19/01/2025 | 09:17 GMT+7, Hà Nội

Ám ảnh bong bóng bất động sản… có thành hình?

Cập nhật lúc: 21/11/2018, 14:01

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ chính thức khép lại một năm 2018 đầy sóng gió của thị trường bất động sản Việt Nam. Không ít những suy nghĩ cho rằng, liệu với khoảng thời gian ngắn ngủi ấy có đủ đưa ra một đáp án chính thức cho những nghi hoặc đầy ám ảnh trong suốt quãng thời gian qua khi xoay vần với 5 từ: Bong bóng bất động sản.

Nỗi ám ảnh 5 từ: Bong bóng bất động sản

Vẫn còn nhớ cách đây hơn 10 năm, cuộc khoảng hoảng bong bóng năm 2007 - 2008 đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh đầy kinh hoàng trong giới bất động sản. Sự đổ vỡ theo hiệu ứng domino trong chính thị trường bất động sản lan rộng ra nền kinh tế, hàng loạt các dự án chết yểu mang tên “khu nhà hoang”, sự “đông cứng” của các đại gia bất động sản… đã đẩy thị trường rơi xuống vực thẳm. Một giai đoạn mà bóng tối dường như bao trùm lên lĩnh vực có giá trị và vốn hóa lớn nhất trong nền kinh tế.

Phải mất rất nhiều năm sau, bằng hàng loạt các chính sách tìm cách vực dậy thị trường bất động sản của Nhà nước, bức tranh chung của ngành kinh tế bị “thất thế” này mới dần đi lên. Sự di chuyển chậm chạp khiến nhiều ý kiến còn quan ngại rằng, một thị trường bất động sản còn non trẻ, hệ thống pháp lý còn chưa tạo ra bản lề chắc chắn thì khả năng “điều trị” và “phục hồi” là rất chậm.

Tuy nhiên, đến năm 2014, những dấu hiệu tích cực của thị trường đã bắt đầu xuất hiện và khởi sắc. Năm 2016 – 2017 chứng kiến cuộc vươn lên ngoạn mục của thị trường bất động sản. Có thể nói, sau giai đoạn tụt dốc không phanh, thị trường bất động sản bắt đầu đi dần trở thành lĩnh vực đầu tư “đắt” vốn trong và ngoài nước chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, 2 – 3 năm.

Chưa bao giờ, bất động sản Việt Nam lại thể hiện sự sôi động đến vậy khi chào đón sự xuất hiện của hàng loạt các loại hình bất động sản mới (condotel, offitel, hometel…), lượng giao dịch nhộn nhịp với mức hấp lực cao. Để rồi đến đầu năm 2018, bất động sản được coi là cực nóng của nền kinh tế khi “nhà nhà người người” đầu tư vào lĩnh vực này.

(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet)

(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet)

Tuy nhiên, sự nới rộng cánh tay của ngân hàng cùng nguồn vốn đổ ào ào vào bất động sản, sự tăng giá chóng mặt của bất động sản đặc khu tương lai lan rộng sang các tỉnh lẻ đẩy tốc độ tăng ở một số nơi cá biệt lên tới 200 - 300%... Những dấu hiệu đó đã bắt đầu nhen nhóm sự lo lắng về rủi ro của thị trường. Điều này buộc không ít chuyên gia mường tượng về một kịch bản có thể lặp lại của năm 2007 và 2010, đó là bong bóng bất động sản.

Kết thúc giai đoạn nóng, bước sang tháng 5/2018, thị trường bắt đầu chứng kiến sự giảm tốc của thị trường bất động sản đặc khu kinh tế tương lai nói riêng và bất động sản cả nước nói chung. Các chuyên gia tiếp tục phác thảo lên một tương lai mà phần tối nhiều hơn phần sáng, dựa trên những tín hiệu cảnh báo bong bóng như tốc độ tăng giá, tín dụng ngân hàng tăng cao…

Có thể nói, 2018 là một năm đầy ám ảnh về một kịch bản bong bóng bất động sản luôn xuất hiện. Cuộc tranh luận đã hình thành 2 hướng: Một bên dự báo sẽ vỡ bong bóng bất động sản vào cuối năm 2018 và sang năm 2019 và một bên là thị trường đang đi chậm nhưng bước vào quỹ đạo ổn định.

