19/01/2025 | 10:25 GMT+7, Hà Nội

7 ngôi chùa, đền linh thiêng nên đi lễ đầu năm ở Yên Bái

Cập nhật lúc: 08/02/2019, 20:00

Dưới đây là 7 ngôi đền chùa linh thiêng ở Yên Bái mà du khách thập phương đổ về vãn cảnh, chiêm bái cho tâm mình thảnh thơi và cầu may mắn, cầu tài, cầu lộc.

Đền Nam Cường (Chùa Vạn Thắng) – TP Yên Bái

Với câu ca mời gọi:

Tháng giêng, nhớ nhé: ngày rằm

Du xuân bạn hãy về thăm Nam Cường

Đã thành truyền thống, vào ngày ngày mồng một, ngày rằm tháng Giêng, hàng ngàn người dân và du khách thập phương lại tìm về khu di tích lịch sử văn hóa Đình – Đền – Chùa Nam Cường của thành phố Yên Bái – nơi được cho là hội tụ những nét văn hóa đặc trưng của người Việt để thêm trân trọng, gìn giữ và phát huy bản sắc truyền thống văn hóa của dân tộc và cùng một niềm tin vào năm mới với những hy vọng tràn đầy…

Đền Nam Cường (Chùa Vạn Thắng)

Đền Nam Cường (Chùa Vạn Thắng)

Đền Mẫu Thác Bà (huyện Yên Bình)

Đền Mẫu Thác Bà thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái. Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà được tổ chức vào ngày 8 và 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Đêm ngày mùng 8 tháng Giêng có lễ nấu và đánh chè kho. Đến ngày mùng 9 lễ hội diễn ra với lễ rước kiệu hoa kiệu võng và kiệu bát cống, rước lễ vật  gồm 8 mâm từ hồ Thác Bà lên gồm chè kho, bánh, hoa quả, và rước cá từ hồ Thác Bà vào.

Đền Mẫu Thác Bà

Đền Mẫu Thác Bà

Bên cạnh đó, phần hội cũng diễn ra sôi nổi với các trò chơi dân gian truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tày, Kinh, Nùng, Dao, Cao Lan vùng Thác Bà, Sông Chảy như ném còn, đánh yến, chọi gà, vật, hội đánh đu…

Để lên đền bạn phải vượt qua 365 bậc đá, đến trước cửa sân đền, phóng tầm mắt ra xa, có thể bao quát toàn cảnh công trình thủy điện đầu tiên của cả nước và ngắm nhìn một vùng trời nước mênh mông, hữu tình của hồ Thác Bà.

Chùa Ngọc Am (TP Yên Bái)

Chùa Ngọc Am – từ khi hình thành, chùa đón nhận cùng lúc hai tên: nhân dân nói chung và phật tử nói riêng thường dùng tên dân gian để đặt cho ngôi chùa thiêng kính của mình là “Chùa Am”; còn nhà chùa, sư, tiểu và thầy cung văn lại sử dụng pháp danh “Tùng Lâm Tự” một cách trân trọng.

Hiện nay, chùa tọa lạc tại phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái. Chùa Ngọc Am được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật tôn giáo theo Quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 6/2/2007 của UBND tỉnh Yên Bái.

Chùa Ngọc Am

Chùa Ngọc Am

Đền Tuần Quán – TP Yên Bái

Toạ lạc bên bờ tả ngạn sông Hồng thuộc địa phận tổ Bách Lẫm, phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái), đền Tuần Quán từ lâu không chỉ được biết đến là điểm cúng lễ cầu an của tín đồ phật tử thập phương mà còn được xem như một trong những điểm đến không thể thiếu trong hành trình tâm linh cầu tài cầu lộc của du khách gần xa trong những dịp đầu xuân.

