19/01/2025 | 09:41 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Công khai dự án bất động sản cầm cố ngân hàng để bảo vệ người mua nhà

Cập nhật lúc: 25/01/2021, 19:00

Công khai dự án BĐS cầm cố ngân hàng để bảo vệ người mua nhà; Cần cơ chế, chính sách đồng bộ khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp; Hà Nội có thêm trên 7,2 triệu m2 sàn nhà ở là những nội dung chính.

Công khai dự án bất động sản cầm cố ngân hàng để bảo vệ người mua nhà

Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiếu thông tin của người tham gia giao dịch bất động sản, UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND quận, huyện kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã được UBND TP quyết định giao đất hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 10/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp.

Riêng đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì kiên quyết báo cáo UBND TP thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đồng thời, tập trung kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng, các dự án chậm tiến độ do vướng mắc pháp lý về đất đai, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân.

TP Hồ Chí Minh: Công khai dự án bất động sản cầm cố ngân hàng để bảo vệ người mua nhà (Nguồn: Kinh tế đô thị)
TP Hồ Chí Minh: Công khai dự án bất động sản cầm cố ngân hàng để bảo vệ người mua nhà (Nguồn: Kinh tế đô thị)

UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao Sở Xây dựng theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản, các dự án bất động sản có vi phạm về xây dựng, các dự án không thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình đã đưa vào sử dụng.

Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP Hồ Chí Minh kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản, chuyển tiền thu được từ bất động sản ra nước ngoài để ngăn chặn các hành vi rửa tiền, chuyển giá, trốn lậu thuế; thanh toán giao dịch bất động sản bằng tiền mặt.

Ngoài ra, giao Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP Hồ Chí Minh theo dõi, chỉ đạo các ngân hàng thương mại quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân, hạn chế tín dụng cho đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản.

Cần cơ chế, chính sách đồng bộ, hợp lý khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp

Theo số liệu nguồn cung 163 căn nhà ở giá rẻ, HoREA báo cáo chiếm 1% trong tổng số nguồn cung nhà đất năm 2020 của các dự án BĐS toàn TP Hồ Chí Minh, trong khi Sở Xây dựng TP lại có kết quả báo cáo là 1,2%. Giải thích về sự khác biệt này, ông Châu cho biết, Sở Xây dựng tổng hợp trong 11 tháng, còn Hiệp hội tổng hợp đủ 12 tháng (năm 2020). Khi số tháng nhiều hơn sẽ kéo theo tổng số căn hộ nhiều hơn, trong khi 163 căn nhà ở thương mại giá thấp không thay đổi, thì đương nhiên tỷ lệ của phân khúc này phải giảm xuống.

Cần phải hiểu nhà ở giá thấp có giá thấp là vì được Bộ Xây dựng và HoREA đề ra những chính sách và chính sách ưu đãi. Ví dụ, nhà ở xã hội ưu đãi về thuế VAT (50%), thuế thu nhập doanh nghiệp cũng ưu đãi (50%); còn nhà ở thương mại giá thập thì được đề nghị giảm thuế trên dưới (25%).

Về tín dụng, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội được ưu đãi là 5%/năm, nhà ở thương mại giá thấp 7,5%/năm. Nhưng ưu đãi này có tính hợp lý nhằm giảm nhẹ áp lực cho chủ đầu tư.

Cần cơ chế, chính sách đồng bộ, hợp lý khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp
Cần cơ chế, chính sách đồng bộ, hợp lý khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp

Căn cứ trên những ưu đãi này, HoREA tính toán có thể làm được nhà ở thương mại giá thấp với giá bán 25 triệu đồng/m2 tại TP Hồ Chí Minh.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong làm nhà ở thương mại giá thấp, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho biết, doanh nghiệp không mặn mà làm nhà ở giá thấp vì lời ít hoặc không có lời, thậm chí lỗ. Mới đây, Công ty Trần Anh Long An mạnh dạn triển khai ở Đức Hoà (Long An) gần 1.000 căn, với giá bán 4-5 triệu đồng/m2, nhưng rồi cuối cùng cũng không làm được nữa vì lỗ vốn.

