23/04/2024 | 14:25 GMT+7, Hà Nội

BĐS 24h: Chưa đủ căn cứ xác định dấu hiệu tội phạm 7 CC chây ì khắc phục PCCC

Cập nhật lúc: 05/12/2020, 19:00

Chưa đủ căn cứ xác định dấu hiệu tội phạm 7 chung cư chây ì khắc phục PCCC; loạt điểm nóng tranh chấp chung cư được đẩy lên Bộ XD xử lý;không còn siêu dự án, nhà đất Thạch Thất, Hòa Lạc gãy "sóng" là những tin chính.

Hà Nội chưa đủ căn cứ xác định dấu hiệu tội phạm 7 chung cư chây ì khắc phục PCCC 

UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả thực hiện phiên chất vấn Kỳ họp 15 HĐND thành phố. 

Tính đến thời điểm tháng 11/2020, đã có 59 công trình chung cư thương mại đã khắc phục xong và được nghiệm thu về PCCC, 1 công trình đã dừng thi công, còn 19 công trình tồn tại vi phạm quy định về PCCC. Trong đó có 11/19 công trình có khả năng khắc phục, 8/19 công trình khó có khả năng khắc phục, phải báo cáo các cấp Bộ, ngành T.Ư cho phép áp dụng các giải pháp, biện pháp thay thế.

Hà Nội chưa đủ căn cứ xác định dấu hiệu tội phạm 7 chung cư chây ì khắc phục PCCC 

Đối với 19 công trình còn tồn tại nêu trên, công an thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư khắc phục các nội dung còn tồn tại, vi phạm.

Riêng đối với 8/19 công trình khó có khả năng khắc phục, trước đây, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Cục C07 Bộ Công an cho phép áp dụng các giải pháp, biện pháp bổ sung thay thế các tồn tại vi phạm quy định về PCCC đối với một số công trình mà chủ đầu tư đã hoàn thành việc xây dựng luận chứng các giải pháp, biện pháp đề nghị Cục C07 để trình thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định.

“Qua quá trình điều tra, do chưa đủ căn cứ xác định dấu hiệu tội phạm, căn cứ quy định Khoản 1 điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các quy định tại Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với 7 trường hợp”, báo cáo nêu.

Công an thành phố đã tham mưu UBND thành phố ban hành 2 văn bản gửi Bộ Xây dựng, Bộ Công an đề xuất cho phép áp dụng các biện pháp, giải pháp khắc phục thay thế.

Cũng theo báo cáo, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, hướng dẫn đôn đốc chủ đầu tư của các công trình vi phạm khắc phục các nội dung còn tồn tại vi phạm. Tiếp tục bám sát, theo dõi việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC của các chủ đầu tư công trình cố tình chây ì, không khắc phục.

Loạt điểm nóng tranh chấp chung cư được đẩy lên Bộ Xây dựng xử lý

Bộ Xây dựng vừa ban hành một số văn bản hướng dẫn giải quyết các tranh chấp, vướng mắc giữa chủ đầu tư và cư dân tại các dự án ở Hà Nội.

Được biết, phần lớn các tranh chấp là do cả chủ dự án và người mua nhà đều không thống nhất được với nhau về diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng trong tòa nhà, việc bàn giao và sử dụng quỹ bảo trì chung cư. Do đó, nhiều Ban quản trị, chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn việc xác định liên quan đến vấn đề này.

Bộ Xây dựng cho biết, đối chiếu với các quy định, trường hợp phần diện tích đỗ xe để trung chuyển hàng hóa phục vụ cho khu thương mại, văn phòng, siêu thị được bố trí trong cùng khu chức năng này và không phải là diện tích để xe phục vụ cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư hoặc diện tích để xe công cộng theo quy định tại Khoản 1 Điều 101 của Luật Nhà ở 2014 thì phần diện tích này cùng với phần diện tích dùng để kinh doanh thương mại, văn phòng và siêu thị là thuộc quyền sở hữu riêng của chủ đầu tư.

Loạt điểm nóng tranh chấp chung cư được đẩy lên Bộ Xây dựng xử lý

Việc công nhận quyền sở hữu đối với phần diện tích này, Bộ Xây dựng đề nghị, chủ đầu tư liên hệ với cơ quan đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất của thành phố Hà Nội để được hướng dẫn cụ thể.

Tại khu đô thị Goldmark City - 136 Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm, Bộ Xây dựng cho biết, mới đây, đại diện ban quản trị các tòa chung cư R1, R2, R3, R4 đã có văn bản đề nghị phong tỏa tài khoản quỹ bảo trì nhà chung cư khu đô thị Goldmark City do chủ đầu tư là Công ty CP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân, thuộc Tập đoàn TNR vì không bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị các tòa nhà theo quy định.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội kiểm tra, giải quyết và trả lời đơn của đại diện Ban quản trị khu đô thị Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu, Bắc Từ Liêm) đề nghị phong tỏa tài khoản quỹ bảo trì nhà chung cư.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng cho rằng nội dung nêu trong đơn của đại diện ban quản trị các tòa nhà thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP Hà Nội. Do vậy, bộ đề nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giải quyết đơn thư của cư dân theo quy định.

