Ăn chung bát đũa, uống chung cốc có lây virus viêm gan B?
Cập nhật lúc: 13/05/2019, 09:01
Cập nhật lúc: 13/05/2019, 09:01
Tiêm vaccine phòng chống viêm gan B cho trẻ. Ảnh: TL
15-20% dân số nhiễm virus viêm gan B
Viêm gan B là bệnh lý về gan khá phổ biến do siêu vi viêm gan B (HBV) gây nên. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B cao, chiếm 15-20% dân số, tương đương khoảng 15-18 triệu người. Điều này đe dọa không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm lớn.
Bệnh có 2 quá trình diễn biến là cấp tính và mãn tính. Bệnh viêm gan B cấp tính thường mắc phải sau 6 tháng kể từ khi virus xâm nhập vào cơ thể. Người lớn có sức đề kháng tốt bị nhiễm HBV có khả năng tự khỏi và tạo miễn dịch với bệnh.
Đại đa số các ca viêm gan B ở Việt Nam là viêm gan mạn tính. Bệnh thường do nhiễm HBV kéo dài cả đời, kèm theo các yếu tố tác động không tốt đến gan (rượu, bia, thức ăn bẩn...) sẽ biểu hiện thành bệnh. Việc bị nhiễm viêm gan B mạn tính hay không có phụ thuộc vào độ tuổi lúc bạn bị nhiễm. Có khoảng 90% trẻ sơ sinh bị nhiễm HBV sẽ diễn biến mạn tính, ngược lại chỉ có 5% đối với người lớn. Viêm gan B mạn tính là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Điều đáng nói là 90% trường hợp mắc viêm gan B diễn tiến âm thầm nên dễ bị bỏ qua, khi bệnh nhân có triệu chứng thường đã ở giai đoạn muộn.
GS Nguyễn Văn Mùi, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, thông tin, viêm gan B có đường lây nhiễm giống với HIV nhưng khả năng lây lan của HBV cao gấp 50 - 100 lần virus HIV nếu không có biện pháp phòng ngừa.
Thống kê tại Việt Nam cho thấy, 90% trẻ bị nhiễm virus viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm viêm gan B mạn tính. Bệnh càng dễ lây lan hơn khi nhiều bệnh nhân không hề biết mình bị nhiễm virus viêm gan B, khiến việc can thiệp điều trị bị trễ, lây lan cho chính người thân của họ.
Khi mang bầu bé thứ hai được 12 tuần, chị Hải Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) đi khám thai và rất ngạc nhiên khi biết mình bị viêm gan B, dù theo chị cả gia đình không ai bị, lần mang thai trước kết quả xét nghiệm chị và con trai cũng không bị. Đi kiểm tra chéo, xét nghiệm ở vài nơi, câu trả lời vẫn là “dương tính”. “Đến khi theo lời khuyên của bác sĩ, về giục chồng đi kiểm tra, hoá ra tôi bị lây bệnh từ chồng. Chính anh cũng không biết. Điều tôi lo nhất là đang mang thai, làm sao để con mình không bị lây của mẹ”, chị Hải Anh tâm sự.
Viêm gan B là căn bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ mắc cao, dễ lây truyền song đến nay nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, do đó tỉ lệ mắc mới viêm gan B ở nước ta vẫn ở mức cao, thêm 30.000 ca mỗi năm. Ngược lại, có những quan niệm sai lầm trong việc “sống chung” với viêm gan B, khiến cộng đồng “cách ly” người bệnh.
Không dùng chung bàn chải đánh răng
Viêm gan B có khả năng lây qua 3 con đường: Đường tình dục; từ mẹ sang con; lây nhiễm qua đường máu khiến virus tấn công vào cơ thể người lành và gây bệnh.
Điều đó có nghĩa là nếu quan hệ tình dục không an toàn, không có bao cao su bảo vệ, virus viêm gan B có thể lây truyền qua tinh dịch, máu. Việc sử dụng chung các vật dụng có khả năng nhiễm cao như bơm kim tiêm, dao, kéo... với người bị nhiễm bệnh cũng là vật trung gian truyền bệnh.
Các chuyên gia khẳng định viêm gan B không lây truyền qua việc ăn uống và sử dụng chung các vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Trẻ bú sữa mẹ cũng không bị lây nhiễm, hay các hoạt động như ôm hôn, bắt tay, hắt hơi. Do đó, không nên kỳ thị với những người mắc bệnh viêm gan B xung quanh bạn.
Tuy nhiên, cũng liên quan đến sinh hoạt hàng ngày, các chuyên gia cho biết, dù viêm gan B không lây theo đường ăn uống giống viêm gan virus A, E nên khi ăn chung không bị lây truyền, nhưng bệnh lây theo đường máu nên người trong gia đình không được dùng dao cạo râu và bàn chải đánh răng chung với người có nhiễm virus viêm gan B.
Một sai lầm khác trong phòng và điều trị bệnh viêm gan B người dân Việt Nam thường mắc phải, là thấy có những gia đình nhiều thành viên bị bệnh, nên nghĩ đây là bệnh di truyền. Trong khi đó, các bác sĩ khẳng định đây là bệnh truyền nhiễm không phải bệnh di truyền. Tuy nhiên, nếu mẹ bị nhiễm bệnh sẽ có nguy cơ cao lây truyền sang con trong quá trình sinh đẻ. Có thể hạn chế tới 95% nguy cơ này nếu dự phòng đúng cách như tiêm vaccine phòng bệnh.
Nhiều người nghĩ người mắc viêm gan B phải đau vùng hạ sườn phải, ăn uống không ngon, vàng da vàng mắt, sụt cân trông thấy… Nhưng PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định hầu hết bệnh nhân bị viêm gan virus B mạn tính không có biểu hiện ra ngoài, mặc dù bệnh vẫn tiến triển âm thầm dẫn tới xơ gan và ung thư gan.
Để xác định nhiễm virus viêm gan B hay không, người dân cần làm các xét nghiệm như:
- Xét nghiệm HBsAg: Nếu kết quả dương tính (+), bệnh nhân đã nhiễm virus HBV. Đối với bệnh nhân xét nghiệm thấy HBsAg dương tính (+) trên 6 tháng có nghĩa là bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính.
- Xét nghiệm Anti-HBs: Đây là xét nghiệm kiểm tra miễn dịch bảo vệ sau khi bệnh nhân tiêm vaccine hoặc sau viêm gan B tự hồi phục. Nồng độ Anti-HBs >10mUI/ml được tính là có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi virus viêm gan B.
Nếu đã xác định bệnh nhân có nhiễm virus, cần làm thêm các xét nghiệm khác như: HbeAg, Anti-HBE, Anti-HBc, Anti-HBc IgM, men gan AST, ALT để đánh giá lượng virus, khả năng nhân lên của virus, chức năng gan...
00:20, 12/05/2019
10:40, 08/05/2019
11:30, 05/05/2019