19/01/2025 | 10:15 GMT+7, Hà Nội

Ai xứng làm "kỳ lân" trong làng gọi xe công nghệ Đông Nam Á?

Cập nhật lúc: 10/11/2018, 19:32

Tại thị trường Việt Nam, trong lĩnh vực gọi xe công nghệ, có thể xem Grab là một con kỳ lân thực thụ với tiềm lực tài chính khổng lồ và ngày càng lớn mạnh dù con đường đi của hãng gặp không ít khó khăn.

Kỳ lân đích thực

Thuật ngữ những con kỳ lân bắt đầu từ một bài viết của một nhà đầu tư. Cô đã dùng thuật ngữ này để chỉ những công ty công nghệ khởi nghiệp nhưng có tốc độ tăng trưởng trên 1 tỷ USD. Sau khi cô xuất bản bài viết, đã tìm thấy 39 con kỳ lân đáp ứng đủ tiêu chí này.

Tại thị trường Việt Nam, trong lĩnh vực gọi xe công nghệ, có thể xem Grab là một con kỳ lân thực thụ với tiềm lực tài chính khổng lồ và ngày càng lớn mạnh, dù con đường đi của hãng gặp không ít khó khăn.

Dù đã vào Việt Nam được 4 năm nhưng hãng này vẫn đang nỗ lực và tốc độ tăng trưởng ngày càng mạnh, không chỉ ở thị trường Việt mà còn trong khu vực.

Trong 4 năm có mặt, Grab đã giúp việc di chuyển trở nên an toàn hơn cho hàng triệu hành khách, tạo ra thu nhập cho hơn 135.000 lao động và tiết kiệm tiền hơn cho hàng triệu người dùng.

Tiềm lực tài chính hùng mạnh

Xét về góc độ tiềm lực tài chính, Grab đang là bên có lợi thế lớn nhất trong trường đua gọi xe trực tuyến nhờ nguồn vốn huy động mạnh. Được biết, các công ty tài chính đã rót vốn vào Grab trong thời gian qua gồm: OppenheimerFunds, Ping An Capital, Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund, Cinda Sino-Rock Investment Management Company, All-Stars Investment, Vulcan Capital, Lightspeed Venture Partners, Macquarie Capitall, Toyota,...

Không chỉ dừng lại ở những đối tác đó, Grab liên tục gọi vốn từ những ông lớn. Mới đây, dịch vụ gọi xe lớn nhất Đông Nam Á đã cho biết sẽ nhận khoản đầu tư mới 250 triệu USD từ Hyundai Motor và Kia Motors, trong đó 175 triệu USD từ Hyundai và 75 triệu USD từ Kia. Hồi tháng Một, Hyundai cũng đã rót 25 triệu vào Grab, nắm giữ 0,45% cổ phần.

Các nhà sản xuất ô tô của Hàn Quốc sẽ kết hợp cùng Grab trong những dự án xe điện nhằm tối đa hóa hiệu quả chi phí cho các lái xe cũng như thúc đẩy việc xây dựng các trạm thu phí. Bên cạnh đó, Hyundai Motor cũng dự kiến cho Grab thuê 200 chiếc xe ô tô điện. Theo thông tin từ Reuters, dự án này sau đó có thể được mở rộng sang các quốc gia khác như Malaysia hay Việt Nam.

Gần đây, Grab đã huy động được cả chục tỉ USD nhằm củng cố và mở rộng dịch vụ tốt nhất đến tay người dùng. Tiềm lực tài chính hùng mạnh giúp Grab không ít trong cuộc chiến giành "ngôi vương" trong thị trường gọi xe trực tuyến.

Tháng trước, Grab cũng đã gọi vốn thành công 200 triệu USD từ đại gia du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Booking Holdings và một số tiền lớn từ đại gia công nghệ Microsoft.

