19/01/2025 | 02:33 GMT+7, Hà Nội

Bánh, kẹo kém chất lượng trôi nổi trên thị trường Tết

Cập nhật lúc: 15/01/2016, 15:12

Trên các con phố như Hàng Buồm, Hàng Giấy, chợ Đồng Xuân, Hà Đông… bánh mứt kẹo phục vụ cho tết Bính Thân 2016 được bày bán tràn lan với giá siêu rẻ. Điều đáng nói ở đây là những mặt hàng này đều không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ và không hạn sử dụng.

Chỉ 30-40 nghìn/kg kẹo

Chợ Đồng Xuân được coi là thủ phủ của các mặt hàng tiêu dùng. Ngay tại lối vào cửa chính có tới hơn chục gian hàng bày la liệt các loại bánh kẹo mứt.

Phần lớn bánh kẹo ở đây đều được đựng trong bao nilon lớn, chỉ có duy nhất một mảnh giấy nhỏ bên trong ghi tên sản phẩm, một số có thêm địa chỉ sản xuất nhưng chỉ ghi tên huyện hoặc tỉnh, không rõ là cơ sở nào.

Các mặt hàng khác như hướng dương, hạt bí, kẹo rời,… thì hoàn toàn “ba không”. Thậm chí, những hộp ô mai không nhãn mác bị vứt lăn lóc dưới đất.

Bánh kéo ba không bày bán tràn lan trên các sạp hàng

Bánh kéo ba không bày bán tràn lan trên các sạp hàng

Theo quan sát của PV, bánh mứt, kẹo phục vụ tết Nguyên đán năm nay phong phú về chủng loại, màu sắc rất bắt mắt mà giá cả lại “bình dân” khiến những mặt hàng này bán rất chạy.

Đơn cử như 1 kg kẹo trái cây có giá 30.000 đồng; các loại bánh có giá từ 40-50.000 đồng; hạt hướng dương 40-60.000 đồng/kg tùy loại; các loại ô mai có giá 50-60.000 đồng/kg; nho khô 85.000 đồng/kg…

“Nếu lấy về tỉnh lẻ bán thì nên lấy mặt hàng hạng trung giá 30-50.000 đồng sẽ dễ bán, phù hợp túi tiền người tiêu dùng. Khách của chị chủ yếu nhập loại này, mỗi ngày chị bán vài tạ”, chị Lan, chủ cửa hàng tai chợ Đồng Xuân giới thiệu.

Cũng theo chị Lan, tất cả bánh kẹo, ô mai hay các loại hạt ở đây đều được bán dưới hình thức kg. Mỗi túi thường 5kg, khách mua về bán cân hoặc mua túi nhỏ về đóng mỗi gói 2-3 lạng. Cửa hàng sẽ tặng tập chữ “Chúc mừng năm mới” để các đại lý cho vào từng túi nhỏ.

Một tiểu thương quê Bắc Giang lên Hà Nội lấy hàng cho biết, chị thường xuyên lấy hàng ở chợ Đồng Xuân, mỗi lần lấy vài tạ rồi mang về đổ buôn cho các cửa hàng tạp hóa. Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ, chị thản nhiên trả lời “ở quê họ không mấy quan tâm đến hãng nào sản xuất, chỉ cần màu sắc đẹp, giá rẻ là được rồi”.

Hàng đội lốt chất lượng cao

Những năm trở lại đây, khi mặt hàng Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam với chất lượng kém, người tiêu dùng có tâm lý lo sợ khi mua phải hàng kém chất lượng. Nắm bắt điều này, khi hỏi nguồn gốc xuất xứ các tiểu thương khẳng định không có hàng Trung Quốc

Khi vào vai một người mua hàng với số lượng lớn, chúng tôi nhận đươcị rất nhiều lời chào hàng và quảng cáo sản phẩm tử các chủ quầy.

Điều đặc biệt là hầu hết các chủ quầy đều có những thông tin về mặt hàng của mình giống nhau, như: “Hàng nguồn gốc từ Việt Nam, yên tâm mua về ăn Tết”, “Giá hợp lý, mua càng nhiều giá càng rẻ”.

Khi được hỏi về xuất xứ của các loại bánh kẹo trên, người chủ quầy chỉ trả lời cho qua: “Phần lớn là làm ở Việt Nam thôi, kẹo bảo đảm chất lượng, ăn thoải mái, đừng lo”.

Tiếp tục “truy vấn”, chúng tôi hỏi, trên bao bì ghi chữ Trung Quốc nhưng vẫn được giới thiệu là hàng Việt? Nghe vậy, bà chủ thay đổi sắc mặt, nhìn chúng tôi chằm chằm rồi nói:  “Người có tiền thì họ đã vào siêu thị lớn mua chứ không phải ra đây. Hàng này chủ yếu phục vụ bình dân, tiền nào của nấy nên thắc mắc nhiều làm gì!”.

Ô mai là mặt hàng không thể thiếu trong những ngày Tết của người Việt, nhưng người tiêu dùng không khỏi lo lắng đến chất lượng sản phẩm, nguồn gốc có đảm bảo an toàn cho người sử dụng hay không?

Theo quan sát của phóng viên, những hộp ô mai với nhiều màu sắc khác nhau không có ngày sản xuất, hạn sử dụng. Trên nắm hộp, nhà sản xuất chỉ dán nhãn tên và giá tiền của các loại ô mai để phân biệt như: mơ, mận, đào, táo,… Khi được hỏi về cơ sở sản xuất, chúng tôi đều nhận được những câu trả lời giống nhau: “Là ô mai Hàng Đường đấy, yên tâm đi”.

Không chỉ có các loại hàng hóa không nhãn mác, trên thị trường còn bán nhiều loại bánh,  kẹo mang thương hiệu những sản phẩm cao cấp trong nước, nhưng giá lại rẻ có khi chỉ bằng một nửa giá hàng của công ty sản xuất bán ra.

Chưa kể nhiều những sản phẩm trong nước còn được mang bao bì, nhãn mác từ Châu Âu và điều đáng nói giá cả được bán với giá ngoại trong khi chất lượng trong nước.

Dịp Tết, nhu cầu sử dụng các loại bánh kẹo tăng cao, người tiêu dùng nên nghiên cứu kĩ các mặt hàng trước khi mua về sử dụng. Tránh mua phải hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gôc dẫn tới tình trạng “tiền mất tật mang”./.