21/01/2025 | 17:54 GMT+7, Hà Nội

Ăn đuông dừa sống ngoe nguẩy trong bát mắm ảnh hưởng thế nào tới sức khoẻ?

Cập nhật lúc: 05/11/2018, 01:41

Những con đuông dừa béo ngo ngoe trong bát được các thực khách gắp lên ăn sống hay món ăn từ sâu chít, nhộng ong, bọ cạp, dế mèn… đang được nhiều người yêu thích và cho là tốt rất tốt với sức khỏe.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, ăn côn trùng sống không thực sự tốt cho sức khỏe như mội người vẫn nghĩ.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, các món ăn từ côn trùng như nhộng tằm, nhộng ong, sâu chít, dế mèn… có giá trị dinh dưỡng rất cao. Đáng kể nhất là hàm lượng đạm, canxi và vi khoáng…

  Các loại côn trùng như dế mèn, châu chấu đang trở thành món đặc sản được nhiều người yêu thích
Các loại côn trùng như dế mèn, châu chấu đang trở thành món đặc sản được nhiều người yêu thích

Đó cũng là lý do mà côn trùng dễ dàng trở thành nguồn dược liệu và thực phẩm bổ dưỡng, quý giá, được nhiều người yêu thích.

Nhưng việc ăn sống các loại côn trùng lại rất dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Thực tế vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh tác dụng bổ dưỡng của côn trùng khi ăn sống. Vậy nên, nếu sử dụng côn trùng làm thực phẩm cần thực hiện ăn chín, uống sôi.

Việc nấu chín côn trùng để ăn cũng không đảm bảo chắc chắn về độ an toàn. Bởi, trong các loài côn trùng thường có chứa một số chất gây dị ứng, những người cơ địa không hợp với một chất nào đó có trong côn trùng dễ gặp hiện tượng này.

Đó là lý do nhiều người cùng ăn nhưng có một vài người bị dị ứng hoặc ngộ độc.

Còn nếu muốn ăn thực phẩm sống như ăn cá sống kiểu của Nhật Bản thì phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ về an toàn thực phẩm.

  Ăn côn trùng sống rất dễ bị ngộ độc do không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh minh họa
Ăn côn trùng sống rất dễ bị ngộ độc do không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Phạm Văn Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Gây mê phẫu thuật, Bệnh viện ĐK Thị xã Từ Sơn, khi bị ngộ độc côn trùng, nếu còn tỉnh táo, người bệnh cần tự gây nôn (có thể sử dụng cách uống nhiều nước).

Trường hợp nặng, hoặc hôn mê cần để bệnh nhân nằm nghiêng sang bên phải. Đối với những người khó thở và thở yếu cần hô hấp nhân tạo tùy theo các biểu hiện của bệnh nhân. Sau khi sơ cứu, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới các trung tâm y tế để được điều trị kịp thời.

Những biểu hiện của dị ứng côn trùng nói riêng và thức ăn nói chung là nổi mề đay, phát ban từng vùng hoặc khắp người gây ngứa, người nôn nao khó chịu, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy, khó thở...  sau khi ăn.

Do đó, những người trước đó hay bị dị ứng với thức ăn nên cân nhắc khi ăn côn trùng sống hoặc các món ăn chế biến từ côn trùng.

  Những người có cơ địa dị ứng rất dễ bị sốc phản vệ khi ăn nhộng, sâu. Ảnh minh họa
Những người có cơ địa dị ứng rất dễ bị sốc phản vệ khi ăn nhộng, sâu. Ảnh minh họa

Ngoài ra, người sử dụng cũng rất dễ bị ngộ độc khi ăn phải các loại côn trùng chết. Nguyên nhân là do khi chết các loại côn trùng, động vật đều tiết ra những chất độc, nếu ăn phải cơ thể sẽ bị ngộ độc, sốc phản vệ… và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Chính vì vậy, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng không nên sử dụng nhộng khi nghi ngờ để lâu, ôi hỏng, không rõ nguồn gốc.

Những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi thưởng thức món này. Tốt nhất, người có cơ địa dị ứng không nên ăn những món ăn lạ hoặc chỉ nên ăn thăm dò trước.