19/01/2025 | 15:14 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Hà Nội "lệnh" các quận báo cáo về các công trình khủng hợp thửa

Cập nhật lúc: 03/11/2020, 19:00

Hà Nội yêu cầu các quận báo cáo về các công trình "khủng" hợp thửa; kiến nghị điều tra đối với vấn đề chiếm dụng phí bảo trì chung cư; Bộ Xây dựng nhân rộng mô hình nhà chống lũ là những nội dung chính trong bản tin BĐS.

Hà Nội yêu cầu các quận báo cáo về các công trình "khủng" hợp thửa

Cơ quan chức năng Hà Nội yêu cầu các quận phải báo cáo về việc nhiều dự án nhà ở, khu đô thị trên địa bàn xuất hiện những công trình khủng được xây dựng kiểu "cung điện, lâu đài" tự hợp khối từ những lô đất quy hoạch, phân lô biệt thự, nhà liền kề vi phạm trật tự xây dựng, phá vỡ quy hoạch...

Cụ thể, Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, báo cáo và xử lý vi phạm (nếu có). Tại dự án nhà ở thấp tầng ở Long Biên xuất hiện công trình tiến hành xây dựng như một “cung điện, lâu đài” có dấu hiệu vi phạm gộp từ các thửa đất vào nhau. Hay tại khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính (từng được coi là một trong những khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Hà Nội) với những dãy nhà liền kề lâu nay được quy hoạch theo khu phố đồng bộ với chiều cao trung bình 3 tầng + 1 tum, nhưng gần đây trở nên nên chật chội, ngột ngạt bởi sự xuất hiện ồ ạt những công trình có quy mô khủng, kiến trúc hoàn toàn khác biệt tại phố Nguyễn Thị Thập.

Thời gian gần đây xuất hiện nhiều công trình khủng, chiều cao vượt trội có dấu hiệu sai phép ttaij nhiều quận trên địa bàn Hà Nội. (Nguồn: Tienphong).

Hoạt động xây dựng vi phạm trật tự xây dựng, xây sai thiết kế phá vỡ quy hoạch cũng diễn ra phổ biến ở những khu nhà ở thấp tầng như: Khu đất ký hiệu TT5A thuộc KĐT mới Tây Nam Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai); Khu đô thị Văn Phú, Văn Khê (quận Hà Đông), Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm), dự án Foresa Villa (quận Nam Từ Liêm); dự án Bắc Hà Tower - C37); dự án Five Star Mỹ Đình (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm)…

Kiến nghị điều tra đối với vấn đề chiếm dụng phí bảo trì chung cư

Hiện nay tình trạng tranh chấp phí bảo trì chung cư đang diễn ra ngày một nhiều, kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và an ninh trật tự.

Sở Xây dựng TPHCM vừa có báo cáo với Đoàn Đại biểu Quộc hội TPHCM về những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến phí bảo trì chung cư 2%.

Theo quy định, người mua căn hộ có trách nhiệm đóng phí bảo trì 2% giá trị căn hộ và chủ đầu tư có trách nhiệm đóng kinh phí bảo trì 2% với phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại, không bán. Thế nhưng, thời gian qua, xuất hiện nhiều phản ánh của người dân, Ban quản trị… trong việc tranh chấp phí bảo trì chung cư với chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư, Ban quản trị sử dụng không đúng, không công khai tài chính trong việc sử dụng kinh phí bảo trì.

Kiến nghị điều tra đối với vấn đề chiếm dụng phí bảo trì chung cư. (Ảnh: Dân trí)

Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận, huyện tiến hành kiểm tra hoặc lập Đoàn thanh tra để kiểm tra. Trường hợp phát hiện vi phạm trong việc bàn giao, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì Tranh tra Sở Xây dựng sẽ tiến hành xử lý vi phạm theo quy định tại điều 66 Nghị định 139/2017.

Tuy nhiên, Nghị định số 139 không có nội dung quy định chế tài đối với chủ đầu tư không chịu bàn giao kinh phí bảo trì. Điều này dẫn đến tranh chấp gay gắt giữa chủ đầu tư và Ban quan trị.

Vì vậy, Sở Xây dựng TPHCM đề xuất nội dung chế tài đối với hành vi vi phạm nêu trên, có thể chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra xử lý hành vi chiếm dụng tài sản của cư dân.

Sở Xây dựng đề xuất Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố kiến nghị Quốc hội xem xét, hướng dẫn để thống nhất trong công tác triển khai thực hiện và kịp thời xử lý các hành vi, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Nhân rộng mô hình nhà chống lũ

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng trong chuyến công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung từ ngày 1 - 3/11/2020.

