11/11/2024 | 17:47 GMT+7, Hà Nội

Bất động sản công nghiệp Thanh Hóa: Điểm sáng thu hút vốn FDI

Cập nhật lúc: 01/02/2023, 18:27

Thanh Hóa đang hội tụ đầy đủ các điều kiện cần và đủ để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Đây là nền tảng để phân khúc BĐS công nghiệp trở thành điểm sáng trong thu hút dòng vốn FDI.

Không ngừng mở rộng quy mô

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), trong những năm gần đây, miền Trung đã được quan tâm nhiều hơn từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, tạo tiền đề cho sự phát triển mới trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp của khu vực này.

Hiện nay, thị trường bất động sản công nghiệp miền Trung đang có khoảng 260 dự án khu công nghiệp được đưa vào quy hoạch với tổng quy mô lên đến 62,8 nghìn héc-ta. 

Theo thị phần tổng hợp, khu công nghiệp Nghi Sơn đang là khu công nghiệp có quy mô diện tích dẫn đầu khu vực với mức thị phần 14,4% tương đương với 9.057 ha và gấp gần 3 lần so với hai khu công nghiệp liền kề. Theo sau là Cụm công nghiệp Sa Huỳnh với quy mô 3.369ha tương ứng với 5,37% thị phần và Khu công nghiệp Wha Hemaraj 1 quy mô 3.200ha tương đương 5,10% thị phần. Cả ba đều là các khu công nghiệp có diện tích trên 3.000ha và thuộc các tỉnh ven biển.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, Thanh Hóa hiện đang là tỉnh có quy mô bất động sản công nghiệp lớn nhất tại miền Trung với mức thị phần đạt 19% tương đương với 12,1 nghìn héc-ta đất quy hoạch. Đây cũng là khu vực được dự kiến sẽ có sự phát triển mạnh mẽ về bất động sản công nghiệp trong tương lai gần, với quy mô kinh tế đứng thứ 8 cả nước. 

Tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, đến tháng 6/2022, khu kinh tế này đã thu hút được 265 dự án đầu tư trực tiếp trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 149.000 tỷ đồng và 23 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 12,8 tỷ USD. Đây là 1 trong 8 Khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước với nhiều dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, có tác động lan tỏa, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, khu vực và cả nước, như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (một trong 3 dự án công nghiệp lớn nhất cả nước), Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 2, xi măng Nghi Sơn, xi măng Công Thanh, các dự án cảng biển, may mặc, giày da…

Cũng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hàng loạt dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thành lập đáp ứng nhu cầu về nhà xưởng và kho bãi cho các nhà đầu tư nước ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) trong bối cảnh các thành phố công nghiệp cấp 1 như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... dần khan hiếm quỹ đất.

Hiện nay, Tập đoàn Foxconn Việt Nam đã đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất thiết bị điện tử tại tỉnh Thanh Hóa. Tập đoàn đã khảo sát địa điểm đầu tư có diện tích từ 100 đến 150ha, dự tính tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh số xuất khẩu 10 tỷ USD/năm.

Ngoài Foxconn và AEON, Công ty WHA Industrial Development PLC (Thái Lan) cũng đã quyết định nghiên cứu đầu tư hai dự án xây dựng hạ tầng phân khu công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa trị giá 335 triệu USD. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với CTCP Đầu tư và Quản lý tài sản Á Châu, các đối tác về dự án đầu tư Trung tâm Logistics Bắc Trung Bộ và xây dựng hạ tầng khu công nghiệp số 6 tại khu kinh tế Nghi Sơn, trên khu đất rộng 395ha với tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng

Các dự án bất động sản “tỷ đô” đổ bộ vào Thanh Hóa trong thời gian qua cho thấy sức hút của mảnh đất này đối với các “đại bàng” lớn đến như thế nào. Việc địa phương này luôn đứng trong top đầu các địa phương về thu hút đầu tư (mỗi năm thu hút khoảng 150.000 tỷ đồng) tạo ra nền tảng vững chắc trong phát triển kinh tế, xã hội. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cho Thanh Hóa trong việc cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để đồng hành cùng doanh nghiệp trong thu hút đầu tư, phát triển dự án.

