19/01/2025 | 15:57 GMT+7, Hà Nội

Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn: Dấu ấn của “đâu khó có tư nhân”

Cập nhật lúc: 21/08/2020, 15:44

Cho tới giờ, đây là bệnh viện dã chiến được đánh giá là thông minh nhất, được thi công nhanh nhất, và cũng là công trình dành cho cộng đồng có sự góp sức của nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân nhất.

Cho tới giờ, đây là bệnh viện dã chiến được đánh giá là thông minh nhất, được thi công nhanh nhất, và cũng là công trình dành cho cộng đồng có sự góp sức của nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân nhất. Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn cũng là minh chứng sống động cho cái gọi là “đâu khó có tư nhân”.

“Bệnh viện thông minh nhất”

3,5 ngày thi công, vượt tới 2,5 ngày so với thời gian dự kiến. 284 giường bệnh tại sàn thi đấu tầng 1 và có khả năng tăng tới 700-1000 giường bệnh để đáp ứng nhu cầu nếu dịch bùng phát mạnh hơn. Hơn 500 công nhân thi công trực tiếp, chia ca kíp làm việc 24/24 giờ và hàng trăm CBNV hỗ trợ gián tiếp tham gia các khâu: mua sắm, vận chuyển nguyên vật liệu, nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh, vận chuyển, lắp đặt thiết bị… Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn đã làm nên một dấu ấn đầy khích lệ, trong công cuộc chống dịch của thành phố Đà Nẵng, cho dù với cả những người xây dựng bệnh viện lẫn lãnh đạo, người dân thành phố đều không mong công trình này được sử dụng đến.

Đánh giá về công trình này, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng – ông Nguyễn Văn Quảng, trong buổi kiểm tra thực tế tại Bệnh viện hôm 11/8 cho rằng: dù là bệnh viện dã chiến nhưng bệnh viện tại Cung thể thao Tiên Sơn được thi công và xây dựng phương án quản lý, vận hành với tính chuyên môn cao, chuyên nghiệp, hiện đại, không thua kém các bệnh viện có điều kiện tốt nhất trên địa bàn thành phố hiện nay, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác phòng, chống dịch.

Bệnh viện dã chiến này cũng được xem là bệnh viện thông minh nhất trên địa bàn thành phố, khi được điều hành phần lớn thông qua mạng máy tính, đầu đọc mã vạch… hạn chế tối đa việc sử dụng giấy tờ.

Những “dấu ấn tư nhân”

Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Trường Sơn - khi được hỏi về những đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân trong công cuộc chống dịch của Đà Nẵng đã không ngần ngại cho biết, ông đánh giá rất cao sự vào cuộc, đóng góp và cống hiến của các doanh nghiệp tư nhân đã nỗ lực chung tay cùng với chính quyền, nhà nước tham gia vào công cuộc phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Đà Nẵng. Và ông đặc biệt nhấn mạnh tới công trình Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn của Đà Nẵng - với sự tham gia tài trợ, chịu trách nhiệm thi công của Sun Group - đơn vị tài trợ và chịu trách nhiệm thi công công trình này.

“Chúng tôi đã tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát và góp ý về các quy trình chuẩn bị của bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn. Và cho đến bây giờ thì chúng tôi rất hài lòng về chất lượng của bệnh viện.

Chúng tôi cũng ghi nhận đây là một trong những bệnh viện dã chiến đã được xây dựng với thời gian nhanh nhất. Điều này chứng tỏ sự quyết tâm của chính quyền thành phố Đà Nẵng, sự vào cuộc rất quyết liệt của ngành y tế và đặc biệt là sự tham gia của Tập đoàn Sun Group vào việc xây dựng bệnh viện. Mặc dù việc xây dựng bệnh viện trong tình hình dịch rất khó khăn, việc huy động nhân viên, công nhân, đặc biệt là việc vận chuyển các nguyên vật liệu, thiết bị để hoàn tất xây dựng bệnh viện tại Cung thể thao Tiên Sơn trong thời gian ngắn, nhưng Sun Group đã vào cuộc quyết liệt, hoàn thành đúng tiến độ” - Thứ trưởng nói.

