22/11/2024 | 13:12 GMT+7, Hà Nội

Bài 2: Dự án xây trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội “đắp chiếu” trơ trụi!

Cập nhật lúc: 07/01/2016, 16:17

Dù giới thiệu dự án có quy mô đào tạo hàng chục ngàn sinh viên mỗi năm nhưng nay trụ sở trường ĐH Tài Chính – Ngân hàng Hà Nội vẫn bỏ hoang không một bóng người.

Dự án xây trường bỏ hoang!

Theo như lời giới thiệu, quảng bá tại Website của ngôi trường này thì cơ sở I nằm tại xã Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) có diện tích 11 ha đất. Các hạng mục công trình của Trường đang được triển khai thi công và đưa vào hoạt động trong năm 2015.

Thế nhưng đến nay, dự án xây dựng trường được UBND TP Hà Nội chấp thuận, bàn giao vẫn đắp chiếu, bỏ hoang.

Đường vào dự án này

Lần theo địa chỉ được giới thiệu, phóng viên báo Gia đình Việt Nam đã trực tiếp về xã Tiền Phong để “mục sở thị” tại ngôi trường này. Tuy nhiên thay vì như lời quảng bá là cơ sở có “quy mô tầm cỡ”, đưa vào hoạt động kể từ 2015 thì nay nó chỉ là bãi đất trống trơ trụi, hoang tàn đến khó hiểu. 

Đặc biệt để đến được dự án của trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội, phóng viên cũng “loay hoay” mất gần một buổi, bởi nhiều người dân địa phương cũng không biết ở đây lại có trường đại học này. 

Dự án xây dựng trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội vẫn bỏ hoang, không một bóng người

Khi chúng tôi tiếp cận được dự án, hỏi nhiều người dân ở đây họ cũng tỏ ra bất bình trước việc thu hồi đất của dân rồi lại bỏ hoang. Bà H. một người trồng cải ngay bên cạnh dự án cho biết: “Từ lúc có biển Ban quản lý dự án Trường ĐH Tài chính – Ngân hàng Hà Nội đến nay đã hơn 5 năm. Thế nhưng bao lâu nay vẫn thế, chúng tôi không hề thấy họ “rục rịch” triển khai gì cả”.

Theo bà H, hiện trạng dự án vẫn là một bãi đất trống. Người dân đang trồng rau màu, chăn thả bò ở đó. Thêm nữa, dự án “đắp chiếu” lâu năm càng trở nên hoang tàn, hiu quạnh.

 Sự trơ trụi đến khó hiểu của dự án xây trường được thành phố Hà Nội bàn giao

Khi được hỏi về sự tồn tại của ngôi trường đại học ở địa phương, ông N. (Phương Huy, Tiền Phong, Mê Linh) phân trần: “Trước đây tôi có nghe mọi người giới thiệu rất hoành tráng, nhưng đến nay sau 5 năm dự án này vẫn là một bãi hoang mà thôi. Thú thực, giờ tôi nhìn thấy đất bỏ hoang thế cũng xót. Nếu như TP Hà Nội đã giao đất mà nay dự án không thực hiện được thì phải cho thu hồi, trả lại đất cho dân canh tác, chứ giữ đất không làm gì thì phí quá!”.

 Để tránh sự lãng phí nhiều người dân yêu cầu TP Hà Nội cho thu hồi diện tích dự án này khi không được triển khai

Theo quan sát của phóng viên, dự án trường đại học này nằm cạnh dự án Khu đô thị Cienco 5. Hiện tại dự án chỉ có 1 dãy nhà cấp 4 khoảng 3 phòng nhỏ có biển hiệu ghi bên ngoài là Ban quản lý dự án trường ĐH Tài chính Ngân hàng Hà Nội. Bên cạnh ngôi nhà này là một đoạn mái tôn nối với nhà vệ sinh. Còn toàn bộ mảnh đất đang là nơi trồng rau màu, và cây cỏ um tùm.  Không hề thấy KTX, giảng đường hay bất kỳ một sinh viên nào ở đây cả.