Đền Tuần Quán

Đền Tuần Quán

Hàng năm, để tỏ lòng thành kính, biết ơn và tưởng nhớ đến công lao của Mẫu Liễu Hạnh (vị thần cao nhất ở đền Tuần Quán), từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 6 tháng 3 (âm lịch), đền Tuần Quán lại tổ chức lễ hội giỗ Mẫu. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của đền, thu hút hàng ngàn du khách từ khắp nơi đổ về trảy hội.

Đền Đông Cuông (huyện Văn Yên)

Từ lâu, Đền Đông Cuông xã Đông Cuông, huyện Văn Yên nổi tiếng là ngôi đền linh thiêng, thờ Mẫu Thượng Ngàn, hàng năm thu hút đông đảo nhân dân cả nước đến dâng hương, vãn cảnh đền và cầu nguyện cho mình và người thân một năm gặp nhiều may mắn…

Đền Đông Cuông

Đền Đông Cuông

Những ngày đầu xuân này, du khách thập phương đổ về huyện Văn Yên  tỉnh Yên Bái không chỉ để tận hưởng cảnh đẹp hùng vĩ của mùa xuân ở vùng Tây Bắc mà còn để tham dự lễ hội Đền Đông Cuông, để được sống lại những giờ phút lịch sử với lễ mổ trâu khao quân, lễ rước Mẫu sang sông và cùng tham gia các trò chơi dân gian như đánh đu, ném còn, kéo co…

Ngày 3/2/2009, đền Đông Cuông đã đón nhận bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Có vị trí lý tưởng, thuận tiện về giao thông, đền Đông Cuông ngày càng hấp dẫn du khách thập phương mỗi độ xuân về.

Đền Đại Cại (huyện Lục Yên)

Lễ hội Đền Đại Cại được tổ chức  hàng năm vào ngày rằm tháng giêng âm lịch tại xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên

Quần thể di tích lịch sử Hắc Y – Đại Cại nằm dưới chân núi Vua áo đen, tọa lạc bên tỉnh lộ 134, trước mặt là suối Ðại Cại, bên bờ trái sông Chảy thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, cách thành phố Yên Bái 90km về phía Đông Bắc, cách thị trấn Lục Yên 10 km về phía Tây. Quần thể di tích bao gồm Đình Bến Lăn, Chùa tháp đất nung Hắc Y, đền Ðại Cại và thành nhà Bầu bao bọc quanh bãi đua ngựa huấn luyện kỵ binh. Ðền Ðại Cại, Đình Bến Lăn có kiến trúc đẹp.

Đền Đại Cại

Đền Đại Cại

Đến chiêm bái đền Đại Cại, khách hành hương sẽ được ngắm cảnh sơn lâm hùng vĩ, tìm hiểu lịch sử, phong tục tập quán bản địa. Nhiều điều vừa bí ẩn, vừa mới mẻ của quần thể di tích Hắc Y – Đại Cại đang chờ du khách khám phá.

Chùa Bách Lẫm (Chùa Linh Long) – TP Yên Bái

Chùa Bách Lẫm được xây dựng cuối thế kỷ 19, nằm toạ lạc trên đỉnh Gò Chùa, sát sông Hồng thuộc Tổ 2 – Bách Lẫm – phường Yên Ninh – thành phố Yên Bái. Đây là ngôi Chùa – Đền có lịch sử hàng trăm năm nay.

Chùa Bách Lẫm

Chùa Bách Lẫm

Chùa Bách Lẫm xưa (ngày nay có tên tự là chùa Linh Long) và đền Đông Cuông vọng vốn là trung tâm tín ngưỡng tôn giáo của người Việt xưa. Ngày nay, nơi đây đã trở thành điểm du lịch tâm linh của người dân trong và ngoài tỉnh.

Trong tâm thức của người dân Yên Bái, nơi đây mãi là chốn tôn nghiêm, gửi tấm lòng thành của mình trước các vị thần đã có công vệ quốc, cho giang sơn dân cường, nước thịnh.