Chưa kể đến việc, hãng này đang gia tăng các dịch vụ để tạo ra ứng dụng siêu cấp hàng ngày, mang đến cho người dùng nhiều trải nghiệm, từ giao thông, mua sắm, hưởng thụ đến chăm sóc sức khỏe.

Nói về nguồn lực vốn, chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa nhận định, trong cuộc đua giành thị phần của những ông lớn thì vốn là điều quan trọng "Đây chính là cuộc đua đốt tiền. Cuộc đua giành cho những kẻ lắm tiền, không phải cuộc chơi của những anh nhà nghèo, sợ rủi ro. Nếu anh không mạnh nguồn lực lại ngại rủi ro thì cuộc đua taxi công nghệ không có chỗ đứng cho anh.

Không thể có chuyện “tay không bắt giặc” hay mỏng vốn mà chiến thắng được trong cuộc đua này được. Ở đây chỉ có ít tiền và nhiều tiền. Nhiều tiền thì họ bơm mạnh, làm tới. Ít tiền thì chỉ còn cách đầu tư thật tốt vào khâu marketing, năng lực marketing quản lý thật hiệu quả, để làm sao bỏ ra một đồng thì hiệu quả gấp nhiều lần. Chỉ có cách như vậy thôi".

Tính đến nay, Grab đã huy động được 2,7 tỷ USD, tiến dần tới mục tiêu 3 tỷ USD của vòng gọi vốn đang diễn ra. Đại diện của hãng cho biết, đang tiến tới mục tiêu công ty công nghệ đầu tiên trong khu vực đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD trong năm nay. Với mức định giá khoảng 11 tỷ USD, Grab đang là doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị nhất Đông Nam Á.

Luôn vận động hết mình

Mang danh kỳ lân vùng Đông Nam Á không khó nhưng để danh ấy theo cả chặng đường dài không phải dễ. Để tồn tại và ghi nhận từ khách hàng, bắt buộc phải nỗ lực cải thiện, thay đổi để dịch vụ hoàn chỉnh hơn và Grab đang thực hiện rất tốt công việc này, không chỉ là vấn đề phát triển tài chính mà còn ở mặt chiến lược.

Để khẳng định mình ở thế trên, ông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhấn mạnh nguyên tắc “Anh nào mạnh thì anh đó phát triển, anh nào xây dựng được chiến lược phát triển bền vững thì anh đó thắng. Bao nhiêu sản phẩm hàng hoá ra đời lâu rồi nhưng lại chết vì sản phẩm mới ra tốt hơn, chất lượng hơn. Nói như vậy để thấy rằng, loại hình dịch vụ nào chất lượng tốt, phục vụ được cho xã hội thì loại hình ấy sẽ phát triển. Xét cho cùng, chất lượng dịch vụ là điều quan trọng nhất”.

Từ ngày ra mắt, Grab vẫn thực hiện đều đặn các chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho khách hàng cũ và chăm sóc tốt cho những khách hàng mới. Hãng cũng liên tục phát triển thêm các ứng dụng mới phục vụ đa nhu cầu cuộc sống cho khách hàng như GrabFood, Grabnow, dịch vụ cho thuê xe, cập nhật giao diện, giải trí, thêm tin tức mới…

Gần đây, Grab còn hé lộ đề án thực hiện các gói chăm sóc an toàn cho khách hàng và đối tác bằng những ứng dụng mới, những buổi huấn luyện chăm sóc sức khỏe và cả bắt tay với các ông lớn khác như Microsoft để phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt…

Có thể nói rằng, dù rất nhiều hãng mới nhảy vào cuộc chơi nhưng Grab vẫn không dậm chân tại chỗ và không ngủ yên ở thế “ông lớn” trong làng gọi xe trực tuyến. Hãng này luôn vận động, nỗ lực để mang lại những dịch vụ hoàn hảo nhất cho khách hàng. Đó mới là cách để tồn tại lâu dài trên con đường gọi xe trực tuyến ở thời đại 4.0 và xứng danh “kỳ lân Đông Nam Á”.