18/01/2025 | 17:51 GMT+7, Hà Nội

Bán hàng quá “đát”, Lotte Việt Nam đánh mất niềm tin của người tiêu dùng

Cập nhật lúc: 30/10/2015, 16:31

Lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, Lotte Mart đã bán hàng hết hạn sử dụng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích, xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng và coi thường sức khỏe của những “thượng đế”.

Người tiêu dùng tố Lotte Mart bán hàng hết “đát”

Chị Đặng Thị Như Hiếu (SN 1991, ngụ tại tỉnh Gia Lai) vừa tiến hành ủy quyền cho Văn phòng luật sư Sài Gòn Phạm Duy, mà đại diện được ủy quyền là luật sư Tạ Văn Nghiệp tiến hành các thủ tục cần thiết, khởi kiện Công ty TNHH Lotte Việt Nam về việc bán hàng quá hạn sử dụng tại siêu thị Lotte ở Hà Nội.

Ngày 21/9/2015, chị Đặng Thị Như Hiếu mua sắm tại siêu thị Lotte Mart (229 Tây Sơn, Hà Nội) và có mua một loạt các sản phẩm của siêu thị này.

Trong đó, chị Hiếu có mua một sản phẩm Dưỡng thể HAZELINE trắng da chống nắng - Hoa trà & Mầm gạo (Mã siêu thị - HAZELINE DÂU H.TRA& M.G) tại quầy khuyến mãi và được tặng kèm một Kem đánh răng Closeup.

Sản phẩm Dưỡng thể HAZELINE trắng da chống nắng - Hoa trà & Mầm gạo mà chị của chị Đặng Thị Như Hiếu mua tại Lotte Mart 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.

Sản phẩm Dưỡng thể HAZELINE trắng da chống nắng - Hoa trà & Mầm gạo mà chị của chị Đặng Thị Như Hiếu mua tại Lotte Mart 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.

Mặt hàng sữa dưỡng trắng da này có giá 52.900 đồng.

Khách hàng lo lắng khi mang về sử dụng thì chị có hiện tượng mẩn ngứa, đỏ ửng chỗ bôi kem. Khi xem lại “đát” thì chị Hiếu mới tá hỏa, sản phẩm có dấu hiệu tẩy xóa phần ngày sản xuất, hạn sử dụng và đã hết hạn sử dụng.

Vì tin tưởng vào một thương hiệu lớn như Lotte nên một bộ phận người tiêu dùng đã và đang bị siêu thị này “qua mặt”.

Cụ thể, ngày sản xuất của mặt hàng này ghi trên nhãn là 12/1/2014, và ngày hết hạn sử dụng là 12/1/2015, có nghĩa là tính đến lúc chị Hiếu mua sản phẩm này về, sản phẩm đã hết hạn sử dụng đến hơn 9 tháng. Dù vậy, sản phẩm vẫn được siêu thị Lotte bày bán ở khắp các kệ trong siêu thị.

Chị Hiếu cho rằng, một siêu thị lớn như Lottemart lại đi bán các mặt hàng hết hạn sử dụng. Nếu người tiêu dùng mua phải, không để ý đến các sản phẩm kém chất lượng, thì sẽ ảnh hưởng, nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Đặng Thị Như Hiếu đề nghị Văn phòng Luật sư Sài Gòn Phạm Duy trợ giúp pháp lý, đại diện khởi kiện Công Ty TNHH TTTM Lotte Việt Nam.

Đặng Thị Như Hiếu đề nghị Văn phòng Luật sư Sài Gòn Phạm Duy trợ giúp pháp lý, đại diện khởi kiện Công Ty TNHH TTTM Lotte Việt Nam.

Ngày 25/10/2015, chị Đặng Thị Như Hiếu đề nghị Văn phòng Luật sư Sài Gòn Phạm Duy trợ giúp pháp lý, đại diện khởi kiện Công Ty TNHH TTTM Lotte Việt Nam ( 469 Nguyễn Hữu Thọ, Phường Tân Hưng, Phường 7, TP.HCM) trong Vụ án Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa chị Hiếu với Công ty Lotte ra Tòa Án Nhân dân Quận 7 (Tòa án Nhân dân TP.HCM).

Chị Đặng Thị Như Hiếu yêu cầu Lotte Việt Nam phải giao lại sản phẩm còn hạn sử dụng, đúng chất lượng theo hóa đơn mua bán, cụ thể là sản phẩm sữa dưỡng trắng da Hazeline cho khách hàng.

Đồng thời, Lotte phải bồi thường thiệt hại chi phí phát sinh trong quá trình mua sản phẩm này, với số tiền 1 đồng Việt Nam.

Song song đó, Lotte còn bị người tiêu dùng yêu cầu phải có văn bản xin lỗi công khai chị Hiếu và toàn thể người tiêu dùng Việt Nam.

 

Văn phòng Luật sư Sài Gòn Phạm Duy trợ giúp pháp lý chị Đặng Thị Như Hiếu.

