19/01/2025 | 02:36 GMT+7, Hà Nội

Ảnh hưởng từ dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp giảm 3,1% cùng kỳ

Cập nhật lúc: 29/05/2020, 11:17

Tổng cục Thống kê cho biết, do ảnh hưởng từ dịch Covid19, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 5/2020 tăng 11,2% so với tháng 4 nhưng vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Tổng cục Thống kê, trước tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cả nước bước sang giai đoạn vừa phòng, chống dịch bệnh vừa khôi phục và phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất công nghiệp đã có tín hiệu tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2020 đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước mặc dù vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1%, là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua.

Ảnh minh họa

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 ước tính tăng 11,2% so với tháng trước và giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 13%; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 2%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,3%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 2,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,9%), đóng góp 2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 8,1%, làm giảm 1,3 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn, từ đó gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất công nghiệp. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước:

Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 36,5%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 16,4%; sản xuất xe có động cơ giảm 16,3%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 15,6%; sản xuất đồ uống giảm 14,6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12%;

Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 8,3%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 6,9%; sản xuất trang phục giảm 6,7%; sản xuất thiết bị điện giảm 5,2%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 3,5%; sản xuất kim loại giảm 2,2%; dệt tăng 0,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 0,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 2,4%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,3%.

Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 5 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 25,9%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,9% (sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 13,8%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 9,1%; khai thác quặng kim loại tăng 7,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 6,6%; khai thác than tăng 5,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 6,7%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 5 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 26,9%; đường kính giảm 25,4%; bia giảm 24,5%; xe máy giảm 15,6%; dầu thô khai thác giảm 13,7%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 11,4%; khí hóa lỏng LPG giảm 10,9%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 10,4%; sắt thép thô giảm 9,7%; quần áo mặc thường giảm 8,2%; giày, dép da giảm 6,7%; điện thoại di động giảm 5,4%; thức ăn cho gia súc giảm 5,3%; thép cán giảm 4,7%; tivi các loại giảm 3,1%.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Linh kiện điện thoại tăng 18,1%; bột ngọt tăng 13,1%; thép thanh, thép góc tăng 12,1%; phân ure tăng 11,3%; xăng dầu các loại tăng 10,7%; thuốc lá điếu tăng 6,6%; than sạch tăng 5,8%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/5/2020 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,7% so với cùng thời điểm năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 2,2%), trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,9%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 2,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 1,3%.

Tại thời điểm trên, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 0,6% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo giảm 1,8%; sản xuất và phân phối điện không đổi; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 1,2%.