19/01/2025 | 12:16 GMT+7, Hà Nội

Bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng

Cập nhật lúc: 25/07/2023, 11:59

Tại chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Dự án Luật được thông qua với nhiều quy định mới nhằm khắc phục những tồn tại của dự án Luật trước đó...

Bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng

 

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Theo đó, nhiều quy định mới đã được tiếp thu trong Luật sửa đổi lần này nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh có nhiều thay đổi hiện nay. Trong đó, đáng chú ý như quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp hay quy định về bảo vệ người tiêu dùng khi ký kết các hợp đồng theo mẫu…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự án Luật đã có quy định về bảo vệ người tiêu dùng khi ký kết các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung. Hợp đồng theo mẫu của ngành ngân hàng, bảo hiểm thường là những hợp đồng in sẵn, nội dung rất phức tạp, mang tính nghiệp vụ chuyên ngành. Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp này, dự thảo Luật đã có quy định bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, cung cấp bằng chứng giao dịch và các quy định để kiểm soát các loại hợp đồng này.

Bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng

Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn
Sau nhiều lần thảo luận, thẩm tra, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã đáp ứng đủ điều kiện để Quốc hội xem xét thông qua. Để Luật thực sự áp dụng vào cuộc sống một cách hiệu quả, theo tôi, Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành và địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức xã hội các cấp cần tiếp tục chủ động, tích cực thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình đã được Luật quy định trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, trước hết cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền và phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung Luật cho các đối tượng liên quan trong xã hội.
Về phía các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung ứng các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ tốt, chất lượng cao, thân thiện với môi trường để phục vụ người tiêu dùng; chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng thì cần tự nâng cao nhận thức về các quyền của mình đã được pháp luật bảo hộ, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật có các quy định liên quan như các quy định về bảo vệ, thu thập, sử dụng, bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng; về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù; về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đối với các quy định về công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, Luật này quy định rõ hơn nội dung công khai: chỉ công khai "thông báo về thụ lý vụ án của Tòa án" nhằm bảo đảm tính khách quan, chính xác của thông tin được thông báo; quy định rõ hơn hình thức thông báo: được thực hiện tại trụ sở và trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời, cụ thể hóa trách nhiệm của tổ chức xã hội tại Khoản 3, Điều 72 dự thảo Luật về việc công bố, công khai kết quả giải quyết vụ án trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc vụ án để bảo đảm cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Về giải quyết tranh chấp tại tòa án, Luật sửa đổi lần này đã khẳng định rõ vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ cần có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng là được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không cần đáp ứng bất cứ điều kiện nào khác. Tòa án giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự. Quy định như vậy nhằm thể hiện tính chất đặc thù của vụ án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, phần lớn các vụ việc của người tiêu dùng đều có giá trị nhỏ, xảy ra thường xuyên, liên tục; phù hợp với kinh nghiệm và xu hướng quốc tế. Ngay tại các nước có công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phát triển cũng áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ việc có giá trị nhỏ; việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ việc có giá trị xác định nhằm bảo đảm tiết kiệm chi phí, nguồn lực xã hội để giải quyết các vụ việc có giá trị không lớn, góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao ý thức pháp luật một cách hiệu quả cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thành viên tổ soạn thảo dự án Luật
Đặt nhiều kỳ vọng khi luật đi vào cuộc sống
So sánh với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có nhiều nội dung mới quy định rõ hơn về quyền của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch… Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng khi luật đi vào cuộc sống. Trước hết, quyền chính đáng của người tiêu dùng đã có biện pháp bảo vệ tốt hơn. Hiện nay quyền lợi của người tiêu dùng hay bị xâm hại từ hoạt động thương mại điện tử nói riêng và từ kinh doanh qua mạng nói chung. Có rất nhiều rủi ro, nhiều người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi, nhiều trường hợp thanh toán tiền rồi mà không nhận được hàng. Vì vậy, luật sửa đổi lần này đã bổ sung khá nhiều nội dung xung quanh giao dịch qua không gian mạng để làm sao người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi tốt hơn.
Một điểm mới và tiến bộ của Luật sửa đổi lần này đó là tổ chức xã hội trước đây hoạt động rất khó khăn, hoạt động trong tình trạng nhiệm vụ được giao, trách nhiệm có nhưng không có quyền để có thể hỗ trợ tốt cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, luật mới đã cải thiện rất nhiều. Đơn cử như, tổ chức xã hội đứng ra khởi kiện tổ chức kinh doanh vì lợi ích công cộng. Theo quy định phải nộp án phí, lệ phí, nếu thành công quyền lợi người tiêu dùng được bồi thường, tổ chức xã hội không có gì. Đây là bất cập, không khuyến khích tổ chức xã hội đứng ra khởi kiện.
Tuy nhiên, Luật mới đã tạo điều cho tổ chức xã hội đứng ra khởi kiện và không mất án phí, lệ phí. Tiền bồi thường trong trường hợp không có địa chỉ cụ thể trả cho người tiêu dùng được đưa vào Quỹ để phục vụ bảo về quyền lợi của người tiêu dùng, Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể về sử dụng, quản lý quỹ này. Tôi cho rằng đây là điểm mới căn bản, cùng với đó vai trò của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được nâng lên. Cụ thể, đã có hẳn 01 chương (Chương IV) quy định về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội. Vì vậy, chúng tôi rất mong đợi và kỳ vọng về nội dung này.

Một trong những quy định được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm là trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng thì khoản tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện, vì do lợi ích công cộng sẽ được giao cho tổ chức xã hội khởi kiện để sử dụng cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, Luật đã quy định tòa án có thẩm quyền quyết định tiền bồi thường thiệt hại và đối tượng thụ hưởng trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện vì lợi ích công cộng tại bản án, quyết định của tòa án. Trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, tòa án không thể phán quyết việc sử dụng tiền bồi thường. Do đó, trong trường hợp này, tiền bồi thường thiệt hại được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Chính phủ, không giao trực tiếp cho tổ chức xã hội khởi kiện vì còn nhiều quy định khác liên quan đến vấn đề  này. Việc giao Chính phủ quy định chi tiết là có căn cứ, phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Một điểm mới khác tại Điều 45 Luật quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp. Theo đó, tổ chức bán hàng đa cấp có trách nhiệm niêm yết công khai các tài liệu hoạt động tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) của tổ chức bán hàng đa cấp; nhận lại hàng hóa và trả lại tiền theo yêu cầu của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp hoặc người tiêu dùng nếu yêu cầu được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng hóa và hàng hóa còn nguyên bao bì, tem, nhãn và còn thời hạn sử dụng. Tổ chức bán hàng đa cấp chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp trong trường hợp hoạt động đó được thực hiện tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc tại các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo của tổ chức bán hàng đa cấp.

Cùng với đó, Luật cũng quy định cá nhân tham gia bán hàng đa cấp có trách nhiệm xuất trình thẻ thành viên trước khi giới thiệu hoặc tiếp thị, bán hàng; tuân thủ hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và quy tắc hoạt động; không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/bao-ve-toi-da-quyen-loi-cua-nguoi-tieu-dung-106483.html