23/11/2024 | 01:17 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Thủ tướng yêu cầu kiểm tra cấp GP nhà 4 tầng hầm tại Hà Nội

Cập nhật lúc: 08/12/2020, 19:00

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra cấp GP, TT Sở Xây dựng đi xác minh lún, nứt; TTCP đang kết luận siêu đô thị đắp chiếu cả thập kỷ bất ngờ rao bán; CĐT phớt lờ, coi thường quy định xây tầng lánh nạn ở cc là những tin chính.

Nhà 4 tầng hầm ở Hà Nội: Thủ tướng yêu cầu kiểm tra cấp giấy phép, Thanh tra Sở Xây dựng đi xác minh lún, nứt

Dù Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra phản ánh kiến nghị của các hộ dân khu nhà ngõ 15 phố Sơn Tây, về việc UBND quận Ba Đình cấp phép công trình nhà ở riêng lẻ có đến 4 tầng hầm. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 2 tháng Hà Nội vẫn chưa có báo cáo, trong khi cơ quan chức năng lại đi xác minh lún, nứt.

Mới đây, các cơ quan chức năng Hà Nội như: Thanh tra xây dựng, Viện Chi cục giám định xây dựng, Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng phối hợp với UBND quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên và các đơn vị liên quan có buổi làm việc xác minh, thu thập hồ sơ tài liệu, thông tin liên quan đến lún, nứt ảnh hưởng đến công trình của các hộ gia đình lân cận với công trình xây dựng tại lô B3” phía Nam số 13 phố Sơn Tây (phường Điện Biên, quận Ba Đình).

Đoàn kiểm tra tiến hành xác minh và thu thập hồ sơ tài liệu liên quan đến lún, nứt của các hộ gia đình lân cận với công trình nhà ở riêng lẻ tại lô B3 phố Sơn Tây (quận Ba Đình) cao 5 tầng nổi nhưng đến có 4 tầng hầm. Trong khi thời hạn yêu cầu báo cáo về kiến nghị của các hộ dân đối với việc cấp phép công trình riêng lẻ có đến 4 tầng hầm đến nay hơn 2 tháng vẫn chưa thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra cấp giấy phép, Thanh tra Sở Xây dựng đi xác minh lún, nứt

Tuy nhiên, trao đổi với PV, đại diện người dân ở ngõ 15 phố Sơn Tây cho biết, họ rất bất ngờ trước việc đoàn kiểm tra xuống xác minh liên quan đến việc công trình tại số 15 phố Sơn Tây gây lún, nứt ảnh hưởng đến các hộ lân cận.

Điều đáng nói, theo người dân dù Thủ tướng trước đó đã có văn bản yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra phản ánh kiến nghị của các hộ dân khu nhà ngõ 15 phố Sơn Tây, về việc UBND quận Ba Đình cấp phép công trình nhà ở riêng lẻ có đến 4 tầng hầm nhưng không hiểu sao họ lại đi xác minh việc lún, nứt. Thậm chí, đến nay đã hơn 2 tháng có chỉ đạo của Thủ tướng nhưng Hà Nội vẫn chưa có báo cáo, làm rõ việc cấp phép cho công trình nhà ở riêng lẻ có đến 4 tầng hầm.

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra cấp giấy phép, Thanh tra Sở Xây dựng đi xác minh lún, nứt (Ảnh: Tienphong)

Mới đây, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương ký văn bản 9776/SXD-CP gửi UBND TP Hà Nội về thực hiện chỉ đạo của UBND TP tại văn bản 8530 về việc kiểm tra, giải quyết phản ánh kiến nghị tại khu nhà ngõ 15 phố Sơn Tây (phường Điện Biên, quận Ba Đình).

Tại văn bản này, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến ngày 20/10, UBND quận Ba Đình và Sở Quy hoạch-Kiến trúc chưa có báo cáo về giải quyết phản ánh của các hộ dân nên xin lùi thời gian báo cáo Thủ tướng về cấp phép công trình có đến 4 tầng hầm ở lô B3 phố Sơn Tây.

UBND quận Ba Đình cho rằng, việc cấp GPXD cho công trình nhà ở riêng lẻ tại lô B3 Sơn Tây có đến 4 tầng hầm là điều chỉnh phù hợp do nhu cầu sử dụng của chủ đầu tư và phù hợp với quy định.

