19/01/2025 | 13:10 GMT+7, Hà Nội

Ba yếu tố thuận lợi khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Cập nhật lúc: 31/12/2023, 10:26

Vị trí địa lý, văn hóa tương đồng và nhu cầu sử dụng nông sản cao chính là những yếu tố thuận lợi để Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Với dân số 1,4 tỷ dân, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nông sản của Trung Quốc là khá lớn. Đây là thị trường đầy tiềm năng cho các mặt hàng nông sản Việt Nam.

Giá trị xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đạt 11,1 tỷ USD

Theo Bộ NN-PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 11 tháng năm 2023 của Việt Nam đạt 47,84 tỷ USD, riêng giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 11,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 23,2% tổng giá trị xuất khẩu.

Thực hiện cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN, đến nay, Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có nông sản trái cây tươi mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn này.

Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc đã cấp phép cho 14 mặt hàng rau quả của Việt Nam là: nhãn, vải, xoài, thanh long, dưa hấu, chuối, chôm chôm, mít, thạch đen, măng cụt, sầu riêng, chanh leo, ớt, khoai lang.

Có trên 800 cơ sở chế biến thủy sản, 57 cơ sở đóng gói thủy sản sống, trong đó có 46 cơ sở đóng gói cua, tôm hùm sống; có 128 loại sản phẩm và 48 loài thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Văn hóa tương đồng là một lợi thế trong xuất khẩu nông sản

Việt Nam là quốc gia giáp biên giới với Trung Quốc với 1.450 km đường biên. Trong đó có 76 cửa khẩu và lối mở để giao thương nông sản, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa.

Vị trí địa lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Bàn về vấn đề này, ông Đặng Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mega A, Tổng Giám đốc Mega A Logistics cho rằng, Việt Nam miền Bắc có cảng Hải Phòng rất gần với Trung Quốc, miền Trung có cảng Quy Nhơn, cảng Đà Nẵng, phía Nam có cảng Cái Mép và cảng Cát Lái, những cảng biển trên của Việt Nam chịu trách nhiệm xuất khẩu sản phẩm nông sản, thủy sản sang Trung Quốc. Từ đó, cho thấy về vị trị địa lý, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi cho quá trình lưu thông hàng hóa và xuất khẩu nông sản sang thị trường này.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc đều tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện các nước ASEAN (RCEP). Với Việt Nam, Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Khi tham gia Hiệp định RCEP, các nước thành viên sẽ được tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Do vậy, Hiệp định RCEP dự kiến sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên, trong đó có Trung Quốc.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN-PTNT nhận định, Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên tổ chức thương mại thế giới WTO. Bên cạnh đó Việt Nam và Trung Quốc cùng kí kết tham gia Hiệp định đối tác chiến lược kinh tế toàn diện các nước ASEAN (RCEP). Đây được coi là bước đệm để Việt Nam thuận lợi xuất khẩu nông sản sang thị trường 1,4 tỷ dân này.

Trung Quốc có nhiều dịp lễ lớn và có văn hóa tặng quà biếu giống Việt Nam, do đó thị trường Trung Quốc sẽ tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến. Hiện nay, Việt Nam đã có 14 mặt hàng trái cây và nông sản tươi xuất sang thị trường Trung Quốc. Đây là một tín hiệu rất mừng vì Trung Quốc muốn sử dụng sản phẩm của Việt Nam thì sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm của Việt Nam có thể vào được thị trường Trung Quốc.

Chia sẻ về tầm quan trọng của yếu tố văn hóa trong xuất khẩu nông sản, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN-PTNT cho biết, văn hóa tiêu dùng cũng như thói quen sử dụng sản phẩm hàng ngày của Việt Nam với Trung Quốc khá tương đồng. Chúng ta có thể thấy trong thời gian gần đây, tầng lớp trung lưu chiếm tỷ lệ khá lớn ở Trung Quốc với khoảng trên 400 triệu dân. Đây là tầng lớp quan tâm sử dụng sản phẩm nông sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn sức khỏe. Văn hóa tương đồng và nhu cầu sử dụng nông sản cao của Trung Quốc chính là tiền đề để Việt Nam xuất khẩu mặt hàng nông sản sang thị trường này.

Cùng với những yếu tố thuận lợi trên thì những rào cản phi thuế quan, cụ thể là yêu cầu về chất lượng nông sản nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc cực kì nghiêm ngặt. Ngoài ra, tại thị trường 1,4 tỷ dân, nông sản Việt cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các mặt hàng nông sản đến từ Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Campuchia.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/ba-yeu-to-thuan-loi-khi-xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc-d373001.html