20/01/2025 | 02:53 GMT+7, Hà Nội

Bác sĩ BV tâm thần lý giải bản chất trầm cảm sau sinh và mầm mống bi kịch gia đình

Cập nhật lúc: 11/09/2018, 11:00

Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng rất lớn đến tâm, sinh lý của người sản phụ. Có 2 trạng thái mà các chuyên gia tâm lý đặc biệt lo lắng với căn bệnh này, đó là tự làm hại bản thân mình hoặc làm hại chính con của họ

Với những người phụ nữ từng trầm cảm, khi nhớ lại quãng thời gian mắc bệnh, đôi khi họ không hiểu tại sao mình muốn chết và giết con?! 

Hình ảnh liên quan đến vụ việc người mẹ trẻ bị trầm cảm giết hại đứa con 33 ngày tuổi

Hình ảnh liên quan đến vụ việc người mẹ trẻ bị trầm cảm giết hại đứa con 33 ngày tuổi 

 

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển - Trưởng khoa khoa T3 - Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh chia sẻ, bác sĩ từng gặp 3 ca phụ nữ trầm cảm sau sinh đến bệnh viện điều trị. Trong đó, có 2 ca có ý định giết con, một ca định tự sát cả mẹ lẫn con. May mắn, tất cả những trường hợp kể trên đều kịp thời được người nhà phát hiện.

“Tất cả bọn họ đều bị bệnh sau sinh con khoảng 3 - 6 tháng. Có trường hợp, người phụ nữ khi đi đò ngang sông, tự nhiên chị này xuất hiện ý định quăng con xuống sông, nhưng lúc đó, cô này kịp trấn tỉnh, đưa con cho mẹ ẵm.

Trường hợp khác, chị này thú nhận với bác sĩ là đã từng có ý định lấy chiếc gối úp lên mặt con trong khi bé quấy khóc. 

Trường hợp thứ 3, đó là người phụ nữ trầm cảm nặng, định ôm con nhảy lầu cao từ toà nhà chung cư”, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển chia sẻ.

Trước đó, sáng ngày 21/7/2018, cộng đồng bàng hoàng với câu chuyện một người phụ nữ nghi trầm cảm sát hại con và cháu mình. Tối đó, khoảng 19 giờ 30 phút, người dân sinh sống tại khu đô thị T.H phát hiện một phụ nữ (sinh năm 1985) có ý định tự tử nên can ngăn.

Chị luôn miệng nói “tôi giết con tôi rồi!”. Sau đó, khi đưa được chị xuống nhà, mọi người phát hiện hai cháu bé gồm một trai, một gái bị thắt cổ và đã tử vong.

Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng rất lớn đến tâm, sinh lý của người sản phụ. Có 2 trạng thái mà các chuyên gia tâm lý đặc biệt lo lắng với căn bệnh này, đó là tự làm hại bản thân mình hoặc làm hại chính con của họ. Ở trường hợp thứ 2, sau khi sát hại con, phần lớn các bà mẹ đều tự sát. 

Theo bác sĩ lí giải, cơ cấu sinh lý như kinh nguyệt, chửa đẻ, mãn kinh, vô sinh… của phụ nữ khiến cho họ dễ dẫn đến nguy cơ trầm cảm. Do biến đổi nồng độ hormon, đặc biệt là estrogen gây ra rối loạn tâm thần, hành vi của phụ nữ sau sinh. 

 

Bệnh thường xuất hiện trong khoảng 6 tuần sau đẻ, có người sớm hơn, chỉ sau sinh 3 – 4 ngày, có người muộn hơn, thường vào khoảng 3 tháng.

Ngoài ra, bác sĩ nhấn mạnh, giấc ngủ là nhân tố rất quan trọng nhưng thường bị bỏ qua. Khi cơ thể người mẹ sinh ra, khoang bụng tổn thương và cần thời gian phục hồi. Lúc đó, nội tiết, tế bào mỏng manh, chỉ ăn ngủ đủ, hạnh phúc, cơ thể mới sinh ra hormon cân bằng và hồi phục vùng tổn thương.

Thế nhưng, rất nhiều bà mẹ vì quá thương con nên thức chăm con, bỏ qua giấc ngủ. Đồng thời, cộng kèm các lo lắng, rắc rối về chăm sóc trẻ nhỏ, các bà mẹ tự sinh ra áp lực cho chính mình. 

Hay ở một số người, do gia đình luôn trong trạng thái căng thẳng, gặp phải biến cố lớn trong cuộc sống cũng có thể mắc bệnh.

Bác sĩ nhấn mạnh, sự nguy hiểm của bệnh còn đến từ chính đặc tính của nó. Trầm cảm sau sinh đến từ từ, cảm giác tiêu cực xâm nhập sản phụ, đến khi bệnh nhân không thể hiểu mình mất kiểm soát từ bao gờ. 

 

Dấu hiệu bệnh trầm cảm sau sinh sẽ có cảm xúc bất ổn như dễ khóc, dễ cáu gắt, khóc… và mất ngủ. Hoặc một số người bị rối loạn ăn uống như ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít…

Nó khác nhiều với stress, người bệnh có thể kiểm soát được hành vi của mình còn người trầm cảm sau sinh không điều khiển được hành vi. 

Khi bệnh nặng, những phụ nữ trẻ có thể đột ngột xuất hiện những cơn hoảng sợ, luôn thấy bất an nên tấn công người khác. Vì thế, giai đoạn bệnh này, phụ nữ có thể gây nguy hiểm với con. Chính vì thế, các sự việc mẹ giết con đau lòng có cơ hội xảy ra.

Bác sĩ cũng cho biết, với trầm cảm, các triệu chứng có thể kéo dài dai dẳng sau hơn một năm hoặc trở thành tâm thần phân liệt nếu không được điều trị đúng cách.