĩ về du lịch Thanh Hóa. Thanh Hóa đã không còn Sầm Sơn tai tiếng trong quá khứ mà hiện nay đã trở nên nổi tiếng trong lòng du khách thập phương.
Với sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất, du lịch Thanh Hóa đã có những bứt phá mạnh mẽ. Lượt khách du lịch tăng bình quân hàng năm 14,3%, doanh thu tăng bình quân 27%/năm. Năm 2018, du lịch Thanh Hóa ước đón 8,25 triệu du khách (trong đó có 230 ngàn lượt khách quốc tế), doanh thu ước đạt 10.625 tỷ đồng. Thu ngân sách tăng hàng năm 12,3%. Năm 2018 ước đạt 23.500 tỷ đồng, gấp 2,1 lần năm 2015.
PV: Nhiều chuyên gia nhận định Thanh Hóa là địa phương có ngành công nghiệp không khói phát triển nhanh, lượng du khách đổ về ngày càng đông, tuy nhiên, dịch vụ nghỉ dưỡng tại Sầm Sơn sẽ vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu hiện tại cũng như tương lai. Khi quỹ đất ngày càng tới hạn, Thanh Hóa đã làm gì để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào phân khúc này, thưa ông?
Bí thư Trịnh Văn Chiến: Việc quy hoạch phát triển du lịch, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp đã được tỉnh thực hiện bài bản, khoa học và có tầm chiến lược. Nếu không làm tốt điều này thì tiềm năng chỉ là tiềm năng mà thôi. Quy hoạch không tốt thì cái “thế” cho phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng sẽ gặp khó khăn, thậm chí mất "thế" phát triển.
Hiện nay Thanh Hóa là một trong những tỉnh có hệ thống quy hoạch các điểm du lịch tương đối hoàn chỉnh, với hơn 30 quy hoạch đã và đang được thực hiện; 40 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật được triển khai, với tổng dự toán được phê duyệt lên tới 3.644 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách; còn vốn doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng du lịch dự kiến lên tới trên 30.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng các hình thức du lịch, cung cấp thêm các sản phẩm du lịch, như: Du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng; các tua (Tour), tuyến kết nối danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh,... ở các vùng miền, các vùng sinh thái khác nhau. Đây là tiềm năng mà không phải địa phương nào cũng có được.
Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư lớn tham gia vào phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng để phát triển ngành công nghiệp không khói, giảm tải cho các cơ sở du lịch hiện đã, đang quá tải, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.
PV: Bên cạnh bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, ông đánh giá như thế nào về phân khúc nhà phố thương mại Thanh Hóa?
Bí thư Trịnh Văn Chiến: Thanh Hóa là tỉnh có diện tích và dân số lớn, đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số, với khoảng 3,6 triệu người. Do đó, nhu cầu về bất động sản và nâng cấp không gian sống của tầng lớp có thu nhập khá là rất lớn như tôi nói ở trên. Tại Thanh Hóa, phân khúc nhà phố thương mại trong các Khu đô thị lớn có tính thanh khoản và tiềm năng tăng giá cao.
Bên cạnh việc tiếp tục đón làn sóng đầu tư từ Tập đoàn Vingroup, Sun Group, FLC, BRG,... tỉnh luôn mở rộng cửa để đón các nhà đầu tư khác trong và ngoài nước vào thị trường bất động sản Thanh Hóa nói chung.
PV: Ông muốn gửi gắm điều gì đối với các nhà đầu tư đang có ý định đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới?
Bí thư Trịnh Văn Chiến: Thanh Hóa luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư trong và nước ngoài. Chúng tôi cam kết luôn đồng hành, sát cánh và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Thanh Hóa.
Tỉnh Thanh Hoá sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trên các lĩnh vực, tiếp tục thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách theo hướng thông thoáng hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ cam kết bảo đảm an ninh trật tự; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Chúng tôi rất mong các nhà đầu tư tiếp tục đến với Thanh Hóa, một tỉnh đang chuyển mình rất mạnh mẽ. Tôi nghĩ các bạn sẽ "có đất" để "dụng võ"./.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đều được đối xử bình đẳng (Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Miền Trung) “Trong nhiều năm qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban ngành, tỉnh Thanh Hóa đều rất quyết liệt và sát sao, đồng hành với doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh với tinh thần trách nhiệm rất cao. Bên cạnh đó, cá nhân tôi nhận thấy thời gian qua tỉnh đã rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, dẫn đến việc các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có điều kiện tiếp cận một cách tốt hơn, thuận lợi hơn về đất đai để đầu tư hạ tầng. Điều này đã góp phần tạo nên sự sôi động của thị trường bất động sản Thanh Hóa trong những năm qua. Các điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư đã có sẵn, quan trọng là các nhà đầu tư khai thác tiềm năng đó như thế nào cho có hiệu quả mà thôi. Các bạn cứ nhìn tổng thể mà xem, nếu tỉnh Thanh Hóa không có chính sách thu hút, thì làm sao có các nhà đầu tư bất động sản lớn ồ ạt đầu tư vào tỉnh như hiện nay? Với nhu cầu về nhà ở hiện nay, chắc chắn trong những năm tiếp theo, thị trường bất động sản ở Thanh hóa sẽ rất sôi động, đặc biệt là đối với phân khúc nhà phố thương mại”. |