Bản tin BĐS 24h: Thủ tướng chỉ đạo xây dựng bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh
Cập nhật lúc: 23/12/2020, 19:00
Cập nhật lúc: 23/12/2020, 19:00
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 10509/VPCP-CN gửi Bộ Xây dựng về vấn đề cần thiết có bộ chứng chỉ công trình xanh.
Theo Văn phòng Chính phủ, công trình xanh là xu hướng của thời đại, đã có trên 100 quốc gia thành lập Hội đồng công trình xanh, xây dựng hoặc áp dụng hệ thống tiêu chí công trình xanh. Tuy nhiên, Việt Nam đến nay vẫn chưa có một bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá công trình, cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển công trình xanh. Các nhà đầu tư đang tự xoay xở với công trình xanh dựa trên các bộ chứng chỉ quốc tế.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, xử lý.
Đồng thời, các cơ quan của Bộ Xây dựng đang trao đổi, kiến nghị có chế tài xử phạt nghiêm các chủ đầu tư có hành vi lợi dụng mác công trình xanh để thương mại hóa sản phẩm, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng trên thị trường.
15 năm qua, Việt Nam vẫn chưa đưa được Quy chuẩn năng lượng công trình vào thực tế thực hành thiết kế (gọi tắt cho Quy chuẩn 09, các phiên bản 2005, 2013, 2017), gọi là Quy chuẩn bắt buộc, nhưng được sử dụng như tiêu chuẩn tham khảo tự nguyện.
Trên thị trường, không ít chủ đầu tư sử dụng “mác” công trình xanh để thương mại hóa sản phẩm, gắn nhãn xanh để bán hàng với tốt hơn, nâng cao hình ảnh thương hiệu, khách hàng đôi khi bỏ tiền mua căn hộ trong công trình xanh nhưng thực chất không xanh.
Bình Dương là địa phương có tình trạng vi phạm xây dựng diễn ra phổ biến và dai dẳng. Điển hình cho câu chuyện này là dự án Đông Bình Dương. Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Lê Hữu Nhơn đã ra 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Đông Bình Dương, vì hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Lần 1 vào ngày 13/01/2020 và lần 2 vào ngày 29/9/2020.
Theo quyết định xử phạt số 25/QĐ-XPVPHC, ngày 13/01/2020, đúng 2 tháng sau, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã phải tổ chức cưỡng chế công trình. Tuy nhiên, phải hơn 8 tháng sau Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Lê Hữu Nhơn mới ra quyết định xử phạt lần 2.
Đến nay đã quá 60 ngày kể từ khi ông Lê Hữu Nhơn ra quyết định xử phạt lần 2 (vào ngày 29/9/2020). Tuy nhiên, dự án vẫn không bị cưỡng chế. Thay vào đó, trả lời về việc xử lý sai phạm xây dựng không phép tại dự án Đông Bình Dương, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Lê Hữu Nhơn cho rằng, Sở đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về việc thi hành biện pháp cưỡng chế, đối với những sai phạm tại Dự án Khu dân cư Đông Bình Dương.
Được biết, dự án Đông Bình Dương có quy mô khủng lên đến 126,7ha, chủ đầu tư mới chỉ lập thủ tục đất đai với diện tích 110,1ha. Sau nhiều quyết định xử phạt, dư luận vẫn nghi vấn dự án này đã được Thủ tướng chấp thuận đầu tư hay chưa? Theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP, dự án có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên, thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng.
Không chỉ dự án Đông Bình Dương, hàng loạt dự án khác cũng có sai phạm xây dựng không phép như: Khu nhà ở Nam Tân Uyên do Công ty TNHH Công Nghiệp và Đô Thị Nam Tân Uyên làm chủ đầu tư; Khu nhà ở Tuấn Điền Phúc tại Khu phố 5, phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, do Công ty TNHH MTV Tuấn Điền Phúc làm chủ đầu tư…
Liên quan đến vấn đề cải tạo chung cư cũ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho rằng Hà Nội cần một cơ chế đầu tư đặc thù để tháo gỡ cho 1.500 chung cư cũ nằm trong 30 khu tập trung, không nên làm thí điểm.
Tại hội nghị Thường trực Thành ủy làm việc với Sở Xây dựng về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở Xây dựng và ngành Xây dựng năm 2020; định hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho rằng, hiện nay, Hà Nội chưa ban hành chương trình đi kèm với kế hoạch về phát triển đô thị, trong khi nhiệm vụ này đang giao cho Viện Quy hoạch đô thị nghiên cứu.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn kiến nghị cần chuyển nhiệm vụ này về Sở Xây dựng để đồng bộ với các chương trình, kế hoạch khác của Sở, nhất là phát triển nhà và hạ tầng đô thị. Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu đô thị hóa từ 60-62% trong nhiệm kỳ tới, cần nghiên cứu, thành lập Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị. Liên quan đến vấn đề cải tạo chung cư cũ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho rằng Hà Nội cần một cơ chế đầu tư đặc thù để tháo gỡ cho 1.500 chung cư cũ nằm trong 30 khu tập trung, không nên làm thí điểm.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá Sở Xây dựng đã hoàn thành tốt chức năng là cơ quan thường trực của Chương trình số 06 (Thành ủy khóa XVI) về "Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020". Trong đó, các lĩnh vực quản lý của ngành được triển khai toàn diện, nhiều kết quả nổi bật. Những vụ khó, nhạy cảm, phức tạp đã làm rất quyết liệt, được nhân dân tin tưởng như: Vụ xử lý nhà 8B Lê Trực, xử lý các bất cập tại Khu LHXLCT Sóc Sơn...
