7 năm sau thảm họa hạt nhân, nông sản, hải sản Fukushima vẫn chưa giành lại niềm tin
Cập nhật lúc: 03/08/2018, 20:30
Cập nhật lúc: 03/08/2018, 20:30
7 năm sau thảm họa hạt nhân hồi tháng 3/2011 do một trận sóng thần gây ra, các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt cho thấy không còn nguy cơ phóng xạ từ các sản phẩm vùng Fukushima sản xuất, theo nhà chức trách và giới chuyên gia.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất địa phương nói họ vẫn đang phải đối mặt với sự hoài nghi từ người tiêu dùng.
Với hơn 205.000 mẫu thực phẩm đã được kiểm tra tại Trung tâm Công nghệ Nông nghiệp Fukushima kể từ tháng 3/2011, Nhật Bản đã thiết lập tiêu chuẩn không vượt quá 100 becquerel phóng xạ/kg (Bq/kg). Tiêu chuẩn này ở Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ lần lượt là 1.250 Bq/kg và 1.200 Bq/kg.
Năm 2017, Trung tâm Công nghệ Nông nghiệp Fukushima kết luận không có sản phẩm trồng trọt hoặc chăn nuôi nào vượt quá ngưỡng giới hạn của chính phủ Nhật Bản. Tổng cộng, chỉ có 9 trong hàng chục nghìn mẫu thực phẩm kiểm tra nhiễm phóng xạ quá mức cho phép. 8 sản phẩm là cá nuôi tại các ao trong nước, mẫu còn lại là nấm dại.
Mỗi ngày, hơn 150 mẫu được chuẩn bị, dán mã, cân rồi chuyển qua một “thiết bị bán dẫn phát hiện chất germanium (Ge)”. Gạo được kiểm tra tại một nơi khác. Các vùng bị phóng xạ ảnh hưởng khác cũng có quy trình kiểm tra riêng của họ. Trong đó, chương trình của Fukushima có tính hệ thống và nghiêm ngặt nhất, cho thấy sự nghiêm trọng của thiệt hại mà khu vực này phải gánh chịu.
Sau thảm họa hạt nhân, một chương trình khử nhiễm xạ quy mô rộng đã được triển khai ở Fukushima. Tuy nhiên, nhà chức trách không thể thực hiện chương trình trong rừng, nơi có mật độ cây dày đặc. Tại những khu vực khác, lớp đất bề mặt cây cối bị loại bỏ, kali được rải để hấp thụ caesium (Cs).
Các cuộc kiểm tra là nỗ lực mang tính nền tảng để giành lấy lòng tin từ người tiêu dùng.
“Một số người, cả ở Nhật Bản lẫn nước ngoài, vẫn còn lo ngại nên chúng tôi muốn tiếp tục giải thích cho người dân các tỉnh, các quốc gia khác rằng sản phẩm của chúng tôi an toàn”, Kenji Kusano, một quan chức tại trung tâm kiểm nghiệm, nói.
Kusano cho rằng quá trình kiểm nghiệm vẫn rất quan trọng, trong bối cảnh cư dân đang dần quay trở lại Fukushima. “Khi người dân trở lại những khu vực không còn bị hạn chế và bắt đầu tự sản xuất rau, trái cây, chúng phải được kiểm nghiệm”, theo Kusano.
Thảm họa Fukushima đã tàn phá một khu vực phát triển mạnh của nền nông nghiệp Nhật Bản. “Lợi nhuận vẫn chưa đạt mức trước năm 2011 và giá cả vẫn ở dưới mức trung bình cả nước”, Nobuhide Takahashi, đại diện cho vùng Fukushima, nói.
Tình hình còn tệ hơn với ngư dân, nhiều người đang phải cầm cự sống bằng khoản bồi thường từ TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Đợt sóng thần phá hủy các cảng biển trong khu vực và nhu cầu với hải sản từ Fukushima thấp, bất chấp tiêu chuẩn đặt ra là 50 Bq/kg.
“Chúng tôi đánh bắt cá và chuyển tới chợ ở Tokyo. Một số người không muốn mua chúng”, Kazunori Yoshida, giám đốc công ty đánh cá Iwaki, cho biết. Hệ quả, ngư dân chỉ đánh bắt được 3.200 tấn hải sản trong năm 2017, giảm mạnh so với mức 24.700 tấn hồi năm 2010.
Vấn đề vẫn là nhận thức, dù việc kiểm nghiệm độc lập cũng xác nhận kết quả do các phòng thử nghiệm của chính phủ đưa ra. Tổ chức phi chính phủ The Minna no Data đã tự kiểm nghiệm và người phát ngôn Hidetake Ishimaru nói họ “rất bất ngờ” bởi “mức nhiễm xạ rất thấp” trong sản phẩm của Fukushima.
Có một số tiến triển tại cấp độ quốc tế. 27 trong tổng số 54 quốc gia áp hạn chế với thực phẩm từ Fukushima sau năm 2011 hiện đã dỡ bỏ lệnh cấm. 23 thị trường khác, bao gồm Mỹ và EU, đã nới lỏng hạn chế, chỉ còn một số khu vực láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn duy trì.
Đây cũng là tình trạng diễn ra ngay tại Nhật Bản với các khảo sát cho thấy vẫn có người tiêu dùng Nhật Bản né tránh sản phẩm từ Fukushima. Giới chuyên gia nhận định cách tiếp cận dựa trên khoa học của chính phủ Nhật Bản không mấy tác dụng trong thuyết phục người dân.
“Không ai tin nếu chỉ bằng cách nói ‘an toàn’”, theo Katsumi Shozugawa, giáo sư Đại học Tokyo, người đã nghiên cứu an toàn thực phẩm Fukushima. Chính phủ kiểm nghiệm là hành động hợp lý nhưng nỗ lực thuyết phục người tiêu dùng vẫn còn “kém”.
Tomiko Yamaguchi, giáo sư xã hội học tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế, Tokyo, tin người tiêu dùng đang phân vân giữa nỗi sợ sản phẩm Fukushima và sự đồng cảm với người dân tại đó.
“Mọi người không thể nói ra những điều đó. Nó gần như một điều cấm kỵ”, bà Yamaguchi nói. “Nếu bạn rất quan tâm đến con cái thì việc có bằng chứng khoa học hay không không quan trọng”.
Trên một nông trại ở Fukushima, nơi những quả đào đã sẵn sàng được hái, Chusaku Anzai, nông dân đời thứ 14 trong một gia đình, cho biết ông đã chấp nhận tình hình hiện tại.
“Không việc gì phải lãng phí sức lực để thuyết phục những người không muốn dùng sản phẩm của chúng tôi”, người đàn ông 69 tuổi chia sẻ. Gương mặt ông hiện rõ những vất vả suốt 50 năm làm nghề nông. “Chúng tôi không thể làm gì ngoài việc ngồi chờ họ đổi ý”.
Một dấu hiệu tích cực đã xuất hiện trong kết quả khảo sát trực tuyến công bố hồi tháng 3 của Cơ quan Các vấn đề Người tiêu dùng. Với gần 5.000 người tham gia, tỷ lệ người tiêu dùng do dự khi mua sản phẩm từ Fukushima do lo ngại nhiễm xạ đã giảm xuống 12,7%, mức cùng kỳ năm 2013, khi khảo sát bắt đầu, là 19,4%.
07:21, 28/07/2018
11:09, 05/04/2018
08:03, 01/07/2017