7 sai lầm khi sử dụng bếp điện từ gây mất an toàn
Cập nhật lúc: 08/11/2020, 06:15
Cập nhật lúc: 08/11/2020, 06:15
Hiện nay, bếp điện từ đang dần chinh phục thị hiếu của nhiều gia đình chính bởi hiệu suất nấu nướng, mang lại sự an toàn cao cho người sử dụng cũng như tiết kiệm chi phí chi trả.
Ưu điểm của bếp điện từ là hiệu suất hoạt động của nó có thể lên đến 90%. Khác với bếp gas truyền thống, để có thể đun sôi 1 lít nước ta phải mất từ 10 đến 15 phút. Trong khi đó, bếp điện từ chỉ mất 5 đến 7 phút để đun sôi nước.
Như vậy hiệu suất đun nấu của bếp không những cao hơn bếp gas mà còn cao hơn bếp hồng ngoại (60%) và bếp điện (47%). Đây là lý do tại sao bếp từ trở thành sự lựa chọn tất yếu của các chị em nội trợ hiện nay.
Ngoài ra, bếp điện từ còn có tính an toàn cao khi sử dụng. So với một số loại bếp khác, bếp điện từ phù hợp cho gia đình có trẻ nhỏ vì có khoá an toàn cho trẻ và khả năng làm nguội nhanh. Ngoài ra, bếp được lắp đặt công nghệ cảnh báo chống trào, cảnh báo quá nhiệt, cảnh báo đang nấu nồi không và hệ thống ngắt điện khi không sử dụng.
Người sử dụng bếp từ sẽ không cần tốn thời gian quan sát để điều chỉnh mức lửa đun thích hợp cho từng loại món ăn, bếp điện từ mang lại thao tác sử dụng cực kỳ đơn giản và nhanh chóng nhờ các chế độ nấu tích hợp sẵn, tự động điều chỉnh công suất khi nấu. Rõ ràng bếp điện từ sở hữu nhiều ưu điểm nhưng chính từ cách sử dụng sai lầm của nhiều người khiến bếp điện từ trở thành 'quả bom' dễ cháy nổ gây nguy hiểm cho cả gia đình.
1. Rút nguồn điện ngay sau khi vừa nấu bếp điện từ xong
Khi vừa nấu nướng bếp điện từ nhiều người có thói quen rút ngay nguồn điện ra. Thực tế thói quen này là một sai lầm tai hại bởi sẽ làm quạt tản nhiệt không hoạt động nữa, làm chậm quá trình làm mát của bếp. Vì vậy, tốt nhất bạn nên ấn nút OFF (Tắt) để tắt bếp và đợi khoảng 10 -15 phút rồi mới rút nguồn điện ra.
2. Không vệ sinh bếp điện từ thường xuyên
Bếp điện từ không được vệ sinh sạch sẽ dễ gây nguy hiểm cho người sử dụng và làm giảm tuổi thọ của bếp. Bề mặt bếp từ rất dễ bị rạn nứt ở nhiệt độ cao nếu không sạch dầu mỡ và ẩm ướt.
3. Đặt bếp điện từ gần các thiết bị điện tử khác
Bếp điện từ sử dụng bức xạ sóng điện từ để làm nóng thức ăn. Tuy nhiên, các bức xạ sóng điện từ này có cường độ rất thấp nên hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà chỉ đủ để gây nhiễu một số thiết bị điện tử gần đó. Vì thế không nên đặt bếp từ gần các thiết bị điện tử khác như tivi, đầu đĩa, laptop...
4. Không dùng bếp điện từ thường xuyên
Trong điều kiện khí hậu Việt Nam có độ ẩm cao nếu không sử dụng bếp điện từ thường xuyên hơi ẩm có thể xâm nhập vào máy gây chập cháy các bản mạch của thiết bị gây hỏng hóc.
5. Liên tục nấu bếp điện từ ở nhiệt độ cao
Nếu sử dụng bếp điện từ liên tục ở nhiệt độ cao dễ khiến bếp quá tải làm giảm tuổi thọ thậm chí còn gây nứt bếp phát nổ.
6. Sử dụng dụng cụ nấu nướng bếp điện từ không phù hợp
Không phải xoong nồi nào cũng phù hợp khi sử dụng bếp điện từ, ví dụ nếu dùng muỗng kim loại, chúng sẽ dẫn nhiệt rất nhanh và có thể làm người sử dụng bị bỏng, còn những vật dụng bằng nhựa thì dễ bị tan chảy do vậy nên hạn chế dùng. Do đó loại nồi phù hợp nhất dành cho bếp điện từ là các nồi đáy phẳng bằng inox nhiễm từ, sắt tráng men hoặc thủy tinh có sợi kim loại.
7. Đặt tay hoặc các vật dụng không cần thiết khác lên bếp khi đang nấu
Khi hoạt động, bề mặt bếp điện từ không sinh nhiệt nhưng đáy nồi lại có nhiệt độ khá cao, nhanh chóng truyền sang cho bề mặt bếp và các vật khác có trên bề mặt bếp, có thể gây bỏng. Bên cạnh đó, không nên di chuyển bếp khi đang sử dụng để tránh vô tình chạm phải nồi đang nóng, gây nguy hiểm. Nhất là không đặt tay lên bếp từ đang hoạt động vì có thể bỏng nặng.
15:00, 11/01/2020
14:00, 17/07/2019
01:01, 30/12/2017