Theo ông Đực, con số nguồn cung nhà ở giá thấp chỉ chiếm 1% mà HoREA công bố chỉ là bề nổi của thị trường, vì nếu hiểu chính xác thì trong năm 2020 không doanh nghiệp nào làm nhà ở giá thấp. 163 căn đó chỉ sản phẩm dư, tồn đọng lại của những dự án trước đây.

Do đó, để phát triển nhà giá ở giá thấp, theo ông Đực phải thay đổi toàn bộ tư duy, thay đổi thủ tục, thay đổi tiêu chuẩn xây dựng. Đặc biệt, phải có tiêu chuẩn nhà giá rẻ như tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, xử lý nước thải, quy hoạch, tiện ích…phải được soạn ra và phải thấp hơn nhà ở thương mại để doanh nghiệp có cơ sở làm. Ngoài ra, ông Đực nhấn mạnh, cần phải hiểu rằng, Nhà nước nỗ lực để mọi người dân có chỗ ở, chứ Nhà nước không bảo đảm rằng, mọi người dân đều sở hữu nhà ở. Vì vậy, trong năm 2021, TP cần tiếp tục có chính sách phát triển quỹ nhà cho thuê với một số đối tượng có nhu cầu cấp bách. Đồng thời, cần sử dụng các công cụ tài chính như thuế, lãi suất, thời gian vay... để bộ phận người dân thu nhập thấp được sở hữu nhà ở.

Hà Nội có thêm trên 7,2 triệu m2 sàn nhà ở

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, năm 2020, trên địa bàn TP Hà Nội có thêm 7.276.495m2 sàn nhà ở, trong đó đã hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội với 550.281m2 sàn tương ứng với 5.348 căn hộ; 89 dự án nhà ở thương mại, tương ứng 6.571.944m2 sàn, 53.644 căn hộ; 5 dự án nhà ở tái định cư, tương ứng 154.270m2 sàn, 1.724 căn hộ.

Theo đó, với kết quả như trên đã hoàn thành chỉ tiêu theo Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020; đã trình UBND TP chủ trương xây dựng Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2045 và Kế hoạch phát triển nhà ở 2021 - 2025.

Hà Nội có thêm trên 7,2 triệu m2 sàn nhà ở
Hà Nội có thêm trên 7,2 triệu m2 sàn nhà ở

Sở đã chủ trì xây dựng dự thảo Đề án “Cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội”, lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng. Hiện nay, đang tiếp tục hoàn chỉnh Đề án theo góp ý của Bộ Xây dựng và tham mưu, báo cáo UBND TP.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết thêm, Sở cũng đã tham mưu cho TP bố trí và gia hạn quỹ nhà tái định cư 1.876 căn hộ, thu hồi 2.508 căn hộ. Đồng thời, tham mưu UBND TP ban hành quyết định chủ trương đầu tư đối với 7 dự án nhà ở xã hội đã được trao giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị hợp tác đầu tư năm 2020 của TP.

Tính chung trong giai đoạn 2016 - 2020, TP Hà Nội hoàn thành cải tạo, xây dựng lại được 9 khối (block) và hiện nay đã giao 19 nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 để thực hiện cải tạo, xây dựng lại 28 khu chung cư cũ trên địa bàn (với 834 nhà chung cư cũ, chiếm hơn 50% số lượng nhà chung cư cũ trên địa bàn).

Bất động sản công nghiệp nóng ngay từ đầu năm

Theo ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam, nguồn cung bất động sản công nghiệp tại thị trường phía Bắc không nhiều trong năm nay và có thể một vài năm nữa cũng chưa dồi dào. Sức nóng đang dồn về thị trường phía Nam, khu vực này sẽ đón nhận nhiều nguồn cung mới trong năm 2021 và 2022. Hiện giá thuê có xu hướng tăng lên.

Nhận định về xu hướng phát triển bất động sản công nghiệp trong năm 2021, các chuyên gia Savills đều cho rằng, dư địa phát triển của phân khúc này chủ yếu đến từ yếu tố dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất lớn từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đại dịch kéo dài là yếu tố đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất của các công ty đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc, đáng chú ý nhất là các nhà cung cấp linh kiện và lắp ráp cho Apple là Pegatron và Foxconn từ Đài Loan; Sharp, Nintendo và Komatsu từ Nhật Bản; Lenovo từ Hồng Kông đã công bố kế hoạch chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Bất động sản công nghiệp nóng ngay từ đầu năm
Bất động sản công nghiệp nóng ngay từ đầu năm

Làn sóng dịch chuyển mạnh ra khỏi Trung Quốc tới các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ tiếp tục dâng cao do các công ty đa quốc gia sản xuất những mặt hàng công nghệ hay tiêu dùng phải chịu áp lực cắt giảm chi phí, bên cạnh việc lạm phát tiền lương có xu hướng tăng cao sau Covid-19.

