Bài 6: Tham vọng vươn ra “biển lớn”, Nutifood có gì trong tay?
Cập nhật lúc: 30/09/2018, 07:00
Cập nhật lúc: 30/09/2018, 07:00
Nutifood có gì trong tay để vươn tầm thế giới?
Tháng 8 năm nay, thị trường cà phê Việt Nam chào đón sự xuất hiện của ông chủ hãng sữa Nutifood với sản phẩm cà phê sữa đá tươi Nuticafé. Hơn 10 năm kinh doanh trong ngành sữa, hình ảnh của Nutifood đã chiếm được một vị trí trong lòng người tiêu dùng. Quyết định lấn sân sang ngách cà phê của Nutifood có thể đánh giá là tín hiệu tốt khi người tiêu dùng sẽ mở ra nhiều cơ hội lựa chọn hơn.
Cũng như rất nhiều doanh nghiệp khác, tham vọng của Nutifood không chỉ dừng lại chiếm lĩnh thị phần ở Việt Nam mà còn mong muốn vươn tầm ra “biển lớn”. Trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch Trần Thanh Hải đã nói: “Tham vọng của Nutifood là muốn bạn bè trên thế giới khi nhắc đến Việt Nam, ngoài phở, áo dài, Vovinam còn có cà phê sữa đá”.
Nuticafé được lựa chọn là “cú đấm thép” đầu tiên giúp Nutifood nuôi dưỡng khát vọng bứt phá ở mốc khởi điểm mới.
Để tự tin vươn ra biển lớn, cà phê sữa đá tươi Nuticafé được lựa chọn là “cú đấm thép” đầu tiên giúp Nutifood nuôi dưỡng khát vọng bứt phá ở mốc khởi điểm mới là con số 0. Nói về lợi thế cạnh tranh của sản phẩm này, Nuticafé được người dùng đánh giá “có vị đắng thơm vừa đủ của cà phê, chút béo ngọt của sữa đặc được đóng gói trọn vẹn trong gói cà phê tiện dụng. Tỷ lệ này nếu không hợp lý thì sẽ không đảm bảo được đúng vị của một ly cà phê sữa đá”.
Theo thông tin mà hãng sữa này đưa ra: “Sản phẩm đầu tiên mà NutiFood phát triển - cà phê sữa đá là sự kết hợp của cà phê rang xay Robusta phối trộn với Arabica, trích ly từng giọt qua phin lọc, kết hợp với sự ngọt béo của sữa đặc, tất cả được khuấy đều cùng những viên đá lạnh đập nhỏ, tạo nên một thức uống đắng thanh, độc đáo đậm chất Việt”.
Chỉ trong hơn 1 tháng xuất hiện trên thị trường Việt Nam, Nutifood thực sự gây một tiếng vang lớn trong cách đi truyền thông đầu tiên của chính mình. Từ việc tạo dựng thương hiệu đến những tuyên bố mạnh mẽ đủ khiến giới truyền thông phải chú ý. Không phải một doanh nghiệp nào cũng đủ tầm để có bước dạo đầu đầy ấn tượng như vậy.
Thế nhưng, khách quan nhìn nhận có thể thấy, Nuticafé vẫn dường như chưa đủ sức hấp dẫn thực sự như chiếc lược marketing đang đưa ra. Ngay từ tên sản phẩm, thông tin nhập nhèm của từ “tươi” khiến người tiêu dùng thông minh phải buộc đặt ra câu hỏi: “Tại sao lại là tươi?” khi tính từ này chưa bao giờ dành cho một sản phẩm đã qua chế biến.
Thông tin nhập nhèm của từ “tươi” khiến nhiều người tiêu dùng đặt dấu hỏi về sản phẩm Nuticafé.
Không những vậy, khi so sánh Nuticafé với một số sản phẩm cà phê sữa đá khác, thành phần dinh dưỡng không hề có sự nổi bật ngoại trừ hương liệu tổng hợp tự nhiên. Người tiêu dùng có quyền đặt ra câu hỏi, thành phần cà phê là thứ yếu, phụ gia là chủ yếu vậy có chăng Nuticafé đang mang trong mình hình ảnh một “bình mới rượu cũ” mà xưa nay trong giới đồ uống dân tình vẫn hay e dè rằng, chỉ cần thêm hương liệu là đã có ngay một sản phẩm mới.
Chia sẻ về hướng đi của mình khi thị trường cà phê đã định hình, vị lãnh đạo Nutifood xác định sẽ tập trung vào phân khúc khách hàng có nhu cầu riêng với sản phẩm này, tức nhóm khách hàng yêu cà phê sữa đá. Nhưng thực tế, không chỉ có Nutifood mà ngay cả các ông lớn như Vinacafé, Nestle hay Trung Nguyên cũng đã tung mặt hàng này ra.
