Ai đang từ chối giảm mạnh giá xăng?
Cập nhật lúc: 27/07/2015, 11:18
Cập nhật lúc: 27/07/2015, 11:18
Ngay trước thời điểm giá xăng giảm 260 đồng/lít, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã công bố công khai trên trang web của mình cho biết, ước tồn Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) hình thành tại Petrolimex là 1.350 tỷ đồng. Như vậy, so với thời điểm điều chỉnh giá gần nhất là ngày 4.7, quỹ bình ổn giá của tập đoàn này đã tăng lên thêm 10 tỷ đồng từ 1.340 tỷ đồng.
Trong khi đó, liên bộ Công thương - Tài chính hôm 20.7 vẫn cho ngừng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (trước điều chỉnh, quỹ bình ổn đang bù đắp cho xăng là 527 đồng/lít) với tất cả các mặt hàng xăng, nên giá xăng không giảm được như mức giảm mạnh tương ứng của giá thế giới.
Giá xăng đã chỉ được điều chỉnh giảm 260 đồng/lít, giá xăng E5 giảm 425 đồng/lít. Đồng thời, các Bộ cũng quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu như hiện hành. Với quyết định này có nghĩa Quỹ này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh lên trong kỳ điều hành 15 ngày tới đây.
“Về bản chất là các cơ quan quản lý và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều không muốn giảm mạnh giá xăng cho người tiêu dùng!” - chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng nói khi ông tiếp tục đề cập đến những bất cập của việc điều hành giá xăng dầu hôm 20.7 của Bộ Công Thương.
Không chỉ kỳ điều hành lần này, mà cả với lần giá xăng giảm nhỏ giọt hơn 300 đồng/lít hôm 4.7 và trước đó nữa, thì các doanh nghiệp xăng dầu đều ồ ạt lên tiếng “kêu than trước” về việc Quỹ bình ổn giá xăng dầu sắp cạn. Rồi thì “Quỹ bình ổn đang bị lạm dụng và có nguy cơ vỡ quỹ”… Từ đó, doanh nghiệp liên tiếp có ý “nhắc” cơ quan quản lý tăng mạnh hoặc giảm ít giá xăng dầu để “bảo toàn” cho Quỹ trong các lần điều chỉnh.
Doanh nghiệp đã “kêu” thì cơ quan quản lý không thể không nghe. Việc điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua rõ ràng đã tiếp tục lấy cớ phụ thuộc vào Quỹ bình ổn xăng dầu. Theo đó, giá xăng dầu đã không được giảm sâu theo đà giảm mạnh của thế giới và chỉ giảm “nhỏ giọt” vì ngưng chi sử dụng quỹ tới hơn 500 đồng/lít xăng.
Chính cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã không ít lần thừa nhận: Quỹ bình ổn giá xăng dầu không thể cạn, bởi song song với việc chi quỹ bình ổn ra thì việc trích lập quỹ vẫn được doanh nghiệp thực hiện liên tục.
Được biết, tính đến ngày 20.7, giá xăng dầu nhập khẩu bình quân 15 ngày gần nhất được báo chí “khui ra” là ở khoảng 74 USD/thùng (tương đương 10.094 đồng/lít), giảm khoảng 6,95 USD/thùng (992 đồng/lít) so với giá trung bình kỳ trước. Giá cơ sở cũng giảm tương ứng, nên thời gian qua doanh nghiệp xăng dầu đầu mối có thể lãi khoảng 1.065 đồng/lít xăng, nếu tính cả lãi định mức 300 đồng/lít, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lãi đến 1.365 đồng/lít xăng. Với mức giảm 260 đồng/lít từ chiều 20.7, doanh nghiệp xăng dầu về lý thuyết vẫn đang lãi 1.105 đồng/lít xăng. Doanh nghiệp thì lãi to còn người tiêu dùng thì vẫn mua xăng đắt và tiếp tục phải đóng vào quỹ bình ổn giá.
Từ toàn bộ câu chuyện này, một chuyên gia kinh tế trong nước đã phải thốt lên một cách chua chát rằng, “đừng bàn làm thế nào để tăng-giảm giá xăng một cách phù hợp nữa mà phải xem nhà quản lý, doanh nghiệp xăng dầu có muốn tăng-giảm giá phù hợp hay không?!”.
“Người ta đang có rất nhiều lợi ích trong đó. Thế nên tôi cho rằng bàn chuyện tăng-giảm giá xăng dầu phù hợp với diễn biến thị trường và công bằng với người tiêu dùng sẽ là hết sức vô nghĩa nếu cơ chế điều hành giá xăng dầu vẫn như hiện tại” - ông này nói thêm.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, để giải quyết được vấn đề này chỉ có cách phải tách quyền lợi nhà nước ra khỏi quyền lợi của doanh nghiệp xăng dầu.
“Bây giờ lợi ích nhà nước và doanh nghiệp gắn với nhau. Doanh nghiệp xăng dầu cũng là doanh nghiệp nhà nước, nếu doanh nghiệp mà thua lỗ thì nhà nước cũng thiệt, thế nên họ phải muốn tăng giá thì nhiều mà giảm giá thì ít thôi để còn có lãi, để còn tăng thu thuế (vì thuế đều nằm trên tỷ lệ phần % trên giá). Giá xăng dầu mà càng có lợi cho doanh nghiệp thì Nhà nước cũng thu được nhiều hơn. Do vậy, tôi cho rằng cứ điều hành xăng dầu kiểu này thì người ta tăng cao-giảm nhẹ giá xăng dầu là đương nhiên, cuối cùng chỉ người tiêu dùng chịu thiệt” - vị chuyên gia này khẳng định.
Trở lại vấn đề Quỹ bình ổn giá xăng dầu, từ lâu Quỹ đã bị các chuyên gia cho rằng, không phải là công cụ tốt để bình ổn giá xăng dầu, bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng. Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao Quỹ này vẫn tồn tại?
Một chuyên gia kinh tế trong nước đề xuất: "Tách quyền lợi Nhà nước ra khỏi quyền lợi doanh nghiệp xăng dầu có thể bằng cách không thu thuế tương đối như hiện nay nữa mà thu thuế tuyệt đối, ví dụ mỗi lít xăng thu 10.000 đồng, kệ giá là bao nhiêu. Nghiễm nhiên nhà nước chẳng có lợi ích gì trong việc tăng-giảm giá cả. Tăng hay giảm giá xăng dầu thì Nhà nước cũng vẫn thu thế. Nếu tăng-giảm giá sai thì xử lý doanh nghiệp…" |