Song song với quyết định thành lập nhà máy mới ở Việt Nam, các doanh nghiệp FDI còn nhắm đến phát triển chuỗi cung ứng tại chỗ, tránh rủi ro “bỏ trứng một giỏ” như đã vấp phải tại thị trường Trung Quốc.

Những lý do thực sự khiến đất Thạch Thất - Hòa Lạc "lên cơn sốt”

Cuối năm 2019 đầu 2020, bất động sản Thạch Thất đã vài phen “dậy sóng” với tin đồn khu đô thị có quy mô vài trăm héc-ta được đầu tư tại đây nhưng rồi cũng tan đi nhanh chóng. Tuy nhiên, đến giữa năm, thời điểm Hòa Lạc chính thức được công bố là đô thị vệ tinh lớn nhất trong 5 đô thị được quy hoạch xung quanh trung tâm Hà Nội, thị trường một lần nữa sôi động và kéo dài đến hiện tại chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Theo TS.KTS Hoàng Hữu Phê, Hòa Lạc gần như mang đầy đủ các yếu tố cần thiết cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và không khó để dự đoán, thị trường BĐS khu vực này sẽ phát triển mạnh mẽ vào thời gian tới, giá trị sản phẩm BĐS cũng sẽ tiếp tục tăng.

Trước những dự báo tương tự của giới chuyên gia về tiềm năng phát triển đó thì việc lượng cầu tăng lên để đón đầu xu hướng trong khi nguồn cung không kịp đáp ứng, dẫn đến sự biến động tăng về giá đất được cho là “hợp quy luật”.

Hoà Lạc là đô thị vệ tinh lớn nhất trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội. (Ảnh phối cảnh khu đô thị vệ tinh Hoà Lạc).
Hoà Lạc là đô thị vệ tinh lớn nhất trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội. (Ảnh phối cảnh khu đô thị vệ tinh Hoà Lạc).

Dưới tác động tiêu cực của Covid-19, thị trường BĐS nói chung và địa bàn nội đô Hà Nội nói riêng chứng kiến hàng loạt dự án mới “ém hàng” chờ thời, một số khác mặc dù có quá trình dài chuẩn bị, đang chờ phê duyệt nhưng lại vướng mắc bởi sự chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định của pháp luật, dẫn đến nguồn cung ra thị trường bị “chặn” – theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam. Lúc này, chỉ còn số ít dự án đang triển khai bán nhưng cũng mang tính cầm chừng để giữ giá. Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2020, chỉ có 326 căn biệt thự và liền kề mở bán mới, giảm 92% so với cùng kỳ 2019, cho thấy sự sụt giảm đáng kể của nguồn cung.

Trong khi đó, các chuyên gia tài chính nhận định, vàng có thể giúp người dân tích trữ nhưng nếu mua bằng vốn vay mượn hoặc lướt sóng ngắn hạn thì sẽ gặp rủi ro cao, đòi hỏi nhà đầu tư cần có sự am hiểu về lĩnh vực này, chưa kể những biến động khó lường của thị trường trước xung đột thương mại Mỹ - Trung hay ảnh hưởng kéo dài của Covid-19 trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, trải qua một năm “điên rồ và khó lường” của thị trường chứng khoán với sự bùng nổ của dòng vốn nội và thắng lợi của các nhà đầu tư F0, họ cũng dần có xu hướng dịch chuyển sang địa ốc để tránh chu kỳ nguội dần sau chuỗi tăng nóng như thời gian vừa qua.

Với dự báo thị trường nhà ở năm 2021, ông Nguyễn Văn Đính nhận định, nhà đất tại các khu đô thị được đầu tư bài bản tại Hà Nội và TP HCM, giá bán sẽ tiếp tục tăng khoảng 5-10% so với 2020.