18/01/2025 | 20:05 GMT+7, Hà Nội

Bài 3: Những lời nói không vô tình giữa đại dịch...

Cập nhật lúc: 23/04/2020, 17:20

Kì thị trong chống dịch Covid-19 không chỉ là sự yêu ghét hay đề phòng, cảnh giác của mỗi cá nhân. Sự xa lánh, nghi ngại với những người xung quanh chẳng những khiến cho văn hóa ứng xử giữa người với người đi xuống...

Kì thị trong chống dịch Covid-19 không chỉ là sự yêu ghét hay đề phòng, cảnh giác của mỗi cá nhân. Sự xa lánh, nghi ngại với những người xung quanh chẳng những khiến cho văn hóa ứng xử giữa người với người đi xuống mà còn làm khó thêm cho công tác dập dịch.

Khi đại dịch là nỗi lo chung

Chị Hiền (ở Hà Đông, Hà Nội) phàn nàn chưa năm nào mình “vất vả” như năm nay. Đầu năm, khi quê nhà Vĩnh Phúc của chị có ổ dịch Sơn Lôi, dù đã thanh minh, trình bày rất nhiều lần là về đón Tết ở quê chồng tận Nghệ An nhưng chị vẫn vấp phải những ánh nhìn khó chịu của người xung quanh.

Đầu tiên là những khi chị dắt con ra ngõ chơi, hàng xóm người nọ nhìn người kia đồng loạt lôi xềnh xệch con mình lập tức về nhà. Họ đóng sầm cửa trước mặt chị. Tiếng những đứa trẻ con không được chơi với nhau khóc lóc ầm ĩ càng làm chị thêm chạnh lòng, buồn tủi.

Nhiều ngày như thế, cứ thấy bóng dáng chị là cả xóm không ai bảo ai đều quay lưng. Thậm chí, người ta còn nói to với nhau những tin tức thời sự từ ổ dịch Sơn Lôi như có bao nhiêu người mắc, do bệnh nhân này, bệnh nhân kia “vô dạng” không chịu cách ly làm lây lan khổ người khác.

Từng câu, từng chữ với thái độ dè bỉu, xa lánh của hàng xóm như những mũi kim vô tình mà đâm xuyên vào lòng chị.

Không những thế, khi các con muốn chạy sang hàng xóm chơi, chị Hiền cũng mất nhiều thời gian để kiên trì, giảng giải không nên sang, nhỡ bị đuổi về thì sẽ khiến chúng tổn thương. Trẻ con nào đã biết kì thị là gì, chỉ có người lớn với sự ích kỉ, thiếu tế nhị đã làm hoen ố tâm hồn chúng.

Trong khi đó, lên công ty làm việc chị Hiền lại càng phẫn nộ hơn. Dù cẩn thận đo nhiệt độ, súc miệng, rửa tay xà phòng nhiều lần, bản thân không có biểu hiện của bệnh cũng không tiếp xúc với người từ vùng dịch nhưng chị vẫn bị đồng nghiệp xì xào, giữ khoảng cách.

Dù không đi lại vùng dịch nhưng nhiều người vẫn bị kì thị vì có quê hay người nhà ở đó

Có người còn bắt chị khai báo lịch trình đi lại, cam kết không về quê. Chị chỉ biết ứa nước mắt khi đồng nghiệp ngồi “nói bóng nói gió” với nhau là “chọn công việc hoặc chọn quê, không thể có hai thứ cùng lúc trong mùa dịch này được”. Theo đó, họ cũng nói thẳng với chị là nếu có về quê thì ở luôn đấy, đừng lên Hà Nội, đừng đi làm nữa.

“Nín thở” cho đến lúc Sơn Lôi “sạch bóng quân thù”, được khôi phục danh dự rồi, chị Hiền tưởng “thoát nợ”. Ai dè, vừa về thăm bố mẹ và các em sau nhiều tháng xa cách thì chị lại bị hàng xóm ở quê sang… hỏi thăm.

“Con gái ông bà ở Hà Nội về đấy à? Nhà ở quận nào, thời gian vừa rồi có đi nước ngoài nước trong gì không?”. Đấy là lúc bệnh nhân số 17 vừa được phát hiện. Chị Hiền chỉ biết… cười thảm, mong sao dịch bệnh nhanh chóng qua đi chứ không bệnh thì cũng ốm bởi sự “tra tấn tinh thần” này.

“Vẫn biết rằng, khai báo y tế là cần thiết, cảnh giác, đề phòng các nguồn bệnh từ mọi nơi đổ về cũng là điều nên làm; yêu cầu những người xung quanh mình thành thật, không để ảnh hưởng đến cộng đồng cũng rất chính đáng. Tuy nhiên, nếu làm quá lên, tổn hại đến tinh thần và sức khỏe người khác thì rất khó chịu. Mọi người nên đặt mình vào hoàn cảnh bị kì thị sẽ thấy không dễ chịu chút nào”, chị Hiền tâm sự.