Nếu chỉ nói về điểm mạnh của Nuticafé là tầm nhìn về những sản phẩm cà phê sạch, hữu cơ thì có lẽ… sẽ có rất nhiều dấu hỏi đặt ra. Thế nào là một sản phẩm cà phê sạch, hữu cơ? Chắc người tiêu dùng đều hiểu được một sản phẩm sạch, hữu cơ sẽ nói không với chất phụ gia, chất tổng hợp, chất bảo quản… Một sản phẩm sạch, hữu cơ luôn được tầm soát từ khâu sản xuất đến chế biến. Tuy nhiên, thành phần trong Nuticafé khiến người tiêu dùng khó đặt niềm tin tuyệt đối cho lời giới thiệu về một sản phẩm sạch và hữu cơ.
Chưa kể từ thời điểm ra mắt, sản phẩm Nuticafé vẫn còn xuất hiện rất nhạt nhòa trên các siêu thị và tạp hóa, trái ngược với lời tuyên bố: “Mục tiêu mà Nuticafé đặt ra trong thời gian đầu là sự xuất hiện của cà phê sữa đá tươi Nuticafé ở tất cả điểm bán, từ kênh siêu thị đến các tiệm tạp hóa thông thường, giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm và mua một cách thuận tiện nhất”.
Bài học từ vươn tầm thế giới từ Trung Nguyên
Trung Nguyên và câu chuyện vươn tầm thế giới là bài học lớn và thể hiện sự kỳ vọng của rất nhiều người Việt Nam. Một đế chế cà phê với 22 năm xây dựng, đi từ con số 0 đến sự xoay chuyển cục diện thế chân vạc của những ông lớn cà phê đã gieo mầm khát vọng và những ước mơ của người Việt.
Trung Nguyên đã nhiều lần đặt chân ra nước ngoài, đã xuất khẩu cà phê sang cả quốc gia khó tính như Mỹ. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí cách đây 5 năm, tức là khi Trung Nguyên có 17 năm khẳng định thương hiệu, khi được hỏi “Trung Nguyên có tự tin xuất khẩu sang các nước lớn khác”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ trả lời rằng: “Giờ này, dám ước mơ là được rồi. Nhưng để kiến tạo và hiện thực hóa nó thì chúng ta phải vô cùng tỉnh táo, phải xét trên nhiều chiều, tính toán lại, làm thế nào để có chiến lược đặc sắc, làm thế nào để thực thi thông minh. Lựa chọn đúng rồi nhưng phải thực thi có hiệu quả”.
Câu trả lời tự tin của ông Vũ cũng đủ khiến người đọc hiểu rằng, tự tin là có, ước mơ là không nhỏ nhưng để giấc mơ thành hiện thực không thể một sớm một chiều mà cần một hành trình chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng.
Khi xuất hiện trên thị trường, Trung Nguyên cũng phải đối mặt với thách thức phát triển thương hiệu trong một bàn cờ mà các ông lớn cà phê đã đánh dấu vị trí. Ngay khi thị trường Việt Nam với mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp, Trung Nguyên đã chọn chiến lược phát triển thương hiệu cao cấp với mong muốn hút thị trường trong nước và xuất khẩu.
Và tất yếu, để bước ra “biển lớn”, trước tiên Trung Nguyên cần phải thuyết phục người tiêu dùng nội địa sử dụng sản phẩm của mình cũng như thuyết phục thị trường quốc tế rằng Việt Nam có thể sản xuất những loại cà phê cao cấp và chất lượng không hề thua kém các ông lớn.
Để chinh phục được thị trường mà thế chân vạc đã hình thành khi có Vinacafé, Nestle, Trung Nguyên buộc phải thiết lập một hệ thống phân phối dày dặn. Để rồi rất nhiều năm sau, Trung Nguyên được ví là đế chế còn Đặng Lê Nguyên Vũ khiến báo chí nước ngoài ca ngợi là vua cà phê.
Song điểm lại con đường vươn biển lớn mà Trung Nguyên đang đi, sóng gió vẫn còn phía trước. Sự khẳng định thương hiệu cà phê Việt vẫn còn đang trong thế chòng chành.
Nói về chiến lược ra nước ngoài của mình, Chủ tịch Trung Nguyên từng nói: “Nguyên tắc chinh phục thế giới của Trung Nguyên là không thể áp đặt văn hóa cà phê phin hay cà phê sữa đá... lên bất kỳ một nước nào. Nếu ta có giấc mộng thật sự thì chúng ta nên cung ứng giá trị người tiêu dùng cần chứ không phải là những gì chúng ta có”.
Một đế chế 22 năm xuất hiện và thống trị bàn cờ cà phê Việt, đến nay vẫn còn chưa thực sự khẳng định đã thành công hay chưa khi vươn ra biển lớn thì một doanh nghiệp trái ngành mới xuất hiện hơn 1 tháng liệu có đủ lực để bước ra khỏi thị trường nội địa Việt? Tham vọng của một doanh nghiệp sữa như Nutifood là đáng biểu dương nhưng… có lẽ để một tuyên bố đi vào hiện thực, Nuticafé còn cần nhiều hơn nữa sự chuẩn bị tốt từ việc khẳng định thương hiệu trong nước trước khi bước ra “biển lớn”.
15:56, 26/09/2018
07:57, 24/09/2018
00:21, 19/09/2018
09:56, 17/09/2018