19/01/2025 | 10:06 GMT+7, Hà Nội

Chuyện chưa kể của những người dựng Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn

Cập nhật lúc: 12/08/2020, 15:00

Trước ngày Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn dự kiến đi vào vận hành, tôi gặp họ, những con người đã vượt qua 84 giờ thần tốc, xây dựng xong công trình mà cả cộng đồng và chính họ không muốn được dùng đến.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng…”

Anh Trần Quyết Thắng (nhân viên bộ phận Ẩm thực tại Công viên châu Á) là một trong số 7 đầu bếp tham gia đội hậu cần, phục vụ các suất ăn cho đội ngũ lắp đặt Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn. Cho tới tận lúc này, anh vẫn nhớ như in những ngày “căng mình” trong căn bếp của Công viên châu Á.

Bệnh viện dã chiến

Bảy đầu bếp cùng tham gia phục vụ khoảng 300 - 400 suất ăn mỗi ngày cho các kỹ sư, công nhân trực tiếp thi công bệnh viện dã chiến. “Thậm chí, trong ngày cao điểm - ngày thứ hai thi công bệnh viện, chúng tôi đã phục vụ tới 600 suất ăn”, anh Thắng nhớ lại. “Khó là những ngày cách ly, việc đi mua, lựa chọn và vận chuyển nguyên liệu cũng không hề đơn giản. Áp lực càng nặng nề khi số suất ăn liên tục tăng lên. 

Thậm chí, có lúc tưởng như việc đã xong, anh em chuẩn bị nghỉ thì từ công trường, điện thoại báo cần thêm vài chục suất ăn. Lại lao vào nấu nướng, thậm chí nhường luôn suất ăn của nhà bếp rồi sau đó, mấy anh em ăn mỳ tôm cho lẹ. Cũng may, các đơn vị cung cấp thực phẩm biết mình làm suất ăn cho công trường bệnh viện dã chiến thì nhiệt tình hỗ trợ vận chuyển đến tận bếp, thế nên gấp mấy cũng đã lo được cơm cho anh em thi công không bị đói”.

Nhớ lại thời điểm quyết định tham gia đội tình nguyện phục vụ suất ăn cho lực lượng xây dựng bệnh viện dã chiến, anh Thắng bồi hồi: “Ban đầu, tôi cũng sợ chứ. Con người mà, khi nghe và đối diện với dịch bệnh, hiểm nguy, ai mà có thể bàng quan. Thế nhưng, sau những phút đắn đo, tôi quyết định nhận nhiệm vụ. Nếu tất cả đều sợ, từ chối thì ai sẽ là người làm nhiệm vụ?”

Vượt qua nỗi sợ, mỗi ngày, anh Quyết Thắng cùng các đồng nghiệp đã hoàn thành khối lượng công việc gấp 3 - 4 lần ngày bình thường, trong thời gian thi công bệnh viện dã chiến.

Cũng giống như những đầu bếp ở Công viên châu Á, nhiều cán bộ, nhân viên của Sun Group tại địa bà Đà Nẵng… đã tình nguyện tham gia hỗ trợ, hình thành một lực lượng vệ sinh được họ gọi vui là…“biệt đội giẻ lau”.

Chị Nguyễn Thu Trang (nhân viên khối văn phòng) kể: “Trước đó, tin tức về những ca mắc mới liên tục cập nhật đã khiến chúng tôi hiểu rằng một cuộc chiến trước mắt là điều không thể tránh. Trong rất nhiều nỗi hoang mang được gọi tên hàng ngày, dù giữa tâm dịch chúng tôi vẫn tự tin rằng chúng ta đã thực hiện các biện pháp cách ly quyết liệt, chỉ cần “cố thủ” trong nhà là chúng tôi có thể chiến thắng được dịch bệnh”.

Nhưng ngay khi biết tin Tập đoàn Sun Group xây dựng bệnh viện dã chiến, chị đã nhập cuộc. “Sáng 3/8, đến Cung Tiên Sơn, tôi đã thấy các anh chị đồng nghiệp có mặt đông đủ. Đội quân gần 200 người đã được tập hợp chỉ trong một buổi tối, khi có phát động của Sun Group vùng miền Trung. Công việc của chúng tôi là “dọn dẹp vệ sinh toàn bộ bệnh viện dã chiến” chị kể.