Cho tới giờ, đây là bệnh viện dã chiến được đánh giá là thông minh nhất, được thi công nhanh nhất, và cũng là công trình dành cho cộng đồng có sự góp sức của nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân nhất.

Dấu ấn của kinh tế tư nhân trong công trình cho cộng đồng này có thể nói hết sức đậm nét. Bởi không chỉ có Sun Group tài trợ phần xây dựng và các thiết bị cơ bản cho các buồng bệnh, mà rất nhiều đơn vị khác cũng đã chung tay để bệnh viện này trở thành “bệnh viện thông minh nhất”. Máy thở do Vingroup tài trợ, FPT lắp đặt mạng wifi miễn phí, Viettel phủ sóng 4G, Ecopark tài trợ hệ thống xử lý nước thải y tế. Máy tính, ga gối, và giờ đến suất ăn trưa của bệnh viện cũng đã được các doanh nghiệp đăng ký tài trợ.

Niềm tự hào giản dị

Góp sức hình thành nên một công trình kỷ lục trong lịch sử của ngành y tế, nhưng những con người trực tiếp làm nên bệnh viện này lại không cho rằng, đó là một điều gì to tát. Kỹ sư Đoàn Khắc Trung, Trưởng Ban Chiến dịch thi công Bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn – chia sẻ: “So với sự hy sinh, vất vả của lực lượng tuyến đầu, những đóng góp công sức của anh em chúng tôi trong việc thi công bệnh viện dã chiến là vô cùng nhỏ bé, chưa thấm vào đâu. Nhưng được góp một tay để chia sẻ với những khó khăn, vất vả với thành phố Đà Nẵng trong cuộc chiến chống dịch này, tôi cảm thấy tự hào và may mắn”.

Diễn tập tại bệnh viên dã chiến

Và CEO của tập đoàn Sun Group - bà Bùi Thị Thanh Hương cũng đã hết sức khiêm tốn khẳng định: “So với sự cống hiến, hy sinh quên mình của lực lượng tuyến đầu như các y bác sĩ, các cán bộ y tế, công an, bộ đội và các lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ Y tế hay các Sở, ban, ngành trung ương và địa phương, cũng như so với tấm lòng, công sức và vật chất mà người dân khắp cả nước đang chung tay góp sức hướng về Đà Nẵng, việc Sun Group gánh vác trách nhiệm thi công, lắp ghép bệnh viện dã chiến điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Cung thể thao Tiên Sơn chỉ là một đóng góp vô cùng nhỏ bé”.

Nhìn lại dọc dài sự đồng hành của các doanh nghiệp tư nhân từ đầu mùa dịch đến giờ, lại sẽ thấy một Sân bay Vân Đồn của Sun Group bền bỉ đón những chuyến bay từ tâm dịch đưa đồng bào mình về nước, theo một quy trình đặc biệt an toàn lần đầu có tại Việt Nam. Nhìn lại một sự thực rằng, một doanh nghiệp sống bằng du lịch như Sun Group, cũng đang là một trong những “ngọn đèn trước gió” như nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp mũi nhọn của nước nhà, với gần 11.000 lao động đang hoặc nghỉ không lương, hoặc làm việc luân phiên, bởi tất thảy các cơ sở lưu trú và vui chơi giải trí của Tập đoàn này tại Đà Nẵng đã đóng cửa, các điểm đến khác đều trong tình trạng, hoặc chỉ mở cửa cuối tuần, hoặc đóng chờ hết tháng 8, mới thấy, mỗi đóng góp của các doanh nghiệp lúc này, dù là nhỏ bé nhất, cũng đều là một nỗ lực to lớn, nếu không muốn nói, đó là sự hy sinh, vì cộng đồng.