19/01/2025 | 18:22 GMT+7, Hà Nội

Bất động sản hiện đang cắt lỗ toàn diện?

Cập nhật lúc: 23/11/2022, 09:18

Sự trầm lắng của thị trường địa ốc là tín hiệu khiến giới chuyên gia dự báo thị trường đang điều chỉnh. Bước sang năm 2023, khả năng khởi sắc đột biến sẽ không có khi thị trường còn khó khăn về vốn.

Thị trường ghi nhận gam màu trầm lắng

Thị trường bất động sản hiện nay đang trái ngược với diễn biến cuối năm 2021, ghi nhận gam màu trầm lắng. Thậm chí, một số khu vực gần như rơi vào trạng thái “ngủ đông”.

Không bán được hàng đang là tình trạng phổ biến trên thị trường BĐS hiện nay. Cả nhà đầu tư lẫn môi giới BĐS đều đang gặp khó. Báo cáo thị trường bất động sản tháng 10 của DKRA Việt Nam chỉ ra, hiện tất cả các phân khúc bất động sản đều sụt giảm nghiêm trọng về lượng tiêu thụ và đang giảm giá, cắt lỗ, chiết khấu mạnh.

Thị trường bất động sản hiện nay đang trái ngược với diễn biến cuối năm 2021, ghi nhận gam màu trầm lắng. (Ảnh minh họa)
Thị trường bất động sản hiện nay đang trái ngược với diễn biến cuối năm 2021, ghi nhận gam màu trầm lắng. (Ảnh minh họa)

Ở phân khúc đất nền, sức cầu thị trường giảm mạnh, tỷ lệ tiêu thụ toàn thị trường chỉ đạt khoảng 27% (giảm 84,1% so với cùng kỳ). Các dự án mở bán trong tháng 10 có mặt bằng giá sơ cấp tăng khoảng 0,25-8% so với lần mở bán trước đó (thời gian mở bán theo từng đợt 2 tháng - 6 tháng - 12 tháng).

Còn thị trường thứ cấp, các dự án có mức giá đi ngang hoặc tăng nhẹ chỉ 2% so với tháng trước. Bên cạnh đó, thị trường cũng phát sinh giao dịch cắt lỗ khi khách hàng gặp phải những khó khăn về dòng tiền và áp lực lãi suất ngày càng tăng cao.

Phân khúc căn hộ, thanh khoản thị trường sơ cấp tiếp tục ở mức thấp với tỷ lệ hấp thụ ở các dự án chỉ dao động phổ biến từ 20-60% lượng sản phẩm mở bán. Giá bán sơ cấp ghi nhận tăng 4-10% so với đầu năm, tuy nhiên nhiều chính sách ưu đãi thanh toán nhanh được các chủ đầu tư áp dụng với mức chiết khấu lên đến 40-50% giá trị bất động sản nhằm kích cầu thị trường.

Thanh khoản thứ cấp tiếp tục sụt giảm với giá bán ghi nhận giảm cục bộ ở những nhà đầu tư cần bán gấp phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân cũng như giảm áp lực lãi vay giữa bối cảnh lãi suất tăng cao.

Mặt bằng giá thứ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang so với tháng trước, trên thị trường cũng xuất hiện những giao dịch cắt lỗ (200-500 triệu đồng/căn) ở những khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền nhưng thanh khoản vẫn rất trầm lắng, theo đại diện DKRA Vietnam cho hay.

Suy thoái và đóng băng có thể xuất hiện trên thị trường BĐS

Với các sản phẩn bất động sản nghỉ dưỡng sức cầu cũng giảm đáng kể, lượng tiêu thụ thấp nhất từ đầu năm đến nay, khoản-g 33% số lượng dự án mới không phát sinh giao dịch. Nhiều dự án được chủ đầu tư chiết khấu 30-40%, cam kết các chính sách thuê, mua lại nhằm kích cầu.

Nguy cơ thị trường cắt lỗ toàn diện có thể diễn ra. Theo một số chuyên gia, suy thoái và đóng băng là hiện tượng có thể xuất hiện trên thị trường BĐS.

Thị trường BĐS đang rất khó khăn và đứng trước khả năng rơi vào suy thoái, đã có doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, bán bớt tài sản, chiết khấu mạnh, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhấn mạnh.

Thị trường bất động sản đã có dấu hiệu giảm tốc, trầm lắng, giao dịch nhà đất sụt giảm trên dưới 50% tùy theo dự án và tùy theo khu vực, nhưng giá nhà đất vẫn còn neo giữ mức giá cao do doanh nghiệp và cả nhà đầu tư có tâm lý kỳ vọng thị trường sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm (trước Tết Qúy Mão).

Mặt khác, sức chịu đựng có hạn, đến một thời điểm không chịu đựng nổi thì doanh nghiệp sẽ phải xả hàng, thậm chí chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ để bảo tồn phần vốn còn lại.

Nguyên nhân chính là do tắc nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, nguồn vốn huy động từ khách hàng.

Về khó khăn tài chính, theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế là thiếu vốn tín dụng của doanh nghiệp bất động sản là do “siết tín dụng”, cũng chưa hẳn chuẩn xác. Bởi từ “siết tín dụng” hiểu đúng sẽ là tăng trưởng tín dụng và dòng vốn vào thị trường bất động sản giảm so với những năm trước.

Nhưng thực tế, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước vẫn công bố giữ nguyên mức tăng trưởng tín dụng 14% bằng với những năm trước; chưa kể khoảng 276.000 tỷ đồng được các doanh nghiệp huy động qua kênh trái phiếu (tạm tính đến tháng 7/2022), trong đó có khoảng 36% trái phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản.

Vậy, tín dụng vào bất động sản vẫn tăng, thậm chí giai đoạn năm 2016-2017 tăng trưởng tín dụng chỉ 12%. Thị trường bất động sản cũng không thiếu vốn. Vướng mắc ở đây phải chăng do các doanh nghiệp bất động sản không bán được hàng, không có dòng tiền quay vòng?

Giải pháp cho thị trường bất động sản đang trong giai đoạn suy thoái lúc này, là tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu giờ doanh nghiệp bất động sản vay thêm vốn từ tín dụng, từ trái phiếu mà vẫn không bán được hàng, tỉ lệ nợ sẽ càng tăng, sức ép tài chính lớn hơn nhiều. TS. Hiển cho hay.

Doanh nghiệp cần chọn tái cấu trúc bằng cách “hy sinh” dự án, lĩnh vực không phải cốt lõi để thu gọn tài chính, giảm nợ vay, chỉ tập trung một vài dự án chủ lực của mình để phát triển. Đầu tư bất động sản vẫn là ngành hấp dẫn, nhưng cần phải tập trung vào các loại bất động sản có nhu cầu ở và kinh doanh thật sự. Đây cũng là hướng đi cho các công ty bất động sản trong giai đoạn tới.

Một số khu vực gần như rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Điều này càng cho thấy, thị trường BĐS đã lộ rõ sự “hạ nhiệt”, thậm chí nguy cơ suy thoái, đóng băng.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/bat-dong-san-hien-dang-cat-lo-toan-dien-73656.html