Thanh Hóa đang trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Ảnh: Tùng Dương
Thanh Hóa đang trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Ảnh: Tùng Dương

Tiếp tục “lên hương” nhờ chính sách thu hút đầu tư

Trong 5 năm qua, Thanh Hóa đã thu hút hơn 1.000 dự án trực tiếp với tổng vốn đăng ký hơn 114 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ còn tiếp tục “lên hương” trong thời gian tới.  Kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở với nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy từ 90 - 100%.

Theo tổng hợp của Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch được 91 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 3.382,66ha. Trong đó, khu vực đồng bằng có 48 CCN với tổng diện tích 1.775,76 ha; khu vực ven biển có 19 CCN với tổng diện tích 743,2ha; khu vực miền núi có 24 CCN, với tổng diện tích 863,7ha.

Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, là tiền đề quan trọng trọng để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Điều này góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, thực hiện đô thị hóa, hình thành các trung tâm công nghiệp; góp phần giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động, và người dân địa phương; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương trong tỉnh theo hướng hiện đại, hợp lý và hiệu quả…

Lý giải về sức hút của Thanh Hóa đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Cùng với lợi thế về địa lý, tự nhiên, Thanh Hóa đã xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, như: Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu; tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi về địa bàn đầu tư (đối với Khu kinh tế Nghi Sơn). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh rất có trách nhiệm và luôn lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Chúng tôi sẽ đồng hành, trước, trong và sau đầu tư. Tỉnh sẽ hỗ trợ toàn diện về các thủ tục pháp lý cũng như các vấn đề liên quan đến đầu tư, làm sao để các doanh nghiệp khi tới đây sẽ nhận thấy mọi thứ rất thuận lợi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn nhắc đến một quan điểm nhất quán đó là, Thanh Hóa vì sự phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư, thì nhà đầu tư cũng phải vì sự phát triển của Thanh Hóa”.

Về phía nhà đầu tư, ông Lê Xuân Thành - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng 36 - Chủ đầu tư cụm công nghiệp có diện tích 18ha tại thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa) cho biết: “Khi đầu tư tại Thanh Hóa, chúng tôi nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ phía chính quyền trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng... Đối với bất động sản công nghiệp, tiền giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư bỏ ra sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất. Ngoài ra, đối với những dự án cụm công nghiệp thì Nhà nước sẽ đứng ra thu hồi đất… Điều này đã giải quyết cơ bản những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục, đầu tư dự án”.

Đòn bẩy hạ tầng

Thanh Hóa nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ nói chung đã có những bước đà hoàn hảo về cơ chế, chính sách, vốn, hạ tầng… để tạo ra sự bứt phá trong thu hút đầu tư đặc biệt là phát triển bất động sản công nghiệp. Thời gian gần đây, Thanh Hóa nổi lên như một điểm sáng trong phân khúc này, với những lợi thế rất khác biệt. Trong đó Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính Trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được ví như “thỏi nam châm” hút nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.

Để trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc theo Nghị quyết số NQ/TW của Bộ Chính trị, về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2999/QĐ-UBND về kế hoạch hành động của UBND tỉnh, cụ thể hóa nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương để tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa coi việc việc huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng; tạo sự kết nối thuận lợi giữa Thanh Hóa với Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Bắc Trung Bộ, nước bạn Lào và phục vụ phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế. Ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm về giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng thủy lợi, đảm bảo đến năm 2030, hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Tỉnh Thanh Hóa coi việc việc huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là nhiệm vụ rất quan trọng. Ảnh: Tùng Dương.