Về việc sử dụng quỹ bảo trì đối với hạng mục chống thấm mái, Bộ Xây dựng cho biết, nếu trong thời gian bảo hành nhà chung cư mà cần sửa chữa, khắc phục các hư hỏng về kết cấu chính của nhà ở thì việc sửa chữa, khắc phục này được thực hiện theo quy định về bảo hành nhà ở. Sau thời gian bảo hành thì việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng phần sở hữu chung nhà chung cư được thực hiện theo quy định về bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Theo đó, Bộ đề nghị Ban quản trị đối chiếu các quy định hiện hành với trường hợp cụ thể của mình để thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Ban quản trị liên hệ với Sở Xây dựng thành phố Hà Nội là cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền.

Bộ Xây dựng cho biết, nếu trong thời gian bảo hành nhà chung cư mà cần sửa chữa, khắc phục các hư hỏng về kết cấu chính của nhà ở thì việc sửa chữa, khắc phục này được thực hiện theo quy định về bảo hành nhà ở. Sau thời gian bảo hành thì việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng phần sở hữu chung nhà chung cư được thực hiện theo quy định về bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Không còn siêu dự án, nhà đất Thạch Thất, Hòa Lạc gãy "sóng"

Theo phản ánh của Nhipsongkinhte, hồi giữa năm 2020, nhà đất thạch thất bỗng nhiên sốt nóng rầm rộ khi xôn xao thông tin một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản đề xuất xây dựng 2 khu đô thị trên địa phận huyện Thạch Thất.

Ngay sau khi có thông tin này, môi giới liên tục tạo ra những cơn sốt ảo. Cụ thể, thời điểm đó tại khu đất giãn dân Quan Giai, thôn Trúc Động, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất nằm ở rìa làng, bỏ không nhiều năm bỗng nhiên sốt nóng, giá đất bị “cò” đẩy lên từng ngày, thậm chí từng giờ.

Cơn sốt ảo chớp nhoáng gần 10 ngày nhanh chóng bị dập tắt sau thông báo cảnh tỉnh nhà đầu tư của UBND xã Đồng Trúc. Tuy nhiên, sau đó không ít "cò đất" đất vẫn liên hệ, tìm khách qua điện thoại với lý lẽ thuyết phục giá đất đang ổn định sau cơn sốt là thời điểm tốt nhất để mua.

Sau đất Đồng Trúc, lực lượng môi giới tiếp tục đổ bộ sang Hòa Lạc mồi chài khách mua đất nền không rõ pháp lý tại các khu vực gần khu công nghiệp Hòa Lạc.

Đến thời điểm hiện tại, cả hai siêu dự án quy mô 500ha sẽ không được triển khai. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không bao giờ có viễn cảnh đất nằm cạnh siêu đô thị sẽ tăng giá gấp 3 - 4 lần. Thông tin này ngay lập tức khiến những nhà đầu cơ tại đây "choáng váng" tìm cách rút chân.

Không còn siêu dự án, nhà đất Thạch Thất, Hòa Lạc gãy "sóng"

Để thoát hàng, hiện nay môi giới lại tiếp tục tung tin về hai siêu đô thị. Sau một thời gian yên ắng, đất Thạch Thất, Quốc Oai, Hòa Lạc... tiếp tục được đội ngũ "môi giới chuyên nghiệp" đánh lên. Trên các trang rao vặt vẫn tràn lan lời mời đất phân lô ngay sát khu đô thị 500ha với mức tăng giá hấp dẫn.

Tại một số trang rao bán bất động sản, nhiều người cũng quảng cáo đất Đồng Trúc với vị trí ngay khu siêu đô thị 300ha. Giá cả khoảng 700 - 800 triệu đồng/lô đất 60m2. Có những lô đất giá được rao tới gần 1 tỷ đồng/65m2.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận xét: Vụ sốt đất ở Đồng Trúc là kiểu đầu tư "nghe tin đồn". Đó là hiện tượng lặp lại của rất nhiều vụ, đã có rất nhiều bài học cho lối đầu tư kiểu "nghe ngóng", đám đông như vậy. Ở khu vực Đồng Trúc bây giờ cũng vậy, khu vực đó chưa có đầu tư gì lớn để tạo ra giá trị tăng. Đất đai tỷ lệ thuận với giá trị đầu tư, có đầu tư hạ tầng xã hội dịch vụ thì mới tăng được giá trị.

Có thể nói, việc đầu tư ăn theo thông tin của các đại dự án lớn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi những người tham gia phần lớn là nhà đầu cơ, lướt sóng. Trong cơn sốt đất, có những người kiếm được tiền tỷ mỗi ngày nhưng có không ít người lại mắc kẹt khi sóng đất đảo chiều. Những đại dự án được đề xuất là một chuyện, nhưng có khả năng thực hiện hay không còn là một câu chuyện khác và đòi hỏi cần nhiều thời gian.

