19/01/2025 | 19:33 GMT+7, Hà Nội

Bão số 9 gây thiệt hại cho TP HCM và các tỉnh ven biển Tây Nam bộ

Cập nhật lúc: 26/11/2018, 05:43

Đến thời điểm này, dù bão số 9 ít di chuyển và có cường độ suy giảm khi vào đất liền, nhưng những thiệt hại do ảnh hưởng của bão không hề nhỏ ở nhiều địa phương thuộc khu vực miền Đông - Tây Nam bộ và TP.HCM

Thông tin từ phòng Phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, từ trưa nay, bão số 9 áp sát Vũng Tàu, Cần Giờ đạt cấp 7, tâm bão ở ngoài khơi vẫn đạt từ cấp 7 và 8. Dù bão số 9 chưa vào trực diện đất liền, nhưng những thiệt hại ban đầu không hề nhỏ. 

Đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt

Theo một lãnh đạo đường sắt, từ tối ngày 24/11, mưa to do ảnh hưởng bão số 9 đã làm tuyến đường sắt từ ga Kà Rôm đến ga Phước Nhơn (tỉnh Ninh Thuận) bị ngập nặng nhiều đoạn, có nơi sâu 1 mét. Đặt biệt, do mưa lớn đã làm trôi hơn 100m lớp đất ở chân đường sắt khiến các đoàn tàu  Bắc - Nam không thể đi qua.

 Đường sắt Bắc Nam bị tê liệt do lũ lớn đã làm trôi hơn 100m lớp đất ở chân.
 

“Hiện nay, tất cả các tàu Bắc - Nam chạy đến khu vực Cà Ná, Hòa Tân bị ảnh hưởng nên buộc phải dừng lại dọc các trạm, ga Nha Trang. Công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn vì đường sắt qua khu vực đang bị ngập rất nặng. Trong khi đó, mưa lũ vẫn đang đổ từ trên núi xuống”- vị lãnh đạo nói. 

Được biết, đường sắt tại Ninh Thuận bị hỏng do bão số 9, nên ít nhất có 3 đoàn tàu SE1, SE3 và SE21 với hơn 1.000 khách phải dừng lại tại các ga ở tỉnh này.

Hiện Công ty Cổ phần đường sắt Thuận Hải cho biết, đơn vị đã huy động gần 200 cán bộ, nhân viên khẩn trương khắc phục điểm sạt lở và dự kiến trong ngày hôm nay sẽ khắc phục xong tuyến đường này.

Thuyền cháy, nhà tốc mái, cây cối gãy đổ... 

Từ rạng sáng 25/11 đến thời điểm này, trên địa bàn từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Gờ (TP Hồ Chí Minh) đến Tiền Giang và Bến Tre liên tục xảy ra những cơn mưa kéo dài, bầu trời âm u, những cơn gió kèm mưa thồi từ biển vào đất liền rất mạnh, sóng lớn.  

 Ông Nguyễn Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang có mặt chỉ đạo. Ảnh: Nhật Trường
 

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các địa phương này đã tổ chức đoàn đi kiểm tra việc ứng phó với bão số 9 tại các khu vực trọng yếu. Qua đó, đoàn nhắc nhở chính quyền và các ngành chức năng địa phương kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi, tổ chức neo đậu trú bão thật an toàn; ngừng hoạt động các bến khách ngang sông kém an toàn; tổ chức lực lượng ứng trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xấu. 

Công tác vận động kêu gọi các phương tiện khai thác biển vào nơi trú tránh bão an toàn, đồng thời vận động được người dân sơ tán, di tản đến nơi ở an toàn đã được ban ngành quán triệt thực hiện. Tất cả các bến phà, bến đò ngang, đò du lịch trên địa bàn tỉnh đã tạm ngưng hoạt động. 

Ghi nhận ban đầu, tại TP Vũng Tàu, huyện Cần Giờ (TP. HCM), Tiền Giang, Bến Tre và các điạ phương khác  từ sáng đến chiều ngày 25/11 gió mạnh từ cấp 5 -6 kèm theo những cơn gió giât mạnh đã làm hàng loạt cây xanh gãy đổ, nhà dân tốc mái, … 2 tàu cá của ngư dân huyện Ba Tri (Bến Tre) bị chập điện cháy, hỏng một phần thân tàu.

 

Tại TP Hồ Chí Minh

Thông tin từ Phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5-10km. Ảnh hưởng của bão số 9 từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9; sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp. 

Đến 22h tối nay, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở ngay trên khu vực biên giới các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Campuchia với sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

 Tại huyện Cần Giờ mưa to và gió mạnh. Ảnh: Trương Tiến Triển
 Trung tâm TP Hồ Chí Minh mưa to, nhiều tuyến đường ngập nặng. Ảnh Huy Chương

 

Liên hệ với ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được ông thông tin, nhiều nhà dân, hàng quán tốc mái, cây xanh ngã đổ rất nhiều, chưa thể thống kê thiệt hại ban đầu. Đồng thời ông Triền đã cũng cấp nhiều hành ảnh huyện Cần Giờ bị ảnh hưởng bão số 9. 

Hiện nay, dù bão số 9 không đi thẳng vào Trung tâm TP Hồ Chí Minh, nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên khu vực Trung tâm mưa rất lớn kéo dài kết hợp triều cường đã gây ngập lụt nhiều tuyết đường. 

 Trưa và chiều nay ( 25.11) Tại TP Vũng Tàu, gió  mạnh liên tục quần thảo trên nhiều tuyến đường tạo nên những cơn lốc xoáy, làm đổ nhiều cây xanh, cột điện, nhà tốc mái ở nhiều địa phương.  Ban PCLB Trung ương và các địa phương cảnh báo, các địa phương ven biển từ Vũng Tàu tới Cà Mau đề phòng nước biển dâng cao do triều cường kết hợp với nước dâng do bão.

Thái Sơn – Nhật Trường – Salem – Huy Chương