Cuối tháng 10/2020, do ảnh hưởng mưa bão khiến các vùng trũng thấp, các khu đô thị ở Quảng Bình, đặc biệt tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hóa và TP. Đồng Hới bị ngập lụt sâu trên diện rộng.

Người dân chia sẻ về tác dụng của nhà chống lũ với Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng làm Trưởng đoàn. (Ảnh: Enternews).

Nước lụt tràn về, nhiều tài sản, lương thực bị ngâm trong nước không sử dụng được; các ngôi nhà nước lên quá cao, người dân phải phá ngói, tháo tôn để lên trên nóc nhà chờ cứu hộ, cứu trợ. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân Quảng Bình đã được an toàn trên các công trình nhà tránh lũ.

Chia sẻ về hiệu quả của chương trình nhà chống lũ, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung tại các tỉnh Nghệ An và Quảng Bình, cơ bản các căn nhà chống lũ đã phát huy tác dụng.

Mô hình Nhà chống lũ.

Chương trình này hỗ trợ các hộ dân nghèo thuộc 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận nhằm xây dựng những ngôi nhà đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, bão lụt. Chương trình có mức hỗ trợ 12 - 16 triệu đồng/hộ, cho vay ưu đãi tối đa 15 triệu đồng/hộ trong vòng 10 năm để họ cùng huy động nguồn lực của gia đình, dòng họ xây cất được gian chòi có sàn bê tông cốt thép, đảm bảo 3 cứng, diện tích tối thiểu 10m2 và sàn cao hơn mức lụt thường xuyên ở địa phương là 1,5m.

Qua kiểm tra ở địa phương cho thấy nhà chống lũ đã phát huy hiệu quả tốt, đảm bảo sinh mạng và tài sản cho người dân không chỉ trong mùa bão lụt năm nay mà cả 10 năm vừa qua.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu thiết kế tối thiểu 3 mẫu nhà ở phòng tránh bão, lụt điển hình, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, kèm theo dự toán kinh phí, dự trù vật liệu chủ yếu.

Các mẫu thiết kế phải đảm bảo các tiêu chí tối thiểu về diện tích, chất lượng quy định, đảm bảo phòng tránh được bão, lụt và có chiều cao hợp lý để có thể sử dụng được cả diện tích bên dưới sàn vượt mức ngập lụt trong điều kiện bình thường, tổ chức giới thiệu các mẫu thiết kế để người dân tham khảo, lựa chọn.

Ngoài thiết kế mẫu, các địa phương phải có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp cải tạo, nâng tầng làm sàn nhà phòng tránh bão, lụt.

Ngăn chặn người nước ngoài "núp bóng" đầu tư nhà đất

Các cơ quan chức năng đang tiếp tục kiểm tra, xử lý các dự án tại những khu vực nhạy cảm về quốc phòng - an ninh do người nước ngoài “núp bóng” cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với trường hợp mua, bán, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất, phải tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư. Chính phủ nhấn mạnh, nguyên tắc sử dụng đất là phải đúng đối tượng mà Luật Đất đai đã quy định. Trường hợp người nước ngoài nhờ người Việt Nam đứng tên là không đúng đối tượng và vi phạm pháp luật về đất đai.

Tuy nhiên, theo Bộ TN&MT, trên thực tế các cơ quan quản lý đất đai tại các địa phương rất khó khăn trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm này theo quy định của pháp luật. Để giải quyết vấn đề, cần thiết phải có các cơ quan chuyên môn về điều tra vào cuộc để có thể phát hiện và xử lý.

Tiếp tục kiểm tra, xử lý các dự án do người nước ngoài “núp bóng” tại những khu vực nhạy cảm về quốc phòng - an ninh. (Ảnh: Dân trí).

Thời gian qua, Bộ Công an, Bộ TN&MT cùng một số bộ, ngành liên quan đã tiến hành kiểm tra, rà soát và đã có báo cáo gửi Thủ tướng. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan và địa phương tổ chức nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế; đồng thời, chấn chỉnh thực hiện nghiêm quy định của pháp luật để khắc phục những tồn tại trước đó.

Bộ Xây dựng cũng khẳng định, các địa phương phải có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, ngăn chặn, xử lý cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” trong kinh doanh, sử dụng bất động sản, đặc biệt chú trọng các khu vực nhạy cảm, quan trọng đối với an ninh quốc phòng.

Cũng theo Bộ Xây dựng, cơ quan chức năng đang tiếp tục kiểm tra, xử lý các dự án tại các khu vực nhạy cảm về quốc phòng - an ninh do người nước ngoài “núp bóng” cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Thủ tướng đã chỉ đạo giải quyết toàn diện, hiệu quả vấn đề này. Về lâu dài, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ TN&MT nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và sẽ chủ động đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2014.