Trong khi đó, tại văn bản báo cáo Sở Xây dựng liên quan đến việc cấp phép, điều chỉnh giấy phép xây dựng (GPXD) và giải quyết đơn tại phường Điện Biên đối với công trình nhà ở riêng lẻ tại lô đất B3 Sơn, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình (người trực tiếp ký GPXD) cho rằng, việc UBND quận Ba Đình cấp GPXD số 617 ngày 18/12/2019 và cấp điều chỉnh GPXD số 447 đối với công trình lô B3 Sơn Tây là điều chỉnh phù hợp với nhu cầu sử dụng của chủ đầu tư và không vi phạm các quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam…

TTCP đang kết luận siêu đô thị đắp chiếu cả thập kỷ bất ngờ rao bán

Theo Tienphong, Cục thuế Hà Nội vừa có thông tin  liên quan đến tình hình thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước tại dự án KĐT mới Kim Chung - Di Trạch (huyện Hoài Đức, Hà Nội) do Tổng Cty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư.

Cục thuế Hà Nội khẳng định, đối với dự án KĐT mới Kim Chung - Di Trạch tính đến ngày 31/10/2020, Tổng Cty CP Thương mại Xây dựng còn nợ tiền chậm nộp tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tổng cộng hơn 463,9 tỷ đồng.

Về việc nợ tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, Cục thuế Hà Nội cho hay, dự án bị tạm dừng theo Thông báo 240 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/500. Ngày 27/12/2014, Sở Quy hoạch kiến trúc có công văn số 5769 về việc cung cấp thông tin rà soát các Dự án chậm nộp tiền sử dụng đất thuộc đối tượng rà soát theo Thông báo 240 có nêu: “Riêng đối với Dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch được đánh giá là phải chờ quy hoạch phân khu phê duyệt.”

TTCP đang kết luận siêu đô thị đắp chiếu cả thập kỷ bất ngờ rao bán

Ngoài ra, Cục thuế Hà Nội cho biết, hiện nay Thanh tra Chính phủ đang dự thảo kết luận liên quan đến dự án này.

Như đã thông tin trước đó, ngày 11/11/2020 Chi cục Thuế huyện Hoài Đức đã có văn bản gửi Phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức cho biết, tính đến ngày 30/09/2020, tổng số tiền Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng chưa nộp ngân sách Nhà nước là hơn 463,9 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ hiện đang dự thảo kết luận liên quan đến dự án KĐT mới Kim Chung - Di Trạch, trong khi đó cò đất rầm rộ chào bán biệt thự, liền kề tại dự án này và đẩy giá tăng cao sau chục năm nằm "đắp chiếu".

“Dự án KĐT mới Kim Chung - Di Trạch bị tạm dừng theo Thông báo 240 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời điều chỉnh tổng thể quy hoạch tỷ lệ 1/500. Hiện nay, Công ty đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Chi cục Thuế miễn tiền chậm nộp trong thời gian dự án bị tạm dừng theo Văn bản số 1059/TTg-KTN ngày 04/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ”, Chi cục thuế huyện Hoài Đức cho hay.

Trao đổi vấn đề này với PV, một lãnh đạo của Tổng công ty Thương mại Xây dựng (WTO) Chủ đầu tư của dự án Hinode Royal Park khẳng định: “Chủ đầu tư tuân thủ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng triển khai dự án để cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch và chỉ thực hiện triển khai dự án khi được UBND thành phố Hà Nội cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư cho Dự án”.

Chủ đầu tư phớt lờ, coi thường quy định xây tầng lánh nạn ở chung cư?

Theo quy định mới, nhà chung cư cao trên 100m phải có tầng lánh nạn riêng cho cư dân để phòng cháy chữa cháy (PCCC). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, quy định mới khó thực hiện bởi chủ đầu tư không mặn mà làm, bởi họ sẽ vin vào quy định này mà làm đội giá căn hộ.

