19/01/2025 | 12:03 GMT+7, Hà Nội

VPA khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu không “găm hàng”

Cập nhật lúc: 22/03/2021, 06:00

Khoảng 90% sản lượng hạt tiêu Việt Nam dành cho xuất khẩu, việc găm hàng ở thời điểm hiện tại có phần mạo hiểm, bởi giá tiêu có dấu hiệu đã qua đỉnh và nhiều khả năng sẽ giảm xuống.

Tiêu

Hai tuần tăng nóng
Những ngày gần đây, giá hạt tiêu liên tục tăng cao. Tại các vùng trồng tiêu nguyên liệu, giá hạt tiêu nội địa đầu tháng 3 ở mức trung bình 55,2 nghìn đồng/kg, chỉ gần 20 ngày sau đó đã lên sát 80 nghìn đồng/kg, tương đương tăng trên 40%. Nếu so với cùng thời điểm này năm 2020, giá hạt tiêu đã tăng 100%, tức gấp đôi.

Mức giá đỉnh của mặt hàng hạt tiêu ghi nhận vào ngày 19/3/2021, khi đạt ngưỡng 78.500 đồng/kg, tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, giá đột ngột giảm mạnh khoảng 4 nghìn đồng/kg.

Trên thế giới, giá tiêu tại Ấn Độ cũng tăng mặc dù tốc độ chậm hơn và có độ trễ hơn so với tiêu Việt Nam. Theo đó, ngày 19/3, giá tiêu trên sàn Kochi (Ấn Độ) ở mức 383 rupee/kg, so với mức 315-320 rupee/kg cuối tháng 2/2021.

Trước việc giá tiêu tăng nóng bất thường, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã họp đột xuất mở rộng gồm lãnh đạo VPA và đại diện hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu trong nước và doanh nghiệp FDI.

Giá tiêu tăng mạnh trong những ngày vừa qua được VPA lý giải do dịch Covid-19 giảm dần khiến nhu cầu tiêu trên toàn cầu tăng lên ở hầu hết các thị trường, từ Mỹ, Châu Âu đến Châu Á… Đồng thời, sản lượng hạt tiêu thế giới năm 2021 dự báo giảm do yếu tố thời tiết và do giá thấp kéo dài nhiều năm qua khiến các vườn tiêu không được chăm sóc, đầu tư nhiều; diện tích tiêu ở Việt Nam bị thu hẹp, tồn trữ từ năm ngoái sang năm nay không nhiều...

VPA ước tính sản lượng tiêu cả nước năm nay có thể giảm 25-30% so với năm 2020 xuống khoảng 168.000-180.000 tấn do nhiều vườn tiêu già cỗi và người dân giảm đầu tư chăm sóc.

Thu hoạch tiêu năm nay muộn hơn mọi năm cũng khiến nguồn cung tiêu vụ mới ra thị trường không đúng dịp mà các nhà xuất khẩu tính toán lúc ký đơn hàng.

Tuy nhiên, có một yếu tố khác nữa tác động mạnh đến thị trường thời gian qua, đó là hiện tượng găm hàng của người trồng tiêu và gom hàng của một số nhà đầu cơ. VPA cho rằng, việc giá tiêu đột ngột giảm đã cho thấy điều đó. Một số đơn vị xuất khẩu tiêu ký đơn hàng giao xa từ trước khi giá tăng đến nay đã không có tiêu để giao hoặc dù mua được tiêu thì với giá quá cao sẽ lỗ lớn. Khi giá tiêu gần chạm 80.000 đồng/kg thì có đơn vị đã phải hủy đơn, bồi thường cho đối tác hoặc nhập tiêu từ các nước khác như Indonesia, Brazil… để tránh bị phạt hợp đồng.

Việc giá tiêu trong nước tăng mạnh hơn nhiều so với giá quốc tế đã chi phối xu hướng xuất nhập khẩu hạt tiêu của Việt Nam. Giá tiêu đen trong nước dao động quanh mức 3.200-3.300 USD/tấn, trong khi giá xuất khẩu chỉ khoảng 2.400-2.500 USD/tấn. Sau khi giải quyết các đơn hàng xuất khẩu xong, lực đẩy của khối xuất khẩu giảm đi khiến giá tiêu chững lại.

Về phía người trồng tiêu, khi thấy giá lên cao cũng bắt đầu bán ra, khiến nguồn cung trở nên dồi dào hơn, khiến giá tiêu không tăng thêm.

Sẽ mạo hiểm nếu găm hàng
Tại cuộc họp khẩn, VPA đã khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro; với những hợp đồng đã ký, nên điều tiết tiến độ mua hàng vì hồ tiêu chưa thu hoạch rộ.

VPA cũng khuyến cáo người trồng tiêu cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm hiệu quả, không vay vốn để trữ hàng nhằm tránh rủi ro khi thị trường giá xuống. Đặc biệt, các địa phương cũng cần hạn chế việc nông dân đua mở rộng diện tích trồng tiêu như những năm 2015-2016 vì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Theo các số liệu của Tổng cục Hải quan và VPA, 2 tháng đầu năm nay cả nước đã nhập khẩu 5.313 tấn tiêu, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Khối các doanh nghiệp ngoài hiệp hội nhập khẩu tăng 50,1% đạt 1.252 tấn so với lượng nhập khẩu 834 tấn cùng kỳ năm trước. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Brazil và Indonesia với tổng lượng nhập khẩu từ 2 nước đạt 4.542 tấn, chiếm 85,5% tổng lượng nhập khẩu. Cụ thể, lượng tiêu nhập khẩu từ Indonesia trong 2 tháng đầu năm tăng mạnh tới hơn 48% lên 2.243 tấn. Trong khi đó, lượng tiêu nhập khẩu từ Brazil giảm gần 11% xuống 2.299 tấn.

Ngược lại, lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay chỉ đạt 30.291 tấn với kim ngạch đạt 87,5 triệu USD, giảm 25,3% về lượng và giảm 6,5% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài giá cao, tháng 2 cũng trùng với thời gian nghỉ tết âm lịch, trùng thời điểm khan hiếm container và chi phí vận chuyển cao nên lượng tiêu xuất khẩu bị sụt giảm.

Trong khi đó, xuất khẩu tiêu tháng 3 tiếp tục giảm. Số liệu sơ bộ của Hải quan cho thấy, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 3/2021 đạt 13.928 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 40,06 triệu USD, giảm 16,0% về lượng nhưng lại tăng 13,76% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến nay cả nước thu hoạch bình quân khoảng 30-40% diện tích tiêu, gần hết tháng 4 cơ bản sẽ thu hoạch xong vì vậy hàng ra chưa nhiều. Với thực tế là khoảng 90% sản lượng hạt tiêu Việt Nam dành cho xuất khẩu, việc găm hàng ở thời điểm hiện tại có phần mạo hiểm, bởi giá có dấu hiệu đã qua đỉnh và có thể sẽ giảm xuống trong thời gian tới.

Nguồn: https://congluan.vn/vpa-khuyen-cao-doanh-nghiep-xuat-khau-hat-tieu-khong-gam-hang-post124206.html