Văn phòng Luật sư Sài Gòn Phạm Duy trợ giúp pháp lý chị Đặng Thị Như Hiếu.

Sau khi có đề nghị trợ giúp pháp lý của Người tiêu dùng là bà Đặng Thị Như Hiếu và Quyết định số 06/QĐ-VPLS ngày 25/10/2015 của Văn phòng Luật sư Sài Gòn Phạm Duy cử Luật sư Tạ Văn Nghiệp tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Đặng Thị Như Hiếu trong vụ khiếu kiện tranh chấp với Công ty TNHH Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam.

Luật sư Tạ Văn Nghiệp - văn phòng Luật sư Sài Gòn Phạm Duy.

Luật sư Tạ Văn Nghiệp - văn phòng Luật sư Sài Gòn Phạm Duy.

Luật sư sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để kiến nghị vụ việc đến Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công thương, đồng thời gửi hồ sơ khiếu kiện đến Công ty TNHH Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam để lựa chọn phương thức cho việc giải quyết tranh chấp giữa hai bên.

 

Đơn đề nghị gửi đến Công ti Lotte Việt Nam và Hội bảo vệ người tiêu dùng của Luật sư.

Đơn đề nghị gửi đến Công ti Lotte Việt Nam và Hội bảo vệ người tiêu dùng của Luật sư.

Có “truyền thống” bán hàng không hạn sử dụng, hết “đát”?

Đây không phải là lần đầu tiên Công Ty TNHH TTTM Lotte Việt Nam vướng phải nghi vấn bán hàng hết hạn sử dụng cho người tiêu dùng. Trước đó, ngày 11/7/2014, cũng tại siêu thị Lotte Mart Đống Đa (229, Tây Sơn, Hà Nội), đội Quản lý Thị trường số 4 – Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội đã phát hiện và lập biên bản một loạt các sản phẩm tại siêu thị này ghi nhãn mác không chính xác, không đầy đủ, dễ gây hiểu lầm, thậm chí, có những sản phẩm không có hạn sử dụng.

Cụ thể, một loạt các loại thực phẩm khô có hai nhãn đóng gói “chẳng giống ai” vì không trùng khớp giữa tem nhãn của siêu thị và nhà sản xuất (nhà nhập khẩu). Dù vô tình hay cố ý thì các nhãn hàng hóa của Trung tâm Thương Lotte Mart đều được kéo dài hơn so với tem nhãn gốc của nhà nhập khẩu hay nhà sản xuất?

Ngày 11/7/2014, đội Quản lý Thị trường số 4 (Hà Nội) tạm giữ một số sản phẩm thực phẩm ở Lotte Mart Đống Đa vì nhãn mác không rõ ràng. Ảnh: N. N (VietQ)

Ngày 11/7/2014, đội Quản lý Thị trường số 4 (Hà Nội) tạm giữ một số sản phẩm thực phẩm ở Lotte Mart Đống Đa vì nhãn mác không rõ ràng. Ảnh: N. N (VietQ).

Ngoài thực phẩm khô có hạn sử dụng được tin trên bao bì thì những sản phẩm tươi, sản phẩm đông lạnh có đóng gói mà “quên” mất hạn sử dụng. Rau quả tại siêu thị này cũng có hiện tượng héo, ủng với những tem nhãn nhập nhèm không rõ là rau sạch trong nước hay rau quả của Trung Quốc?

Ngoài ra, siêu thị Lotte Mart còn thường xuyên đưa ra những chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng kèm… nhằm kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, những sản phẩm trong chương trình này “vô tình” đều là những sản phẩm hỏng, lỗi… như hết hạn sử dụng, hạn sử dụng bị mờ, bung nắp… mà không hề có cảnh báo cho người tiêu dùng. Khi khách hàng phát hiện, nhân viên siêu thị cũng tỏ ra đây là một điều hiển nhiên trong quá trình mua – bán hàng hóa tại siêu thị?

Người tiêu dùng đang dần mất niềm tin vào siêu thị

Niềm tin người tiêu dùng vào những nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp sản phẩm đang “lung lay” thì việc bán hàng hết 'đát' lại xảy ra tại một siêu thị lớn như Lotte Mart đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ. Vụ việc này như một “giọt nước tràn ly” khiến người tiêu dùng đang thấy quyền lợi của mình đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

Theo báo cáo công bố ngày 27/7 của Nielsen- Công ty Thông tin và Đo lường toàn cầu về chỉ số niềm tin tiêu dùng cho thấy, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam trong quý 2/2015 giảm xuống 8 điểm so với quý 1 (còn 104) điểm. Mức giảm quá nhanh đến 8 điểm này được xem là mức giảm lớn nhất so với các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam không còn cảm thấy tin tưởng vào chất lượng hàng hóa do chính mình mua – bán và tiêu thụ.