Trước đây, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nhà ở (năm 2015) dành riêng một mục về yêu cầu an toàn phòng cháy. Theo đó, đối với nhà cao trên 100m phải bố trí gian lánh nạn đáp ứng các yêu cầu sau: Các gian lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng; Gian lánh nạn phải được bảo vệ bằng bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 150…Trong quy định này, có chú thích rất rõ: Có thể sử dụng tầng kỹ thuật hoặc một phần tầng kỹ thuật làm gian lánh nạn.

Tuy nhiên, thực tế, qua nhiều năm quy định có hiệu lực hầu hết các chung cư đều không bố trí gian lánh nạn. Các tầng kỹ thuật bị nhiều chủ đầu tư “hô biến” thành căn hộ để bán. Vì vậy, thời gian qua, không ít tòa nhà chung cư khi xảy ra hỏa hoạn, người dân chỉ còn cách chạy lên tầng thượng hoặc xuống tầng 1.

Nhiều dự án đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa nghiệm thu PCCC (Ảnh: Trần Kháng) 

Mới đây, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (Quy chuẩn Việt Nam -QCVN 06 năm 2020) về An toàn cháy cho nhà và công trình áp dụng bắt buộc với tất cả các chủ đầu tư làm dự án nhà cao tầng với nhiều điểm mới. Cụ thể, tòa chung cư có chiều cao trên 100m phải bố trí tầng lánh nạn. Tầng lánh nạn có bố trí một hoặc nhiều gian lánh nạn.Trên tầng lánh nạn phải bố trí gian lánh nạn đảm bảo yêu cầu tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng. Không cho phép bố trí các căn hộ hoặc một phần căn hộ trên tầng lánh nạn…Ở chế độ hoạt động bình thường, cửa các thang máy chữa cháy không được mở vào những tầng lánh nạn đó…

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) việc tầng lánh nạn không được bố trí căn hộ, văn phòng, hoặc diện tích kinh doanh thương mại chắc chắn khiến chủ đầu tư mất hẳn nguồn doanh thu của một vài tầng trong dự án. Điều này dẫn đến việc làm tăng chi phí đầu tư, giảm số lượng căn hộ hoặc giảm diện tích kinh doanh, quy mô dân số của dự án. Từ đó, dẫn đến việc làm tăng giá bán căn hộ và tăng giá bán các diện tích kinh doanh khác. Cuối cùng, người tiêu dùng (người mua nhà) phải gánh chịu việc tăng giá này.

Ông Châu cho biết thêm, hiện nay các tòa nhà chung cư hoặc cao ốc phức hợp có bố trí nhà ở cao tầng đã dần trở nên phổ biến, điển hình như Landmark 81 cao 461 m; Kaengnam Landmark 72 cao 336 m, Lotte Center Hà Nội cao 272 m.

Ông Châu đề xuất, để giảm bớt thiệt hại cho chủ đầu tư dự án chung cư cao tầng và người mua căn hộ, cơ quan cấp phép không nên tính diện tích sàn tầng lánh nạn vào tổng diện tích sàn xây dựng của dự án.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến phản ánh của báo chí về việc quy định chung cư bố trí tầng lánh nạn có thể khiến giá căn hộ bị đẩy lên cao.

Văn bản nêu rõ: “Mới đây, báo chí phản ánh việc quy định nhà từ 30 đến 50 tầng phải bố trí 1 - 2 tầng lánh nạn có thể khiến giá căn hộ bị đẩy lên cao, khó triển khai thực hiện. Lâu nay, quy định về tầng kỹ thuật đã rất rõ ràng, nhưng việc thực hiện không đúng diễn ra ở rất nhiều chung cư. Nhiều chủ đầu tư chiếm dụng tầng kỹ thuật, trục lợi hàng tỷ đồng”.

Sau gần 2 thập kỷ, nhà "đất vàng" Hà Nội tăng giá như thế nào?

Theo Dantri,  giá nhà quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) năm 2002 có giá bình quân khoảng 11 triệu đồng/m2. Sang đến năm 2020, giá nhà bình quân khu vực này đã lên tới 360 triệu đồng/m2.

"Giá nhà đã tăng tới 33 lần sau 18 năm. Mức tăng rất lớn" - ông Nguyễn Quốc Anh nhận xét. Trong khi đó, vị này cũng làm một phép so sánh giá nhà với giá bất động sản cũng trong giai đoạn này.