Bộ Công an ngăn chặn hàng loạt bất động sản ở TPHCM và Đồng Nai

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân (TP HCM), quận này đã nhận được chỉ đạo của UBND TPHCM về việc thực hiện yêu cầu của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an về tạm dừng biến động và cung cấp thông tin liên quan 29 thửa đất trên địa bàn quận.

Các thửa đất nói trên nằm trong tổng số 33 thửa đất tại TP HCM (ngoài Bình Tân, còn 4 thửa đất khác tại quận Thủ Đức), bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ngăn chặn mọi biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp...) và yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, pháp lý liên quan tới các thửa đất. 

Theo UBND TP HCM, sau khi nhận được văn bản số 4611/VPCQCSĐT-P4 của Bộ Công an, các đơn vị chuyên môn đang thực hiện rà soát hồ sơ để tham mưu UBND TP HCM cung cấp thông tin, thực hiện theo yêu cầu của cơ quan điều tra.

Bộ Công an ngăn chặn hàng loạt bất động sản ở TPHCM và Đồng Nai

Cụ thể, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo các sở, ngành và UBND quận Thủ Đức, quận Bình Tân giữ nguyên hiện trạng, thủ tục pháp lý, tạm dừng mọi biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua bán, tặng, cầm cố, thế chấp…) và cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu pháp lý đối với 33 thửa đất.

Theo yêu cầu của Bộ Công an, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các sở, ngành và UBND huyện Long Thành thực hiện yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, thủ tục pháp lý và tạm dừng mọi biến động đối với Công ty CP Bất động sản Minh Thành Đồng Nai và dự án khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước, huyện Long Thành do Công ty Bất động sản Minh Thành Đồng Nai làm chủ đầu tư.

Động thái ngăn chặn chuyển dịch tài sản của Cơ quan điều tra Bộ Công an được thực hiện sau khi cơ quan này nhận được tố cáo của nhiều cá nhân và doanh nghiệp cho rằng các cá nhân trong gia đình bà Trần Uyên Phương, ông Trần Quý Thanh đã cho họ vay tiền với lãi suất cao. Từ các đơn tố cáo và tài liệu chứng cứ kèm theo, cơ quan điều tra Bộ Công an đã yêu cầu tạm dừng chuyển dịch các tài sản, bất động sản nói trên để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Trước đó, ông Lê Văn Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai gửi đơn tố cáo đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an về các cá nhân Phạm Hoàng Minh, Hồ Thị Diễm Trang, Nguyễn Hoàng Phú, Lê Công Sương và một số cá nhân khác có hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng thông qua việc chuyển nhượng dự án và “Trốn thuế”, xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Minh Thành Đồng Nai, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Nhơn Thành.

Nhà đầu tư ráo riết “xuống tiền”,giá bất động sản Long Thành liên tục thiết lập mức mới.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hôi Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, Long Thành sẽ trở thành trung tâm của “thành phố sân bay” và là tâm điểm kết nối giao thương của cả khu vực. Trong tương lai không xa, nhu cầu sở hữu bất động sản để phát triển thương mại – dịch vụ và các loại hình kinh doanh ở đây sẽ tăng vọt.

Hiện Long Thành không chỉ chứng kiến hoạt động giao dịch tăng mạnh mà mức giá cũng biến động theo. So với thời điểm năm 2018, giá đất ở khoảng 8-15 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng gấp đôi, lên đến 15-30 triệu đồng/m2.

Nhà đầu tư ráo riết “xuống tiền”, đón đầu lợi nhuận trước khi sân bay hình thành

Đặc biệt, khi sân bay quốc tế Long Thành đang cận ngày khởi công vào tháng 12 tới đây, thị trường bất động sản khu vực càng gia tăng sức nóng, mức giá tiếp tục tăng cao, có nơi chạm đến mốc hàng trăm triệu đồng/m2. Đồng thời, theo dự đoán của các chuyên gia, mức giá đất khu vực cận sân bay có thể sẽ tiếp tục tăng nhanh và bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Trong giai đoạn “chạy nước rút” để khởi công sân bay, Long Thành tiếp tục “dậy sóng” khi có rất đông khách hàng về đây tìm kiếm cơ hội an cư - đầu tư sinh lợi nhuận. Cùng với sức cầu tăng mạnh, các doanh nghiệp đã nhanh chóng hoàn thiện các bước thủ tục, đẩy nhanh tiến độ hạ tầng để kịp thời giới thiệu đến khách hàng những sản phẩm mới.

Nhưng qua ghi nhận thực tế, phần lớn khách hàng sở hữu bất động sản với mục đích đầu tư dài hạn, khai thác kinh doanh, nên những dự án có vị trí gần khu dân cư, nằm trên những trục đường lớn, kết nối tốt đến sân bay quốc tế Long Thành với khoảng cách không quá xa có tỷ lệ hấp thụ tốt nhất.