19/01/2025 | 10:34 GMT+7, Hà Nội

Bi kịch đô thị Hà Nội: Ngộp thở với "rừng bê tông", "đói" công trình hạ tầng xã hội

Cập nhật lúc: 30/06/2019, 16:00

Sự phát triển nhanh chóng của các khu đô thị đã làm thay đổi diện mạo Thủ đô, tạo không gian đô thị văn minh, hiện đại. Thế nhưng, nhiều khu đô thị rơi vào cảnh “đói” công trình hạ tầng xã hội.

Vỡ trận quy hoạch

Trong quá trình quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị, việc tổ chức không gian sống cho con người yêu cầu phải đồng bộ cả về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Nói như vậy để thấy, việc đảm bảo yếu tố hạ tầng xã hội luôn được coi trọng và thực hiện song song với quá trìnhphát triểnhạ tầng kỹ thuật.

Ở nước ta, việc đầu tư các công trình hạ tầng xã hội thường được thực hiệnsau khi đô thị hình thành. Tại một số khu đô thị, chủ đầu tư thậm chí còn cố tình bỏ quên không thực hiện việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xã hội theo quy hoạch.

Ngoài ra, ở một số khu đô thị đã xây dựng công trình hạ tầng xã hội, nhưng quy mô các công trình còn nhỏ so vớitỉ lệdân số. Vấn đề nhức nhối nhất là có không ít dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, chủ đầu tư “ôm đất” hàng chục năm không triển khai để hoang hóa, hoặc sử dụng đất sai mục đích.

Đáng sợ hơn, nhiều khu đô thị tại Hà Nội bị “vỡ trận” vì quy hoạch thiếu đồng bộ, chỉ chú trọng xây chung cư cao tầng mà “bỏ quên” hạ tầng xã hội đi kèm. Hệ lụy của nó là không đáp ứng được cuộc sống tối thiểu của người dân khi đến sinh sống tại khu đô thị đấy.

xây dựng hạ tầng kỹ thuật bà “bỏ quên” hạ tầng xã hội.

Nhiều khu đô thị tại Hà Nội đua nhau xây dựng hạ tầng kỹ thuật và “bỏ quên” hạ tầng xã hội. 

Khảo sát trên địa bàn Hà Nội, nhiều khu đô thị được quảng cáo là chung cư cao cấp với hệ thống công viên, cây xanh, hồ nước, bể bơi… Thế nhưng, khi người dân vào ởhàng chụcnăm trời, xung quanh vẫn chỉ là bãi đất bỏ hoang hoặc được trưng dụng làm bãi trông giữ ô tô, rửa ô tô ngoài trời,…

Đơn cử, Khu đô thị mới Kim Văn – Kim Lũ có dự án xây dựng trường học liên cấp của Công ty Cổ phần Giáo dục Đông Đô, trên phần diện tích đất hơn 2,3ha. Tuy nhiên, mặc dù dự án được UBND TP. Hà Nội phê duyệt từ năm 2012, nhưng đến nay việc triển khai vẫn “dậm chân tại chỗ, cỏ mọc hoang hóa.

Theo một báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội vào năm 2018, trên địa bàn thành phố có 384 dự án đã được giao đất để thực hiện đầu tư xây dựng. Trong đó, 299 dự án đang triển khai, đặc biệt là có 15 dự án đầu tư xây dựng chưa quy hoạch bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học) so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.

Trong số này, quận Nam Từ Liêm có nhiều dự án nhất, gồm: Khu đô thị mới Phùng Khoang; khu nhà ở Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì bán cho cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam; dự án khu chức năng đô thị Xuân Phương; khu đô thị thành phố giao lưu; dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu Đoàn ngoại giao; Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh; dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại Cổ Nhuế; khu nhà ở để bán Quang Minh.

Nhiều dự án khác thuộc các quận Hoàng Mai (khu nhà ở Vĩnh Hoàng, khu chức năng đô thị Ao Sào); huyện Thanh Trì (dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Cầu Bươu); quận Long Biên (dự án khu nhà ở Thạch Bàn);… cũng chạy theo xây dựng hạ tầng kỹ thuật và “bỏ quên” hạ tầng xã hội.

Giải pháp nào để phát triển đồng bộ?

Nhiều chuyên gia quy hoạch cho biết, một trong những nguyên nhân các khu đô thị “đói” hạ tầng xã hội là do quyết định phê duyệt đầu tư chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc thực hiện các công trình hạ tầng xã hội. Điều này dẫn đến một số chủ đầu tư bỏ hoang đất hoặc có thực hiện nhưng tiến độ chậm.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các công trình hạ tầng xã hội có lợi nhuận thấp, đồng thời các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục còn chậm, chưa cụ thể... là lý do khiến các chủ đầu tư không mặn mà.

Đấy là chưa kể, tình trạng người mua nhà để kinh doanh, không sử dụng ngay dẫn đến khi xây dựng xong nhà trẻ, trường học không đủ học sinh... Đây cũng là cái cớ để chủ doanh nghiệp đầu tư xây dựng một cách cầm chừng, theo kiểu đối phó cơ quan quản lý Nhà nước.

Ngoài ra, có một thực tế là nhiều chủ đầu tư cố tình chậm trễ xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trên các ô đất theo quy hoạch đã được phê duyệt. Sau đó, chủ đầu tư tìm cách "luồn lách" xin thay đổi quy hoạch, biến những ô đất đó thành nơi xây những chung cư cao tầng hoặc nhà ở để bán.

Bàn về giải pháp, theo các nhà chuyên môn về quy hoạch, cần phải xây dựng chiến lược phát triển đô thị Hà Nội phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông trước.

Tiếp đến là, khi đầu tư phát triển cần phải lưu tâm đến hướng phát triển đồng bộ giữa phát triển quy hoạch với phát triển hạ tầng cơ sở. Cụ thể, khi hình thành khu đô thị mới cần ưu tiên đầu tư các không gian công cộng, công viên, cây xanh, quảng trường và tiện ích đô thị trước khi phát triển nhà ở.

Bên cạnh đó, khi phê duyệt quy hoạch và quyết định đầu tư, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những quy định ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ dân sinh và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý khi hoàn thành.

Đối với các dự án mà chủ đầu tư không triển khai hoặc chậm tiến độ, các cơ quan có thẩm quyền cần mạnh tay thu hồi, giao cho đơn vị khác thực hiện. Có như vậy mới bảo đảm sự phát triển đồng bộ giữa hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật trong các khu đô thị.