19/01/2025 | 11:58 GMT+7, Hà Nội

Bất động sản Hà Nội đang bước vào cuộc đua nước rút

Cập nhật lúc: 02/12/2020, 14:00

Những quý vừa qua, thị trường bất động sản Hà Nội im ắng bởi dịch Covid-19. Nhưng bước vào những tháng cuối cùng của quý IV, thị trường bắt đầu ấm dần khi giao dịch, mở bán dự án được bung ra thị trường.


Giá đất tăng là dấu hiệu phục hồi của thị trường

Mới đây, trong một chương trình giao lưu trực tuyến, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho biết, theo báo cáo triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2020 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2020 nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, vượt Singapore và Malaysia. Điều đó cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn giữ được viễn cảnh tích cực ngay cả trong điều kiện dịch bệnh tác động.

Ông Doanh nhìn nhận: “Trong năm 2021 tới đây, khi các chỉ tiêu vĩ mô được đảm bảo, dịch bệnh được kiểm soát, thị trường bất động sản sẽ phát triển ở mức cao hơn năm 2019, thậm chí sẽ có sự bùng nổ ở một vài phân khúc và thị trường khu vực nhất định.

Thị trường chắc chắn sẽ tiếp tục có những siêu dự án với quy mô lớn và rất lớn được đầu tư dưới dạng các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí với hạ tầng tốt, được khai thác, vận hành một cách đồng bộ, xây dựng theo hướng xanh - thông minh. Đó sẽ là những dự án tạo ra sức nóng và sự dẫn dắt trên thị trường”.

Riêng tại thị trường Hà Nội, trong suốt 10 tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản tại thành phố lớn này bị “nén” lại do tác động của đại dịch Covid-19, nên khi kiểm soát được dịch bệnh đã giúp cởi trói thị trường, khiến giá bất động sản tại nhiều nơi tăng cao.

Ví như giá đất tăng mạnh ở những huyện đã được quy hoạch lên quận, như Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng và Gia Lâm. Cụ thể, tại Thanh Trì, vào tháng 6, 7/2020, khu vực này bỗng nhiên đồn thổi thông tin sẽ được lên quận sớm hơn dự tính (năm 2025), nhiều cò đất, đầu nậu đã tranh thủ cơ hội hiếm có này để đẩy giá đất Thanh Trì lên cao.

Còn tại Hoài Đức và Đan Phượng, bên cạnh thông tin được quy hoạch lên quận, 2 huyện này còn được hưởng lợi từ tuyến đường vành đai 3,5 nối Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 32. Ngoài ra, các dự án bất động sản “khủng” đang được triển khai tại Đan Phượng và Hoài Đức cũng khiến giá đất tăng mạnh.

Trước đó, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, nhờ đón làn sóng đầu tư mới, thị trường bất động sản Hà Nội có thể khởi sắc vào 3 tháng cuối năm 2020. Trong đó, lượng giao dịch, tỷ lệ tiêu thụ trên thị trường sẽ tăng so với quý III/2020, nhưng giá trên toàn thị trường có thể sẽ không có biến động.

Trong khi đó, Batdongsan.com.vn nhận định, tâm lý người mua chờ đợi bất động sản giảm giá và chờ đợi thị trường khởi sắc vào năm sau đang chiếm đa số. Chỉ số giá bất động sản được dự báo tăng khoảng 1,4% tại Hà Nội. Với loại hình chung cư, nguồn cung được dự báo sẽ tăng thêm nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt và tình hình kinh tế thuận lợi.

Vào những tháng cuối cùng của quý IV/2020, thị trường Hà Nội bắt đầu ấm dần khi giao dịch, mở bán dự án được bung ra thị trường.

Cuộc đua tăng tốc về nguồn cung

Tại Hà Nội, bước vào giai đoạn cuối năm, các kế hoạch bán hàng, quảng bá thương hiệu và dự án diễn ra ngày càng nhiều. Hơn nữa, do khan hiếm nguồn cung, mức giá chào bán cả chung cư và các sản phẩm nhà đất đều ở mức khá cao so với thời điểm trước.

Theo báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản quý III/2020 của Bộ Xây dựng, tại Hà Nội có 3.000 giao dịch thành công, tăng hơn 200% so với quý trước. 

Còn ghi nhận từ Batdongsan.com.vn cho thấy, trong quý III/2020 có 10 dự án được hỏi mua nhiều nhất tại Hà Nội gồm: Vinhomes Smart City, Imperia Garden, Khu đô thị mới Xa La, Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Vinhomes Green Bay, Vinhome Ocean Park, Vinhomes Times City, Goldmark City, Royal City, Golden Silk. Ngoài ra, dự kiến, trong quý IV/2020, thị trường Hà Nội sẽ đón nhận nguồn cung khoảng 9.800 căn hộ đến từ các dự án của Ecopark, Vingroup,… Điều này cho thấy thị trường bất động sản Hà Nội đã bắt đầu hồi phục và tăng tốc về nguồn cung.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay: “Chúng tôi ghi nhận lực cầu mua bất động sản tại Hà Nội vẫn rất tốt, các dự án có vị trí đắc địa mỗi lần ra tỷ lệ hấp thụ bình quân khoảng 70%”.

Đặc biệt, thị trường Hà Nội hiện đang chứng kiến xu hướng “Bắc tiến” của một số doanh nghiệp địa ốc lớn đến từ phía Nam, khiến thị trường càng thêm nhộn nhịp. Để giảm áp lực tài chính cho khách hàng, hầu hết các dự án chào bán thời điểm này đều liên kết với ngân hàng để hỗ trợ khách hàng vay tiền mua nhà. Thời hạn cũng được kéo dài lên tới 35 năm, với lãi suất ưu đãi trong khoảng thời gian đầu.

Bà Nguyễn Thu Hằng, Giám đốc nghiên cứu Savills Việt Nam chia sẻ, sự phát triển của thị trường bất động sản Hà Nội trong những thập niên vừa qua đã mang đến cho Hà Nội một diện mạo mới và hiện đại. Do vậy, nguồn cung của thị trường được hình thành chủ yếu với quỹ đất còn tại các khu vực vành đai. 

“Các dự án nằm ở đường vành đai 2 và 3 Hà Nội hiện nay đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư. Đây là những dự án lần đầu đưa ra thị trường với mức giá khá cao, gấp đôi so với khu vực trung tâm. Do vậy, các chủ đầu tư phải tăng tính cạnh tranh cho dự án của mình bằng cách đầu tư bài bài vào hệ thống cảnh quan, hạ tầng, chất lượng dịch vụ…”, bà Hằng cho hay.

Trong khi đó, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định: “TP. Hà Nội đang đẩy mạnh hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm. Với sự phát triển đồng bộ và nhanh chóng như hiện nay, Hà Nội sở hữu lợi thế là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với người nước ngoài có ý định mua nhà tại Việt Nam”.