Kết quả chưa rõ ràng, song cuộc đổ vỡ năm 2007 và 2010 đã trở thành chất xúc tác nhân lên nỗi sợ hãi bao trùm cho thị trường bất động sản năm 2018. Chính giới đầu tư cũng phải hoang mang và bấn loạn với những nhận định mà không ít chuyên gia đã vẽ lên. Để rồi, giai đoạn giữa và cuối năm 2018, bất động sản thực sự đã có những bước đi cẩn trọng hơn khi tín dụng ngân hàng siết chặt, sự thanh lọc của thị trường ngày càng trở nên gay gắt và nghiêm khắc.

Bong bóng bất động sản hay bức tranh “hừng đông”?

Đến thời điểm hiện tại, nhìn lại 1 năm “sóng gió” kể từ lúc thị trường bất động sản bước từ đỉnh hình sin xuống, không ít giới đầu tư bắt đầu thở phào nhẹ nhàng vì kịch bản vỡ bong bóng bất động sản khó lòng xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn ngủi: Hơn 1 tháng. Bởi khách quan cho thấy, các tín hiệu tăng trưởng, giá trị của bất động sản cũng như chính sách vĩ mô của Nhà nước đang được công bố ở ngưỡng khả quan và tích cực.

Đến bây giờ, diễn biến của thị trường bất động sản đã được nhìn nhận với xu hướng đầy lạc quan: Đó là chậm và ổn định. Nhiều ý kiến cho rằng, nhờ kinh nghiệm từ cuộc đổ vỡ từng xảy ra cách đây 10 năm, những bước đi trên bàn cờ thị trường bất động sản đã đầy cẩn trọng và thông thái hơn so với thời điểm bị cho là còn non trẻ. Thế nên, dự báo về một kịch bản vỡ bong bóng bất động sản sẽ không thể xảy ra và xác suất là rất nhỏ.

Nguồn số liệu: Hội môi giới Bất động sản Việt Nam

Nguồn số liệu: Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Khẳng định chắc chắn cho dự báo này, trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay và vài năm nữa cũng không xảy ra tình trạng bong bóng.

Vị lãnh đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã đưa ra hàng loạt các dẫn luận để minh chứng cho dự báo của mình như tín dụng bị “siết” hơn khi Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm dòng vốn tín dụng vào thị trường bất động sản, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong bất động sản chỉ khoảng 6 - 7%,…

Còn trên góc độ nhà môi giới, ông Ngô Văn Hải (Giám đốc Sàn Giao dịch bất động sản Bắc Ninh Land) nhấn mạnh, thị trường bất động sản sẽ đi vào quỹ đạo ổn định, chậm mà chắc, sẽ không xảy ra bong bóng bất động sản.

Và đến bây giờ, quỹ đạo bước chậm và ổn định là biểu đồ mà giới đầu tư, môi giới, chuyên gia đang gán cho diễn biến của thị trường bất động sản. Dù không còn ở đà lên đỉnh hình sin, nhưng giới đầu tư, môi giới nhận định đây là bước vận động tích cực của thị trường.

Như lời khẳng định của ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa, “tôi cho rằng thị trường đi chậm lại là một dấu hiệu rất tốt. Không phải thị trường bất động sản cứ đi chậm sẽ tiềm ẩn rủi ro, khiến nhà đầu tư lo lắng mà đây là chiều hướng vận động khả quan”.

Với hàng loạt các tín hiệu tích cực như vậy, tiếp đà của năm 2018, thị trường bất động sản năm 2019 vẫn tiếp tục dự báo và kỳ vọng sẽ trở nên “hừng đông”.

Mai Linh