19/01/2025 | 06:13 GMT+7, Hà Nội

Bất động sản khu công nghiệp: Cạnh tranh là cần thiết

Cập nhật lúc: 16/06/2020, 08:35

Trong khi đại dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia trên thế giới, thu hút đầu tư FDI của Việt Nam vẫn ổn định. Theo đánh giá, đây là cơ hội cho BĐS KCN phát triển.

 Giám đốc thị trường Công ty JLL Việt Nam Nguyễn Hồng Vân.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Giám đốc thị trường Công ty JLL Việt Nam Nguyễn Hồng Vân.

Bà có đánh giá thế nào về tình hình thu hút vốn đầu tư vào BĐS KCN Việt Nam từ đầu năm đến nay?

- Số liệu từ Bộ KH&ĐT cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2020, các KCN, KKT trên cả nước thu hút được khoảng 390 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 4,3 tỷ USD. Theo đó, lũy kế nâng tổng số dự án FDI lên khoảng 9.850 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 194 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện đạt trên 70%.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng doanh thu của các DN trong KCN, KKT đạt khoảng 81 tỷ USD, chỉ giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng giá trị xuất khẩu 58 tỷ USD, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số có ý nghĩa hết sức khả quan trong thời điểm mà nhiều nền kinh tế đang bị khủng hoảng từ đại dịch Covid-19.

Theo bà, Việt Nam có những lợi thế gì để phát triển BĐS KCN?

- Có thể nói, tuổi đời về phát triển BĐS KCN của Hà Nội nói riêng và các tỉnh phía Bắc vẫn còn rất non trẻ. Trong thời gian vừa qua, hoạt động diễn ra chủ yếu là các chủ dự án bán đất cho những chủ DN tự xây dựng nhà xưởng để sản xuất. Đây là xu thế chính trong giai đoạn 2010 - 2015.

Những năm qua, Việt Nam tạo được nhiều lợi thế nhằm thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Ngoài vấn đề có nguồn nhân lực lao động giá rẻ, tay nghề khéo, ham học hỏi, thì điều rất quan tâm là, Việt Nam đã và đang chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp trở thành một trong những trung tâm công nghiệp trọng điểm của châu Á; đồng thời chuyển đổi ngành công nghiệp lao động thấp sang các ngành công nghiệp chuyên sâu và giá trị cao.

Đặc biệt, Việt Nam luôn giữ được môi trường chính trị ổn định và là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng nhanh trong khu vực và thế giới. Rồi những năm gần đây, Việt Nam ký kết gia nhập các hiệp định thương mại tự do; tăng cường giao lưu học hỏi khoa học kỹ thuật với các nước phát triển... Tất cả các yếu tố đó cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam rất hấp dẫn.

Để tận dụng được những lợi thế nêu trên, cần phải làm gì, thưa bà?

- Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam đã đón nhận thêm rất nhiều nhà đầu tư đến mua đất để xây dựng nhà xưởng cho thuê. Đặc biệt từ năm 2019 có sự gia tăng lớn của nhiều quỹ đầu tư từ các công ty phát triển về BĐS KCN cho thuê.

Đến nay, phân khúc này không chỉ còn là sân chơi riêng của các công ty phát triển BĐS KCN ở trong nước nữa, mà đã có sự cạnh tranh quyết liệt từ DN nước ngoài. Theo tôi, đây là sự cạnh tranh cần thiết và các DN trong nước cần phải nắm bắt được cơ hội học hỏi kinh nghiệm về đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, để giúp cho thị trường ngày càng đi vào chuyên nghiệp.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho BĐS KCN được phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhà sản xuất quốc tế, cần phải xây dựng cơ chế thông thoáng về thủ tục hành chính, ưu đãi hơn nữa về chính sách thuế, linh động thời hạn cho thuê đất… Từ đó có thể tận dụng tối đa dòng vốn, đặc biệt với nguồn vốn ngoại vào đầu tư kinh doanh KCN.

Xin cảm ơn bà!