19/01/2025 | 16:01 GMT+7, Hà Nội

Bảo đảm việc làm cho người lao động dịp cận Tết

Cập nhật lúc: 12/12/2022, 18:42

Liên đoàn Lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã kết nối người lao động đang có nhu cầu tìm việc với các doanh nghiệp cần tuyển lao động trước tình trạng nhiều người thất việc dịp cận Tết

Những bất ổn của tình hình thế giới đã tác động tiêu cực tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhất là doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu. Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, hầu hết các doanh nghiệp ngành xuất khẩu đều không có đơn hàng mới, bị hủy đơn hàng cũ, đã không thể tiếp tục duy trì việc làm cho người lao động, cho nên phải sắp xếp cho người lao động giảm giờ làm, nghỉ luân phiên hoặc cắt giảm lao động.

Hơn 41.000 công nhân mất việc trong thời gian cận Tết

1.235 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất đã làm ảnh hưởng tới 472.000 công nhân, trong đó 41.500 người bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 8,8%).

Tại hội nghị trực tuyến về tình hình cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp chiều 28/11, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết con số trên được thống kê tại 44 tỉnh thành, chủ yếu từ giữa năm đến nay và chỉ với lao động có giao kết, hợp đồng trong doanh nghiệp.

Nhiều lao động mất việc giai đoạn cận Tết. Ảnh: Linh Chi. 
Nhiều lao động mất việc giai đoạn cận Tết. Ảnh: Linh Chi. 

Trong 472.000 lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp, ngoài số bị mất việc, số bị giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động là 91,2%; 30.300 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và hơn 9.400 người đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới một tuổi.

Việc sa thải, cắt giảm giờ làm chủ yếu xảy ra ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy hải sản, gia công linh kiện điện tử, cơ khí. Nguyên nhân là hàng loạt doanh nghiệp mất đơn hàng dịp cuối năm khi các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cắt giảm nhu cầu tiêu dùng; khó khăn về nguyên liệu, chi phí tăng cao lẫn chịu biến động từ tình hình thế giới.

Công đoàn dự báo khó khăn sẽ kéo dài, thậm chí sang giữa năm 2023 khiến nhiều lao động mất việc, cắt giảm việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng thu nhập. Cơ quan này cũng không loại trừ có chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, bảo hiểm xã hội và chế độ khác, hoặc thanh lọc đẩy lao động trên 35 tuổi khỏi doanh nghiệp để tuyển người trẻ hơn, chi phí thấp hơn.

Kết nối doanh nghiệp và người lao động giải quyết tình trạng "thiếu việc" giai đoạn cận Tết

Liên đoàn Lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã kết nối người lao động đang có nhu cầu tìm việc với các doanh nghiệp cần tuyển người. Khi nhận được thông tin cắt giảm số lượng lớn lao động tại Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) chuyên sản xuất da giày, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi tổ chức kết nối, giới thiệu việc làm cho 770 người trong số 1.083 người lao động bị cắt giảm tại công ty.
Ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, yêu cầu cấp cơ sở nắm chắc tình hình, chủ động đề nghị doanh nghiệp sớm có phương án nghỉ Tết, trả lương, thưởng cho lao động dịp cuối năm.

Công đoàn đồng thời thương lượng với giới chủ sắp xếp thời gian làm việc để hạn chế tối đa mất việc, nhất là công nhân mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ quyền lợi cho người lao động bằng các chính sách về lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp, kết nối giới thiệu việc làm mới trong trường hợp không còn việc làm. Dịp Tết, công đoàn ưu tiên hỗ trợ đoàn viên khó khăn từ nguồn kinh phí, mức 500.000 đồng mỗi người.

Tại các buổi kết nối việc làm diễn ra từ ngày 15 đến 17/11, đã có 9 doanh nghiệp tham gia và đưa ra thông tin tuyển dụng hơn 2.200 lao động. Anh Hà Thanh Hải, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Việt Nam Samho chia sẻ: "Theo thông báo của công ty, từ ngày 15/12, bắt đầu cắt giảm nhân sự bộ phận của tôi. Nhờ Trung tâm Dịch vụ việc làm kết nối, tôi đã xin được việc làm mới ở Công ty cổ phần sợi Thế Kỷ.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, tăng cường nắm bắt nhu cầu lao động của các doanh nghiệp để kết nối cung cầu, giới thiệu lao động đến doanh nghiệp nộp hồ sơ ngay trong ngày; tổ chức các phiên giao dịch việc làm; thực hiện hiệu quả các chế độ hỗ trợ người lao động từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm đưa người lao động sớm tìm được việc làm mới, ổn định cuộc sống.

Trung tâm cũng tư vấn cho các lao động tận dụng cơ hội này để học nghề nâng cao trình độ nghề, chuẩn bị tốt kỹ năng để nâng cao tính cạnh tranh khi thị trường tuyển dụng khởi sắc trở lại. Để hỗ trợ người lao động khó khăn, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động phối hợp chính quyền, tổ chức đoàn thể, địa phương tuyên truyền, vận động chủ nhà trọ miễn, giảm, giãn tiền thuê phòng trọ cho người lao động. Hiện, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chuẩn bị kế hoạch chăm lo Tết Quý Mão cho người lao động với tổng kinh phí dự kiến hơn 300 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp đã công bố mức thưởng Tết sớm để động viên người lao động, như Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, đã công bố mức thưởng Tết cho người lao động là 150% mức lương cơ bản và tặng quà Tết trị giá 500 nghìn đồng/công nhân. Công ty TNHH Hwaseung Vina tại huyện Nhơn Trạch có hơn 15 nghìn lao động cũng đã thông báo mức thưởng Tết cho người lao động là một tháng lương. Công ty sẽ đi thăm, tặng quà cho lao động không có điều kiện về quê đón Tết và hỗ trợ 70% vé xe ô-tô cho công nhân có nhu cầu về quê đón Tết cùng gia đình.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/bao-dam-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-dip-can-tet-74239.html