“Qua ô cửa kính tôi thấy những đồng nghiệp từ Ban quản lý dự án ở Vùng, cán bộ xây dựng ở Bà Nà, Công viên Châu Á đang hối hả lắp ghép các khu vực giường bệnh. Một cảm xúc kỳ lạ dâng lên, trong tôi lúc đó có một niềm tin chắc chắn rằng rồi với muôn sức người cộng lại, cùng tình yêu và ý chí, Đà Nẵng sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này”, chị Trang bồi hồi.

“Chỉ mong bệnh viện mãi… ế ẩm”

Đối với tất cả những người đã “dựng lá chắn Tiên Sơn”, quãng thời gian 3,5 ngày lắp đặt bệnh viện dã chiến là khoảng thời gian không thể nào quên.

Nguyễn Thành Phụng (Trưởng Bộ phận Môi trường công cộng của Bà Nà Hills) cười như được mùa, rổn rảng kể: “Ngày tôi tình nguyện xuống Tiên Sơn cũng đồng thời là ngày sinh nhật lần thứ 30 của tôi. Dự định từ mấy ngày trước đó là sẽ cùng bà xã và 2 con ở nhà ăn cơm, thế nhưng, tôi vẫn quyết định sẽ đi cùng anh em, đồng nghiệp.”

Cán bộ nhân viên Công viên Châu Á nấu ăn phục vụ thi công Bệnh viện dã chiến

Phụng bảo, buổi sáng xuống Cung thể thao, ngoài ý nghĩ làm sao hoàn thành tốt nhất công việc dọn vệ sinh, đảm bảo mặt bằng cho việc lắp đặt về sau, anh lại có một “điều ước sinh nhật” kỳ lạ là bệnh viện rồi sẽ chẳng có ai phải vào nằm điều trị cả. Ngay cả lúc cùng 3 đồng nghiệp vắt vẻo trên mái vòm Tiên Sơn để dọn dẹp, cái ý nghĩ ấy vẫn không nguôi trong anh.

Trong khi đó, anh Phạm Cường (Đội Kỹ thuật bảo trì xây dựng – Công ty Cổ phần Cáp treo Bà Nà) cũng chỉ “ao ước” rằng anh và hơn 500 cán bộ, công nhân và kỹ sư đã phải… phí công, hoài sức.

“Quá trình làm chúng tôi đều không được sử dụng điều hòa; hệ thống thông gió thì chưa được lắp đặt nên không gian rất ngột ngạt, khó thở. Mỗi người đeo tới 2 cái khẩu trang nên ngày nào trở về nhà thì thân thể cũng rã rời rồi. Nhưng thực lòng, chúng tôi chỉ ước tất cả công sức ấy đều… bỏ không, bệnh viện sẽ không phải đón ai trong tương lai,” anh Cường cười lành lẽ.

Sau đúng 3,5 ngày căng mình ở Tiên Sơn, những người như Thắng, Phụng, Cường hay Thu Trang đều “vỡ òa” trong giây phút bệnh viện được bàn giao lại cho Đà Nẵng. Những đôi tay đã rộp phồng, mặt lấm lem như vừa “chui vào lò than”, họ chỉ muốn ôm chầm lấy nhau khi nhìn những giường bệnh đã được dựng lên ngay ngắn.

“Chúng tôi tự hào vì đã góp một phần công sức nhỏ bé vào thành quả chung. Nhìn bệnh viện hoàn thành, tôi ấm lòng vì đồng bào đã có một điểm tựa, sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến này,” anh Phụng rưng rưng.

Cùng tâm trạng, chị Thu Trang bày tỏ, những ngày gần đây, trên mạng xã hội hay các phương tiện truyền thông dùng “người hùng” để nói về công trình này hay những người đứng sau nó. “Sự ghi nhận của cộng đồng khiến chúng tôi hết sức xúc động. Thế nhưng, so với sự nhọc nhằn, hiểm nguy của các bác sỹ, chiến sỹ công an, quân đội…, đóng góp của chúng tôi vẫn quá nhỏ bé. Sau khi hoàn thành công việc, chúng tôi được trở về nhà. Còn họ vẫn đang căng sức, gác lại hết mọi niềm vui, nỗi buồn để kiên cường trong cuộc chiến còn chưa biết đến khi nào.