Đào tạo có đúng quy định?

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Gia đình Việt Nam, trong khi dự án xây dựng cơ sở vật chất ngôi trường này đang “đắp chiếu” thì hiện Trường ĐH Tài Chính - Ngân hàng Hà Nội đang giảng dạy cho hàng ngàn sinh viên tại trụ sở của công ty con trực thuộc Tổng công ty cầu Thăng Long (CTCP) có địa chỉ tại 134 - 136 - 138 - đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh (Quận Bắc Từ Liêm - TP. Hà Nội).

Chính từ việc đào tào, giảng dạy đó lập tức được nhiều người lên tiếng cho rằng, ngôi trường này đang “ăn xổi” vì đào tạo sinh viên khi chưa xây trụ sở. Đồng thời đang đào tạo sinh viên trong một không gian chật hẹp, không đúng với quy định của giáo dục đại học.

Và đây là nơi đang được trường ĐH này thuê đào tạo cho sinh viên

Nhiều người còn đặt câu hỏi, liệu cơ sở đi thuê này có được phép làm cơ sở đào tạo sinh viên theo quy chuẩn của ngành giáo dục mà trong các văn bản của Chính phủ và Bộ GD & ĐT quy định hay không?

Bởi theo văn bản số 64/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 cuả Chính phủ, khi thành lập  trường ĐH phải có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính không dưới 05 ha và đạt bình quân ít nhất 25m2/sinh viên tại thời điểm trường có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển; có cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giảng viên cơ hữu, nhất là giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên đáp ứng yêu cầu hoạt động của nhà trường.

Nhiều người còn đặt câu hỏi, liệu cơ sở đi thuê này có được phép làm cơ sở đào tạo sinh viên theo quy chuẩn của ngành giáo dục mà trong các văn bản của Chính phủ và Bộ GD & ĐT quy định hay không?

Địa điểm xây dựng trường đại học phải bảo đảm về môi trường giáo dục, an toàn cho người học, người dạy, người lao động trong nhà trường…

Như vậy, đối chiếu quy định với thực tế thì thấy rằng trường Đại học Tài chính – Ngân hàng  Hà Nội đang “lộ” ra nhiều vấn đề bất cập trong công tác đào tạo? Đặc biệt, với dự án được chấp thuận và bàn giao địa điểm xây dựng trường tại địa bàn huyện Mê Linh khi không được triển khai, vậy UBND thành phố Hà Nội sẽ xử lý thế nào?. 

Kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ

Thời gian qua, TP Hà Nội đã xử lý nhiều dự án được giao đất nhưng chậm triển khai hoặc sử dụng sai mục đích để trục lợi.

Theo đó thông qua nhiều cuộc họp UBND TP. Hà Nội thống nhất: Sẽ kiên quyết thu hồi toàn bộ các dự án triển khai chậm trên địa bàn Thủ đô. Những dự án thuộc diện bị thu hồi này gồm: dự án triển khai chậm so với tiến độ, dự án không triển khai và dự án không có khả năng triển khai.

Trước thực trạng này, từ năm 2009 đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi đất đã giao đối với 60 tổ chức, với tổng diện tích gần 1.800ha, trong đó 32 dự án đã thu hồi quyết định giao đất, thu hồi trên thực tế. Riêng sáu tháng đầu năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra 33 đơn vị được giao đất, xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng và làm thủ tục trình UBND thành phố ra quyết định thu hồi hơn 15.000 m2 đất sai phạm.

Mới đây Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã giao Sở Xây dựng phân loại dự án theo các giai đoạn để đánh giá, phân tích và đưa ra đề xuất cụ thể, đồng thời kiến nghị xử lý các dự án có dấu hiệu vi phạm.

Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất biện pháp xử lý các dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch chi tiết, nhưng chủ đầu tư chậm triển khai. Quan điểm của thành phố là kiên quyết thu hồi dự án đối với các chủ đầu tư cố tình trì hoãn, chậm triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án.