Với chiến lược này, Thanh Hóa đã và đang đầu tư, khai thác có hiệu quả cảng nước sâu Nghi Sơn (khai thác trên 100 triệu tấn hàng/năm và tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 DWT đóng vai trò là cửa mở lớn ra biển của khu vực Bắc Trung Bộ cũng như cả miền Bắc); Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, hiện đã có các tuyến bay nội địa đến nhiều địa bàn trọng điểm về kinh tế, du lịch trong nước; có cửa khẩu Na Mèo liên thông với nước bạn Lào và các nước ASEAN. Đây sẽ là cú hích mạnh mẽ trong sự phát triển kinh tế của Thanh Hóa nói chung, phát triển bất động sản công nghiệp nói riêng

Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa cho rằng, ngoài những nền tảng sẵn có về hạ tầng giao thông, hiện nay tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các tuyến giao thông trọng điểm, có ý nghĩa kết nối vùng như tuyến Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Thanh Hóa; tuyến đường ven biển, đại lộ Đông - Tây…

"Trong tương lai gần, những hạ tầng giao thông vận tải trọng điểm hoàn thành sẽ giúp nâng cấp, hiện đại hệ thống cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối giữa các vùng kinh tế, tạo thế mở cửa, thúc đẩy giao lưu kinh tế, thu hút các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế”, ông Tuấn nói.

Giai đoạn 2021 - 2025, Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành 43 dự án giao thông, với tổng vốn đầu tư 34.864. Các công trình giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại sẽ là cú hích thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế phát triển để trở thành một cực tăng trưởng mới. 

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá: “Thanh Hóa đang trở thành địa phương động lực của Bắc Trung Bộ nhờ sức bật kinh tế, hạ tầng, giao thông kết nối với sự tham gia của các dự án công nghiệp tầm cỡ hàng tỷ USD. Tầm nhìn, định hướng phát triển của chính quyền địa phương, nội lực của nền kinh tế, tiềm năng thiên nhiên, văn hóa, con người sẵn có, cộng thêm sự hợp sức của các “sếu đầu đàn” sẽ tạo cơ hội “cất cánh” cho kinh tế - xã hội, công nghiệp, du lịch Thanh Hóa”.

Làn sóng đầu tư mới hậu Covid-19 từ các “đại bàng” FDI đang đi tìm “chốn đậu” mới đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho Thanh Hóa trong thời gian tới. 

Tầm nhìn, định hướng phát triển của chính quyền địa phương, nội lực của nền kinh tế, tiềm năng thiên nhiên, văn hóa, con người sẵn có, cộng thêm sự hợp sức của các “sếu đầu đàn” sẽ tạo cơ hội “cất cánh” cho kinh tế - xã hội, công nghiệp, du lịch Thanh Hóa. Ảnh: Tùng Dương.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc phát triển các khu công nghiệp, kéo theo đó là đô thị và dịch vụ sẽ là lực đẩy quan trọng để phát triển một cách đồng bộ kinh tế địa phương. Tuy nhiên, để tránh tác động tiêu cực, sự ra đời và phát triển của các khu công nghiệp phải đi theo xu hướng của thời đại đó là sử dụng năng lượng sạch, công nghệ sạch, ít gây ảnh hưởng đến môi trường. Theo đó, công nghiệp hóa phải kéo theo đô thị hóa và sự tăng trưởng ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở khu vực phát triển công nghiệp, chứ không đơn thuần chỉ phát triển các khu công nghiệp một cách biệt lập.

“Tư duy và cách tiếp cận việc phát triển khu công nghiệp đang có những thay đổi rất mạnh. Tức là chúng ta hướng tới những thay đổi về chất, nâng cao chất lượng, tạo sự đẳng cấp, đưa Việt Nam lên những nấc thang mới chứ không chỉ là mục tiêu thu hút được càng nhiều vốn đầu tư càng tốt. Theo đó, chỉ thu hút những ngành công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao, không gây ra ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp mang tính tuần hoàn.

Phát triển bền vững, không chỉ liên quan đến vấn đề công nghệ cao, năng lượng sạch, giải quyết yếu tố môi trường mà còn cả vấn đề đảm bảo đời sống cho những người lao động, tức là bền vững về mặt xã hội”, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định./.

Nguồn: https://reatimes.vn/bat-dong-san-cong-nghiep-thanh-hoa-diem-sang-thu-hut-von-20201224000017338.html