Trên thực tế, siêu thị vẫn là nơi được người tiêu dùng tin tưởng hơn khi những khu chợ truyền thống luôn bị vướng phải tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Các vụ việc thực phẩm lỗi, hỏng, hàng giả, hàng nhái, hàng Trung Quốc đang tràn ngập tại các chợ thì người dân đã nhận thức và ưu tiên mua hàng tại các siêu thị, cho dù phải trả giá tiền cao hơn so với bên ngoài.

Tuy nhiên, dường như lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng, nhiều siêu thị đã làm việc thiếu trách nhiệm, vì lợi nhuận mà quên đi quyền lợi của người tiêu dùng.

Chị Hoàng Mai H. (trú Trường Chinh, Hà Nội) chia sẻ: Sau khi nghe thời sự, báo đài nói nhiều về tình trạng rau nhiễm chất độc, thuốc trừ sâu, lợn tiêm thuốc tăng trọng, cá bẩn, lươn nuôi bằng thuốc tránh thai… chị Hương đã ngừng mua hàng bên ngoài mà ưu tiên mua hàng ở các siêu thị.

“Tôi là khách hàng quen thuộc của Lotte Mart Tây Sơn, thường mua mọi thứ tự nhiên, cũng ít khi để ý xuất xứ, tem mác vì rất tin tưởng. Tuy nhiên, thời gian gần đây thấy nhiều chị em rỉ tai siêu thị bán cả hàng hết hạn sử dụng nên tôi thấy hơi hoang mang. Vào siêu thị tức là đã chấp nhận giá đắt hơn ở ngoài mà vẫn phải mua phải hàng lỗi, hàng kém chất như thế này thì thật là không tưởng tượng nổi”- chị Mai H. chia sẻ.

Chị T.M (Quận 1, TP.HCM) cũng là một “tín đồ” của siêu thị chia sẻ: “Lúc trước mỗi khi vào siêu thị là tôi cứ mua xả láng, không cần quan tâm đến hạn sử dụng hay gì hết vì mình tin tưởng tuyệt đối. Nhưng qua mấy vụ lùm xùm gần đây, tôi và mọi người trong gia đình cảm thấy mất lòng tin vô cùng. Bây giờ đi siêu thị chẳng khác gì đi chợ ở ngoài, cũng phải dè dặt xem kỹ hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ… Mà như thế thì cái mục đích phục vụ người tiêu dùng ở các siêu thị cũng dần bị “biến tướng” rồi”.

Hiện nay, khi chất lượng thực phẩm được bày bán ngoài chợ chưa được kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm, tình trạng mất vệ sinh “ám ảnh” người tiêu dùng thì họ thường lựa chọn mua hàng ở siêu thị nhằm đảm bảo sức khỏe, dù trên thực tế người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn khi mua sắm tại đây.

Siêu thị là nơi bán hàng theo phương thức hiện đại với trang thiết bị và cách quản lý minh bạch, rõ ràng. Tất cả các mặt hàng vào siêu thị, bán ra đều qua những khâu kiểm tra, quản lý chặt chẽ. Vậy, một câu hỏi lớn đặt ra, nếu siêu thị còn bán hàng kém chất lượng thì niềm tin của người tiêu dùng sẽ phải đặt vào đâu?

Việc thanh tra, quản lý của các cơ quan chức năng là một phần nhưng chính thái độ, trách nhiệm của siêu thị mới chính là thứ mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Một thương hiệu có lớn đến đâu thì đạo đức đề nghiệp vẫn là thứ quyết định thương hiệu đó có còn tồn tại hay không?!

Ngoài những quy định của pháp luật thì sự lan tỏa nhanh chóng của mạng xã hội, báo chí, truyền thông chính là nơi bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng như một thương hiệu lớn, hành vi bán hàng hết hạn sử dụng cho khách hàng của Lotte Mart gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích, xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng và coi thường sức khỏe của những “thượng đế”.

Và nếu như, đây không phải chỉ là trường hợp riêng biệt của Như Hiếu gặp phải hay của riêng siêu thị Lotte Mart Đống Đa mà xảy ra đồng loạt trên cả một hệ thống của Công Ty TNHH TTTM Lotte Việt Nam thì quyền lợi của bao nhiêu người tiêu dùng bị ảnh hưởng?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.

Bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng 

Căn cứ khoản 1 Điều 30, Điều 41 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua:Thương lượng, hòa giải, Trọng tài, Tòa án.

Việc thương lượng, hòa giải giữa các bên không đạt được kết quả, chúng tôi sẽ tiến đến phương án lựa chọn Tòa án để giải quyết tranh chấp theo quy định của Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự để tiến hành các thủ tục tiếp theo để khởi kiện vụ án ra Tòa án các cấp có thẩm quyền nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng.

Điều 41 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về: Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:

Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vụ án mà bên khởi kiện là người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Luật này.

Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

a,  Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện;

b, Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng;

c, Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.

Luật sư Tạ Văn Nghiệp