Chị Thương (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cũng dở khóc dở cười vì mấy tháng nay gửi con về quê ở Bắc Ninh. Khi dịch bệnh bùng phát ở ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, không hiểu sao người làng biết nhà chị gần đó. Khi chị vừa về thăm con, họ đã rắc vôi bột ngay ở cổng. Bố mẹ và các con chị hễ đi ra khỏi nhà đều bị những ánh mắt dò xét đuổi theo.

Bây giờ thì hàng xóm của chị ở Hà Nội ngày nào cũng hỏi thăm: “Có về Bắc Ninh thăm con không? Về thì đừng ra đây nữa khéo lại ảnh hưởng đến chúng tôi nhé, xóm toàn người già với trẻ con…”.

Rõ ràng, dịch bệnh là nỗi lo lắng chung. Nó không chừa ai, rất có thể những người trong chúng ta mắc hoặc trở thành nguồn lây nhiễm, đừng “cười người trước phút sau người cười”, chị Thương chua chát nói.

Ứng xử văn hóa, chống dịch hiệu quả

Trường hợp chị Thương, chị Hiền không phải là hiếm tại Hà Nội trong những ngày này. Còn khá nhiều người khác, có thể ngay cả chúng ta cũng đôi lần bị rơi vào “vòng nghi vấn” như vậy.

Có trở thành người “trong tầm ngắm” mới thấy đôi khi thái độ, lời nói không phải là dao nhưng cũng khiến người phải lãnh chịu đau đớn, bực bội và tổn thương như thế nào. Những người mang tâm lý cảnh giác quá cao, đề phòng rồi phán xét, kì thị người khác không hề biết rằng, bằng sự cư xử thiếu tế nhị, thậm chí sỗ sàng, thiếu văn hóa chẳng những khiến người khác chạnh lòng mà làm cho công tác dập dịch càng trở nên khó khăn hơn.

Ngay từ những ngày đầu Sơn Lôi thành ổ dịch, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đã nhận định: “Không ai muốn là người bị nhiễm virus SARS-CoV-2, bất kỳ ai cũng đều muốn được sống khỏe mạnh. Người Vĩnh Phúc cũng vậy, không ai muốn mang trên mình bệnh tật.

Khi bị kì thị, dò xét của cộng đồng, họ sẽ che giấu dịch bệnh, không khai báo dịch tễ, quê quán, lịch trình đi lại… Chắc chắn lúc đó, nguy cơ lan truyền dịch bệnh và phòng, chống dịch trở nên rất khó khăn. Đây là manh nha của sự bất ổn về tư tưởng”.

Người Hà Nội giữ đúng khoảng cách khi nhận thực phẩm miễn phí

Thực tế cho thấy thời gian đã có khá nhiều người vì sợ kì thị, sợ cách ly mà gian dối, không khai báo y tế khi về nước, vẫn tiếp xúc với nhiều người ngay cả khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở… Điều đó đã khiến dịch bệnh cứ tạm lắng được vài ngày thì lại có một đợt mới bùng lên.

Từ một người lây cho nhiều người khác, khiến cho cả phường, cả thôn phải phong tỏa, bao nhiêu người khác phải cách ly tập trung. Kéo theo đó, lực lượng chức năng phải gồng mình lên để xử lý. Hàng ngàn y, bác sĩ phải vào vùng dịch để thực hiện nhiệm vụ. Bao nhiêu người khác cũng vì thế mà phải xét nghiệm.

Trong khi đó, các hoạt động xã hội tại vùng có dịch cũng bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và tinh thần người dân. Của cải vật chất, thời gian công sức của Nhà nước, tập thể, cá nhân theo đó mà hao tổn không thể tính đếm nổi.

Rộng hơn nữa, khi còn có dịch, còn có nguồn lây nhiễm đe dọa đến an toàn, tính mạng của cả cộng đồng thì cả nước đã phải thực hiện giãn cách xã hội. Nhà nước đã làm rất tốt công tác chống dịch, số ca mắc của chúng ta thấp, không có trường hợp tử vong.

Còn ở nhân tâm, điều này khó kiểm soát hơn khi “mỗi người một phách”. Một mặt chúng ta mong hết dịch nhưng mặt khác chúng ta lại kì thị những người xung quanh để việc dập dịch cứ phải chạy vòng quanh, đuổi theo thì ngày càng mệt mỏi và nan giải.

Vì thế, mong hết dịch không phải là ước ao của một cá nhân nào mà còn là nỗ lực của cả tập thể. Khi không thể làm gì để chống dịch, chúng ta hãy ngồi yên, yên cả về trạng thái cơ thể và tâm lý. Có như thế mới giảm triệt để tất cả các mối nguy cơ có thể làm dịch bệnh bùng phát, khó kiểm soát.

(Còn nữa)