Đây là kết quả của cả hệ thống chính trị TP vào cuộc, trong đó có công sức quan trọng của Sở Xây dựng. Sau 5 năm, diện mạo Thành phố ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, văn minh hiện đại hơn, được nhân dân, các bộ, ngành Trung ương và bạn bè, du khách quốc tế ghi nhận.
Tuy vậy, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng, Sở còn một loạt các quy hoạch, chương trình chưa hoàn thành, trong đó có chương trình phát triển đô thị kèm theo kế hoạch phát triển đô thị nhiều năm chưa xây dựng xong; Một số cơ chế, chính sách, nhất là giá, phí hiện nay còn đang vướng; việc đầu tư một số công trình, dự án của ngành còn hạn chế, hiệu quả thấp, việc đầu tư còn chưa đồng bộ... Bên cạnh đó, tỷ lệ công trình vi phạm trật tự xây dựng giảm nhưng số tuyệt đối còn rất lớn; một số vi phạm, tồn đọng chưa được xử lý hết, gây bức xúc; úng ngập tại một số điểm chưa được giải quyết; công tác quản lý nhà tái định cư còn bất cập, còn để lãng phí các diện tích ở tầng 1; việc đầu tư cải tạo các khu chung cư cũ chưa có chuyển biến...
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu ngành Xây dựng cần nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế này để tập trung khắc phục một cách căn cơ. Đồng thời, đề nghị Sở Xây dựng trong năm 2021 cần chọn những việc cụ thể để tạo chuyển biến, như: rà soát, đôn đốc xây dựng công viên, cây xanh tại các ô đất xen kẹt ở các quận, huyện; xây dựng đề án khai thác phần diện tích tầng 1 của các khu chung cư tái định cư, không để nhếch nhác, lãng phí; xây dựng danh mục các dự án ưu tiên đầu tư của ngành.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết đang yêu cầu cơ quan hữu quan kiểm tra, rà soát các dự án chậm tiến độ trên địa bàn, thu hồi các dự án chậm tiến độ quá lâu gây lãng phí tài nguyên đất.
Báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát các dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho biết địa phương này hiện có 73 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị, với diện tích trên 2.708ha.
Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, có 44/73 dự án đô thị, nhà ở đang triển khai chậm tiến độ và chưa có dự án đầu tư hoàn chỉnh đạt 100% cả về quy mô, tiến độ theo chấp thuận đầu tư.
Đặc biệt, trong số 44 dự án chậm tiến độ, có 20 dự án đã hết hạn đầu tư, chủ đầu tư chưa làm hồ sơ xin gia hạn đầu tư gồm: Dự án khu đô thị mới chùa Hà Tiên, khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai, khu nhà ở đô thị Quảng Lợi, khu trung tâm văn hóa, thể thao và giải trí Vĩnh Phúc, khu nhà ở đô thị khu dân cư số 3, khu đô thị sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc, khu trung tâm thương mại Vĩnh Phúc, khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải, khu đô thị Hùng Vương - Tiền Châu...
Khắc phục những tồn tại trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Sở Xây dựng tập trung hoàn thành quy hoạch các phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, TP Phúc Yên, huyện Bình Xuyên và Tam Dương…
UBND TP. Hải Phòng vừa có Quyết định giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ cầu Rào 3 đến tuyến đường bộ ven biển.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải Hải Phòng được UBND TP giao là chủ đầu tư, tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư) cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ cầu Rào 3 đến tuyến đường bộ ven biển, và thực hiện các thủ tục tiếp theo theo quy định.
TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, đề xuất vốn chuẩn bị đầu tư và triển khai các thủ tục tiếp theo theo quy định tại Luật Đầu tư công, Quyết định số 24/2020/QĐ-UBND ngày 10/9/2020 của UBND TP về việc thẩm định, phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án; dự toán chi phí lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Hải Phòng và các quy định pháp luật có liên quan.
Trước đó, ngày 27/11/2020, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Thọ đã chủ trì cùng các cơ quan có liên quan kiểm tra thực địa, và họp bàn về việc nghiên cứu đầu tư dự án.
Theo đó, TP thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ cầu Rào 3 đến tuyến đường bộ ven biển với quy mô chiều dài khoảng 12km, bề rộng mặt cắt ngang khoảng 60m (gồm 6 làn xe cơ giới và 4 làn xe khu vực) cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
19:00, 22/12/2020
19:00, 21/12/2020
19:00, 20/12/2020