Kết quả cho thấy, trong khi giá nhà quận trung tâm tăng tới vài chục lần thì giá vàng chỉ tăng khoảng 8 lần.

Sau gần 2 thập kỷ, nhà "đất vàng" Hà Nội tăng giá như thế nào?

Theo báo cáo từ kênh bất động sản này cũng đề cập đến chỉ số giá bất động sản tại 2 thành phố lớn nhất Việt Nam trong năm 2020 là Hà Nội và TP HCM, qua đó cho thấy những biến động khá thú vị.

Theo dữ liệu đưa ra, khu vực phía Bắc có lượng tin đăng, quan tâm tốt hơn so với khu vực phía Nam. Dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển từ TP HCM ra Hà Nội.

Song song với xu hướng này, chỉ số giá tại Hà Nội cũng tăng lên trong năm 2020, trong khi nhiều năm trước giá đi ngang. Còn tại TP HCM, giá bất động sản có xu hướng chững lại sau nhiều năm tăng trưởng nhanh.

"Nhiều chủ đầu tư TP HCM muốn Bắc tiến, dòng tiền có xu hướng quay trở lại Hà Nội nên giá cũng có xu hướng nhích lên" - ông Quốc Anh nói và cho biết đặc biệt tại Hà Nội bất động sản khu vực Hà Đông ghi nhận mức tăng khá cao.

Cũng theo báo cáo của batdongsan.com.vn, chung cư là loại hình duy trì mức độ quan tâm ổn định và có lượng quan tâm lớn nhất với 29%, kế đến là đất thổ cư với 23%, nhà riêng 21%.

"Trong tương lai đô thị sẽ tiếp tục là đầu tàu phát triển của bấy động Việt Nam. Tốc độ đô thị hóa rất lớn, dư địa để phát triển thị trường bất động sản rất lớn" - ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.

Lại "nóng" BĐS Long Thành

Khoảng 1 tháng qua, sau khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, thị trường bất động sản khu vực này nhộn nhịp hẳn lên. Giá đất từ đó cũng tăng và giao dịch sôi động.

Theo ghi nhận của phóng viên, đất thuộc các xã Lộc An và Bàu Cạn hiện có mức giá cao nhất khu vực và được nhiều người săn tìm, trung bình lên tới 5-6 tỉ đồng/sào, trong khi năm ngoái khoảng 3,5 tỉ đồng/sào. Những khu đất có vị trí đẹp, gần mặt tiền đường lớn, giá trung bình 6,5-7 tỉ đồng/sào. Ở những khu vực này, người bán chủ động đẩy giá đất lên cao, nhiều cò đất phải đi năn nỉ để chốt được đất cho khách có nhu cầu mua.

Trong khi đó, đất ở ấp An Viễn, xã Bình An hồi đầu năm giao dịch thành công với giá 2 tỉ đồng/sào giờ đã lên tới 4 tỉ đồng/sào nhưng vẫn có khách chấp nhận đặt cọc. "Cung cầu đang ngang nhau chứ không có dư cung như mấy tháng trước. Nhiều khách đặt hàng tôi tìm đất từ vài sào đến vài hecta, kèm theo một số yêu cầu như đất chính chủ, vị trí đẹp hoặc mặt tiền đường và giá tầm 2 tỉ đồng/sào. Họ mua để đầu tư hay để dành sau này phân lô bán nền" - một cò đất ở khu vực này cho biết.

Tại xã Phước Bình, tình hình mua bán ở khu vực này đang rất nóng, nếu không mua sớm, khi sân bay khởi công, giá sẽ còn tăng nữa.

