18/01/2025 | 20:13 GMT+7, Hà Nội

Thanh Hóa: Chi hơn 42 tỉ đồng để xây dựng nhà vệ sinh

Cập nhật lúc: 10/12/2018, 08:50

Thanh Hóa vừa bị “quăng quật” bởi lụt lội, lũ quét, nhiều địa phương còn chưa khắc phục xong thiệt hại do thiên tai gây ra. Thay vì tập trung cứu trợ cho vùng lũ, UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt đề án chi 42,9 tỉ đồng để làm 116 nhà vệ sinh.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký Quyết định số 4802/2018/QĐ-UBND phê duyệt "Đề án Xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025". Theo đó, đến năm 2020, toàn bộ các khu du lịch trọng điểm có ít nhất một nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Thanh Hóa: Chi hơn 42 tỉ đồng để xây dựng nhà vệ sinh

Một công trình nhà vệ sinh tiêu tốn hàng trăm triệu đồng

Tổng dự toán kinh phí thực hiện đề án xây dựng 116 nhà vệ sinh là 42,9 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 26,7 tỷ đồng, nguồn vốn khác là 16,2 tỷ đồng. Như vậy trung bình khoảng 370 triệu đồng/ 1 nhà vệ sinh.

Theo Đề án, các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đã được xác định trong "Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" sẽ được đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh tiện ích, hiện đại, có tính thẩm mĩ cao và phù hợp với định hướng phát triển du lịch của từng khu, điểm du lịch.

Thanh Hóa: Chi hơn 42 tỉ đồng để xây dựng nhà vệ sinh

Cao nhất là Hoằng Hóa làm 7 nhà vệ sinh hết 3,6 tỷ đồng, hơn 514 triệu đồng/ 1 nhà vệ sinh

Mục tiêu đặt ra, đến năm 2020, toàn bộ các khu du lịch trọng điểm có ít nhất một nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Năm 2025, hầu hết các khu, điểm du lịch trọng điểm, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh trở lên có nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. 100% các nhà vệ sinh có hệ thống cấp điện, cấp nước thải và thu gom chất thải rắn đạt tiêu chuẩn.

Căn cứ các Phụ lục số 1, 2 và 3 được đính kèm Quyết định số 4802/2018/QĐ-UBND được ban hành ngày 03/12/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ số lượng và thiết kế nhà vệ sinh được đầu tư xây dựng cho từng khu, điểm du lịch. Theo đó, địa phương ít nhất làm 1 nhà vệ sinh giá 300 triệu đồng. Huyện Tĩnh Gia xây dựng 9 nhà vệ sinh hết 4,2 tỷ đồng tính ra gần 467 triệu/ 1 nhà vệ sinh. Huyện Quảng Xương xây dựng 6 nhà vệ sinh hết 3 tỷ đồng, giá 500 triệu/ 1 nhà vệ sinh. Thành phố Sầm Sơn xây dựng với số lượng lớn nhất 13 nhà vệ sinh, ngốn 6,6 tỷ đồng, hơn 507 triệu đồng/ 1 nhà vệ sinh. Gía ở trên trời nhất là huyện Hoằng Hóa, 7 nhà vệ sinh tiêu tốn 3,6 tỷ đồng, hơn 514 triệu đồng/ 1 nhà vệ sinh.

Dự án được giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chủ trì. Phạm vi thực hiện dự án là tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đã được xác định trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo nhiều người dân cho rằng, việc chi tới hơn 500 triệu đồng cho một công trình nhà vệ sinh là quá cao, gây lãng phí và trong thời điểm này là chưa phù hợp.