28/03/2024 | 18:47 GMT+7, Hà Nội

An toàn Covid-19 trong các Khu công nghiệp: Muộn còn hơn không

Cập nhật lúc: 28/05/2021, 06:30

Nếu không phải là bởi sự xuất hiện hàng loạt những ca lây nhiễm với tốc độ khủng khiếp như tại Bắc Giang đợt dịch này, thì có lẽ mấy chữ “An toàn Covid-19 trong các khu công nghiệp” vẫn bị xem nhẹ...

Chuyện phòng dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp (KCN) hiện nay hoàn toàn có thể được xem là chuyện “nước đến chân mới nhảy”. Thế nhưng, “muộn còn hơn không”, với diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh, việc bảo đảm an toàn tại các KCN đã là chuyện không thể chần chừ, qua quýt.

1. Tới tận thời điểm này, kể từ ca nhiễm khởi phát ngày 8/5 tại KCN Vân Trung, huyện Việt Yên - KCN lớn nhất của tỉnh Bắc Giang - Bắc Giang vẫn là “tâm dịch” nóng nhất cả nước với trên 1.400 bệnh nhân dương tính Covid-19, bằng 1/4 số ca mắc cả nước. Chỉ nói con số mới nhất: Ngày 25/5, Việt Nam ghi nhận thêm con số kỷ lục 447 ca mắc mới thì Bắc Giang tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với nhiều ca Covid-19 nhất: 375 ca.

Trong đó, đáng quan ngại là toàn bộ 375 ca đều là công nhân từ các KCN trong tỉnh. Số lượng các ca dương tính này được phát hiện nhờ tổng lực tăng tốc xét nghiệm trong 3 ngày qua mà Bộ Y tế phối hợp với tỉnh Bắc Giang cùng các lực lượng y tế triển khai tại tất cả các khu công nghiệp, các nhà máy và khu lưu trú của công nhân ở Bắc Giang.

“Tổ an toàn Covid-19” đã được thành lập và đi vào hoạt động tại nhiều DN trong KCN - KCX. Ảnh: T.L
“Tổ an toàn Covid-19” đã được thành lập và đi vào hoạt động tại nhiều DN trong KCN - KCX. Ảnh: T.L

Con số 375 ca đã khiến Bộ Y tế ngay trong ngày 25/5 đã phải tiến hành họp khẩn cấp với bộ phận công tác đặc biệt tại Bắc Giang và Sở Y tế Bắc Giang. Tại cuộc họp, tình hình cấp bách đến mức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phải nhấn mạnh: Ngành y dồn tổng lực hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang ở mức cao hơn so với đợt dịch tại Đà Nẵng, tiến hành “điều quân” từ mọi nơi tới hỗ trợ Bắc Giang chống dịch, “chấp nhận nhầm còn hơn bỏ sót thì mới nhanh được, mới có thể thắng được. Mỗi ngày phải làm 50.000 mẫu. Đà Nẵng nhanh 1 thì trận này ở Bắc Giang phải nhanh 10”.

Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành Y tế cũng yêu cầu bộ phận công tác đặc biệt của Bộ đang chỉ đạo chống dịch tại Bắc Giang ngay lập tức “đóng băng” tất cả các khu nhà ở của công nhân; đảm bảo cách ly nghiêm ngặt, nhất là các khu nhà cao tầng nơi có đông công nhân sinh sống; áp dụng thiết chế về cách ly tập trung tại các khu vực này - coi như là nơi cách ly tập trung, yêu cầu tuyệt đối không cho người ở ra khỏi nhà, phòng ở và tiến hành xét nghiệm định kỳ, liên tục.

2. Cũng tại cuộc họp khẩn, lý giải vì sao tình hình dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh rất nóng, Bộ trưởng Y tế cho biết: Thứ nhất, chủng virus lần này lây rất nhanh, mạnh. Virus có khả năng nhân lên và phát tán mầm bệnh rất rộng. Thứ hai, hình thái lây nhiễm trong khu công nghiệp có mật độ đông, cách nửa mét có một người, môi trường khép kín, nhà vệ sinh chung, khu nhà ăn cũng có chục nghìn người, nên nguy cơ rất lớn.

Cùng chung quan điểm, TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định, sơ bộ nguồn lây là tại các khu vực nhà máy trong KCN, và/hoặc trong khu nhà ở, lưu trú của công nhân vì đây là nơi có mật độ làm việc, lưu trú đông, trong khi đó chủng virus này lây lan nhanh, mạnh và phát tán rộng trong môi trường không khí.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân tại KCN Vân Trung (Bắc Giang).
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân tại KCN Vân Trung (Bắc Giang).