Lại "nóng" BĐS Long Thành

Phó giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có nhiều dự án ở khu vực Đồng Nai cho biết giá đất ở khu vực Long Thành trong vài tháng qua đã dần hình thành mặt bằng mới, chuẩn và chính thức hơn sau khi một loạt doanh nghiệp bất động sản đã đấu giá thành công nhiều khu đất có giá lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Cụ thể, hồi tháng 3, Trung tâm Phát triển quỹ đất - Công ty Thuận Lợi, thành viên Kim Oanh Group, đã đấu giá thành công khu đất dự án rộng gần 50 ha tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành, với số tiền lên tới 1.270 tỉ đồng. Tính trung bình khoảng 2,5 triệu đồng/m2.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa, cũng nhận định thị trường bất động sản Long Thành nóng trở lại nhờ các yếu tố như Chính phủ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án sân bay quốc tế Long Thành, cơ sở hạ tầng tái định cư cũng được đẩy mạnh và việc hàng loạt khu "đất vàng" được doanh nghiệp đấu giá thành công để triển khai dự án với giá khá cao. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các dự án bất động sản phải mất thời gian ít nhất 3-5 năm, thậm chí 7 năm. Chưa kể, quỹ đất xung quanh khu vực sân bay Long Thành rất lớn, người mua phải cân nhắc tài chính, pháp lý và các yếu tố thị trường để tránh rủi ro. 

Bất động sản cho thuê nào đang sinh lời cao?

Theo báo cáo thị trường BĐS nhà ở cho thuê toàn cầu 2020 của Savills, năm 2020 được đánh giá là năm của rất nhiều bất ổn. Mặc dù vậy, thị trường BĐS nhà ở để cho thuê đã cho thấy khả năng phục hồi ấn tượng. Ngày càng nhiều các nhà đầu tư trên toàn cầu đang dần nhận ra giá trị của phân khúc này có các quy tắc cơ bản bền vững.

Đầu tư vào thị trường bất động sản nhà ở cho thuê (bao gồm các phân khúc như khu dân cư, không gian sống chia sẻ, ký túc xá cho sinh viên và viện dưỡng lão) đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2019, bất chấp những khó khăn về kinh tế đang gia tăng. Trong lúc đại dịch Covid-19 đã và đang kéo cả nền kinh tế của toàn cầu đi xuống, phân khúc BĐS nhà ở cho thuê này vẫn đạt mức phục hồi tốt với mức độ đầu tư tăng cao hơn so với các loại tài sản bất động sản khác.

Thị trường BĐS nhà ở để cho thuê đã cho thấy khả năng phục hồi ấn tượng.

Theo Savills, khả năng phục hồi này nhờ vào các quy tắc cơ bản của xã hội. Nhà ở là một nhu cầu cơ bản, và có nhiều thị trường thường xuyên rơi vào tình trạng cầu vượt cung. Trong khi đó, những người trẻ tuổi chuyển đến các trung tâm đô thị để làm việc và học tập, đã thúc đẩy nhu cầu thuê nhà trọ. Đây là một xu hướng khó có thể bị thay đổi bởi đại dịch trong dài hạn. Cùng với việc dân số già đi nhanh chóng, nhu cầu về nhà ở được xây dựng với mục đích dành cho mọi lứa tuổi ngày càng cấp thiết và ngày càng tăng.

Theo Svills, cơ hội lớn trong phân khúc này vẫn còn rất tiềm năng. Các rào cản đối với quyền sở hữu nhà, các chuẩn mực văn hóa thay đổi và sản phẩm chất lượng tốt hơn đồng nghĩa với việc thuê nhà đã trở thành một lựa chọn đáng mơ ước hơn cho mọi nhóm tuổi. Các nền tảng quản lý xuyên biên giới lớn hơn không những giúp cải thiện trải nghiệm người dùng, mà sẽ còn mang lại hiệu quả cho các nhà đầu tư.

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định, lần đầu tiên trong lịch sử, thế giới chứng kiến mức độ cao nhất của việc nới lỏng định lượng (phương thức của các Ngân hàng trung ương để kích thích kinh tế bằng cách mua trái phiếu cùng những tài sản khác từ các ngân hàng thương mại nhằm giảm lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lạm phát) và sản xuất in tiền đã khiến hầu hết các loại hình BĐS bị giảm lợi nhuận.

Mặc dù Covid-19 đã mang lại những thách thức ngắn hạn, nhưng ứng phó với biến đổi khí hậu có lẽ vẫn là thách thức lâu dài và cũng là cơ hội lớn nhất đối với ngành BĐS. Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tạo ra sự khác biệt tích cực cho xã hội là những nguyên nhân đã thúc đẩy chương trình nghị sự toàn cầu trên tất cả các ngành kinh tế. Các nhà đầu tư vào phân khúc BĐS cho thuê dần trở nên nghiêm túc về điều này.