19/01/2025 | 11:57 GMT+7, Hà Nội

Bà Rịa – Vũng Tàu: Bùng nổ nhu cầu tìm kiếm bất động sản sau dịch

Cập nhật lúc: 08/12/2021, 06:15

Trong vài tháng trở lại đây, số lượng người quan tâm và tìm kiếm thông tin về thị trường bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng vọt so với tháng trước đó.

Theo dữ liệu thống kê của Remaps.vn trong tháng 11, số lượng người quan tâm và tìm kiếm thông tin về bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng gấp đôi so với tháng trước đó. Cụ thể, trong tháng 11, có đến 887.760 người quan tâm đến thị trường bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó, Châu Đức dẫn đầu với số lượng người quan tâm lên đến 377.317 người, chiếm gần 38%. Kế tiếp là Xuyên Mộc, Phú Mỹ, Đất Đỏ, TP Bà Rịa…

Xu hướng này cũng đang duy trì với các website chuyên về bất động sản. Báo cáo nghiên cứu thị trường tháng 10/2021 của Batdongsan.com.vn cho thấy, hậu giãn cách xã hội, hoạt động giao dịch bất động sản trên cả nước có xu hướng sôi động trở lại. Đặc biệt, việc dịch bệnh được kiểm soát tích cực khiến mức độ quan tâm nhà đất tại nhiều tỉnh thành phía Nam bùng nổ.

Cụ thể, trong tháng 10/2021, nhu cầu giao dịch đất nền, nhà phố khu vực TP.HCM và các tỉnh vệ tinh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng trên 50% so với tháng trước đó. Trong đó, Bà Rịa – Vũng Tàu là thị trường đứng đầu về thu hút người mua đất nền, nhà phố với mức tăng ấn tượng nhất tới 73%.

Lý giải cho việc nhu cầu tìm kiếm bất động sản tại Bà Rịa – Vũng Tàu tăng vọt sau giãn cách, các chuyên gia cho rằng, lực đẩy hạ tầng, dự án lớn và chủ trương đầu tư là nguyên nhân khiến bất động sản khu vực này được quan tâm.

Nhu cầu tìm kiếm và quan tâm đến thị trường bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng gấp đôi so với tháng trước, theo dữ liệu từ Remaps
Nhu cầu tìm kiếm và quan tâm đến thị trường bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng gấp đôi so với tháng trước, theo dữ liệu từ Remaps

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/9/2021, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang xếp thứ 4, với tổng số vốn đăng ký gần 33 tỷ USD. Tuy nhiên, triển vọng từ thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với Tập đoàn Quantum (Mỹ), trong khuôn khổ chuyến công du Mỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hồi cuối tháng 9/2021, có thể thay đổi cục diện.

Theo đó, Quantum cam kết đóng góp cho quá trình xây dựng, phát triển Việt Nam mà tới đây là chuỗi các dự án có tổng giá trị khoảng từ 20 - 30 tỷ USD. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa bàn trọng điểm mà tập đoàn mong muốn đầu tư nhiều dự án như: Nhà máy điện Long Sơn (trị giá khoảng 5 tỷ USD), các dự án đầu tư hạ tầng với tầm nhìn dài hạn như cảng Long Sơn, tuyến đường sắt từ Vũng Tàu kết nối Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM…

Những dự án lớn này có thể đưa tổng vốn đầu tư FDI tại Bà Rịa - Vũng Tàu vươn lên thứ 2 cả nước, vượt qua Bình Dương và Hà Nội, chỉ xếp sau TP.HCM (hiện đã thu hút hơn 49 tỷ USD vốn FDI).

Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, các nhà đầu tư của Liên minh châu Âu bày tỏ mong muốn đầu tư gần 1 tỉ USD ở vào Trung tâm logistics Cái Mép Hạ. Các nhà đầu tư cho biết dự án có thể đón tàu container trọng tải lớn để đưa hàng hoá Việt Nam ra thế giới. Cụm cảng Cái Mép nhiều năm gần đây liên tục nằm trong nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam và EU đang thúc đẩy giao thương, khi EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2021.

Cơ hội vươn lên để thu hút vốn FDI của tỉnh này cũng được thúc đẩy nhờ tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vừa được Thủ tướng chấp thuận đầu tư. Tuyến cao tốc này cùng với sân bay Long Thành hợp lực với Cảng nước sâu Cái Mép - cửa ngõ giao thương với thế giới, là những lợi thế cạnh tranh cho Bà Rịa - Vũng Tàu, về chi phí logistic.

Xu hướng đầu tư các khu công nghiệp gần cảng biển để giảm chi phí logistic càng thể hiện rõ khi mới đây 5.700ha khu công nghiệp, được đề xuất bổ sung ở huyện Châu Đức, liền kề cảng Cảng nước sâu Cái Mép. Diện tích này chiếm gần 60 % trên tổng diện tích quy hoạch khu công nghiệp bổ sung của tỉnh là 9.743ha.  

Tập đoàn Amata (Thái Lan) trước đó cũng đề xuất nghiên cứu đầu tư khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ 3.800ha tại xã Cù Bị, huyện Châu Đức. Trong văn bản này, Amata cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lý do là bởi tỉnh có tiềm năng mở rộng đầu tư phát triển khu công nghiệp với vị trí thuận lợi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, chỉ cách TP.HCM khoảng 100 km, lại có hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế, các tuyến cao tốc quốc gia, giao thông đường bộ liên vùng được quy hoạch đồng bộ và đang dần được đầu tư phát triển.

Được biết, Bà Rịa - Vũng Tàu là khu vực đầu tàu kinh tế của Việt Nam, đóng góp đến 33% GDP của cả nước. Năm 2020, tỉnh này cũng đứng đầu cả nước về GRDP bình quân đầu người. Với lợi thế giáp biển và hệ thống cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, tỉnh này được xác định là cửa ngõ vươn ra biển lớn của khu vực Đông Nam Bộ và của Việt Nam, hội nhập trực tiếp với các tuyến biển xuyên đại dương.

Đây cũng là một trong số ít các địa phương ghi nhận làn sóng đầu tư tăng trưởng mạnh, bất chấp dịch bệnh Covid-19. Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong 8 tháng đầu năm 2021, tỉnh có 39 dự án đầu tư được cấp mới, trong đó, có 11 dự án FDI và 28 dự án trong nước. Tổng vốn thu hút hơn 945 triệu USD, đạt hơn 150% kế hoạch năm, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2020.  

Nguồn: https://reatimes.vn/ba-ria-vung-tau-bung-no-nhu-cau-tim-kiem-bat-dong-san--20201224000008652.html