Nhận định này của các quan chức ngành y tế, dịch tễ cũng nhận được sự đồng tình của các chuyên gia khi phần lớn đều cho rằng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch tại các KCN rất lớn do mật độ công nhân tập trung đông, công nhân đi lại bằng phương tiện công cộng và thuê trọ ở chung.

Theo PGS. TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều lao động, nếu không có các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 quyết liệt thì rất dễ hình thành các ổ dịch lớn, nguy cơ lây nhiễm chéo cao.

Cũng theo PGS. TS Trần Đắc Phu, “chỉ cần một công nhân nhiễm Covid-19, cả dây chuyền, cả phân xưởng, thậm chí cả KCN (khu công nghiệp), khu chế xuất (KCX) phải ngừng sản xuất để thực hiện cách ly chống dịch. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 xảy ra tại các KCN, KCX sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đời sống, việc làm của công nhân”.

Thế nhưng, điều lạ là, dịch Covid-19 tới nay đã hiện diện tại nước ta đã hơn một năm rưỡi, đã qua làn sóng dịch thứ 4, nhưng việc làm thế nào để bảo đảm an toàn lao động, an toàn cho công nhân lại không mấy được chú trọng, nếu không muốn nói là nhiều KCN tại nhiều địa phương, dường như đã xem nhẹ. Bất chấp việc ngay từ rất sớm, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã nhiều lần nhắc nhở và có hướng dẫn về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở các khu vực này. Hệ lụy dễ thấy nhất là, không chỉ tại KCN Vân Trung tại Việt Yên, Bắc Giang mà trước đó, tại các KCN như An Đồn (Đà Nẵng), Hải Dương... đều đã ghi nhận các ca bệnh Covid-19 và đều có tốc độ lây nhiễm rất nhanh.

3. Rõ ràng, câu chuyện phòng chống dịch Covid-19, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 đã không chỉ là câu chuyện của riêng các KCN tại Bắc Giang. Nên nhớ, theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có 369 KCN tập trung, gần 30 khu cửa khẩu, chế xuất, tương đương 3,8 triệu lao động; gần 700 cụm công nghiệp với 600 nghìn lao động. Tất cả các KCN tại tất cả các nơi đều có cùng đặc thù: Công nhân cùng làm việc trong môi trường kín; di chuyển về các khu ký túc xá cùng thời điểm, sinh hoạt trong nhà trọ chật chội, đông đúc; các dịch vụ phục vụ đời sống sinh hoạt công nhân dày đặc, nhiều xe cộ qua lại…

Thêm vào đó, như cảnh báo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 trong cuộc họp trực tuyến với TP. Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang ngày 12/5 vừa qua: Để xảy ra dịch bệnh trong các KCN có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Nền kinh tế của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chúng ta để “thủng” các KCN.

Xét nghiệm thần tốc phát hiện ca nhiễm mới tại Bắc Giang. Ảnh: T.L
Xét nghiệm thần tốc phát hiện ca nhiễm mới tại Bắc Giang. Ảnh: T.L

Thế nên, việc bảo vệ an toàn Covid-19 cho các KCN tới thời điểm này, dù muộn nhưng vẫn là sự “muộn còn hơn không”. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện về việc bảo đảm an toàn Covid-19 trong các khu công nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo tất cả các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, tự đánh giá mức độ an toàn, cập nhật lên bản đồ an toàn Covid-19. Kiên quyết dừng hoạt động khi không đảm bảo an toàn và không cập nhật mức độ an toàn lên hệ thống. Công điện cũng đặc biệt lưu ý: Nếu có tình huống dịch xâm nhập, có thể duy trì hoặc sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bắc Giang những ngày qua đã lên kế hoạch tổ chức lại hoạt động sản xuất cho 8 DN trong các KCN đang bị tạm dừng do dịch Covid-19, từ đó dần khôi phục lại môi trường an toàn cho sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Tại Hà Nội, thông tin cho biết đến chiều tối 20/5, đã có 100% các doanh nghiệp trong các KCN, chế xuất Hà Nội đã thành lập Tổ an toàn Covid-19…

Đó có thể là những động thái bước đầu, dù muộn màng nhưng thực sự cần thiết trong bối cảnh này, khi “sản xuất trong điều kiện Covid-19” đã trở thành thực tế không thể tránh khỏi và “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống vẫn là mục tiêu buộc phải đạt được.

Nguồn: https://congluan.vn/an-toan-covid-19-trong-cac-khu-cong-nghiep-muon-con-hon-khong-post135644.html