28/01/2025 | 09:33 GMT+7, Hà Nội

Bạn có biết: Bệnh ung thư biểu mô nguy hiểm như thế nào và cách phòng tránh?

Cập nhật lúc: 14/08/2019, 15:00

Ung thư biểu mô là một trong những loại ung thư hình thành từ mô ở bên trong hay bên ngoài của cơ thể con người.

Biểu hiện của loại ung thư biểu mô này đó chính là các đoạn DNA trong cơ thể bị tổn thương, biến đổi mà chúng ta không thể kiểm soát được nó.

Biểu mô là gì?

Biểu mô là loại mô có một hay nhiều lớp tế bào bao phủ mặt ngoài cơ thể, mặt trong các khoang cơ thể và các khoang phủ tạng.

Biểu mô là tổ chức mà các tế bào nằm gần như sát vào nhau giữa các tế bào có khe rất hẹp chứa dịch gian bào và chúng ngăn cách với mô liên kết bởi màng đáy. Biểu mô có nguồn gốc ngoại bì như da, niêm mạc xoang miệng, mũi, hậu môn,... hay nguồn gốc nội bì gồm: thanh quản, khí quản, phế quản, niêm mạc ống tiêu hoá, gan mật bàng quang...

Ung thư biểu mô là gì?

Ung thư biểu mô là căn bệnh được phát triển từ loại tế bào mô của cơ thể. Nói hiểu rõ hơn ung thư biểu mô là một trong những loại ung thư hình thành từ mô ở bên trong hay bên ngoài của cơ thể con người. Biểu hiện của loại ung thư biểu mô này đó chính là các đoạn DNA trong cơ thể bị tổn thương, biến đổi mà chúng ta không thể kiểm soát được nó.

Dấu hiệu ung thư biểu mô?

Ung thư biểu mô bao gồm rất nhiều loại ung thư khác nhau như: Ung thư biểu mô dạ dày, ung thư biểu mô tế bào, ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô gan, ung thư biểu mô vú, ung thư biểu mô phổi, ung thư biểu mô tuyến tụy và các loại ung thư biểu mô liên quan khác.

dinh duong hop ly phong benh ung thu bieu mo
Hình ảnh ung thư biểu mô tế bào vẩy.

Bởi vậy mỗi loại ung thư tế bào riêng sẽ có dấu hiệu nhận biết khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn đã bị mắc ung thư biểu mô sẽ có một số triệu chứng sau:

– Cảm thấy mệt mỏi: Cơ thể của bạn luôn luôn trong trạng thái mệt mỏi, không muốn làm bất cứ việc gì. Hơn nữa triệu chứng mệt mỏi nó diễn ra trong thời gian dài mà bạn không biết nguyên nhân do đâu.

– Chán ăn: Mặc dù rất đói bụng nhưng bạn không hề muốn ăn, cảm giác chán chường thì rất có thể bạn đã có dấu hiệu bị ung thư biểu mô.

– Sụt cân nhanh chóng: Tự dưng vào một ngày bạn nhận ra rằng bản thân mình bị sụt cân quá nhiều và một cách nhanh chóng không hiểu tại sao. Thì bạn phải đến ngay bác sỹ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư biểu mô

Để phòng chống và hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư biểu mô, khi mua, chế biến và sử dụng thức ăn, đồ uống cần lưu ý nắm bắt giá trị dinh dưỡng cũng như lựa chọn các thực phẩm phù hợp:

Hoa quả và rau xanh: Các vitamin A, C, E có trong hoa quả và rau xanh làm giảm nguy cơ ung thư biểu mô dạ dày, ung thư biểu mô thực quản, ung thư biểu mô phổi… thông qua quá trình oxy hóa, chống đột biến gen. Đặc biệt các loại rau thơm và rau gia vị với các thành phần chống oxy hóa (carotene, vitamin C…) và các tinh dầu không chỉ kích thích tiêu hóa mà còn hạn chế và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.

Bên cạnh đó, trong hoa quả và rau xanh chứa nhiều vitamin và chất xơ. Các chất xơ làm hạn chế sinh tế bào ung thư do chúng thúc đẩy nhanh lưu thông ống tiêu hóa, làm giảm thời gian tiếp xúc của các chất gây ung thư với niêm mạc ruột, mặt khác bản thân chất xơ có thể gắn và cố định các chất gây ung thư để bài tiết theo phân ra ngoài cơ thể.

Các loại ngũ cốc nguyên hạt: Theo các công trình nghiên cứu cho thấy bữa ăn hàng ngày có nhiều rau tươi, hoa quả và ngũ cốc nguyên hạt sẽ làm giảm nguy cơ mắc một số loại bệnh ung thư biểu mô. Đó là một chế độ ăn giàu xơ cũng như các sinh tố A và C.

dinh duong hop ly phong benh ung thu bieu mo

Bổ sung rau củ quả giúp phòng ngừa bệnh ung thư biểu mô.

Các lưu ý khi chọn mua thực phẩm:

– Khi mua rau củ quả hãy chọn loại có màu xanh, đỏ, vàng hoặc sẫm màu, có nhiều vitamin A hơn loại có màu nhạt, chú ý quan sát kỹ vỏ ngoài của các loại rau củ quả và nên chọn cửa hàng có uy tín để tránh mua phải thực phẩm có nhiều chất bảo vệ thực vật.

– Gạo không nên sát quá kỹ làm mất giá trị dinh dưỡng của gạo. Gạo lứt có chứa nhiều vitamin B1, chất xơ hơn so với gạo trắng.

– Cần rửa sạch rau quả dưới vòi nước chảy và nếu có thể thì ăn cả vỏ và ăn sống. Tránh dùng thức ăn thừa hâm nóng lại vì thức ăn để lâu dễ gây độc tố. Những điều chú ý đơn giản này sẽ tránh được sự mất đi đáng kể của chất xơ và sinh tố trong thức ăn.

– Hãy vứt bỏ ngay thức ăn bị mốc và hết hạn sử dụng. Các chất gây ung thư có thể có mặt trong lạc, các loại hạt, hạt giống và các loại ngũ cốc khác bị mốc.

– Cần kiểm tra thời gian hạn sử dụng của các thực phẩm.

– Không nên lạm dụng rượu bia, thuốc lá.

Ngoài ra, một yếu tố vô cùng quan trọng mà người nội trợ nên nhớ đó là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống nhiễm các hóa chất gây ung thư trong thức ăn, việc thực hiện chế độ ăn cân đối hợp lý, tránh ăn quá nhiều mỡ, thịt động vật, đồng thời tăng cường tiêu thụ trái cây và rau xanh không chỉ là biện pháp dự phòng bệnh ung thư biểu mô mà còn có thể phòng chống được nhiều bệnh khác.

 

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ban-co-biet-benh-ung-thu-bieu-mo-nguy-hiem-nhu-the-nao-va-cach-phong-tranh-7963.html