6 tháng đầu năm, doanh nghiệp xây dựng “làm ăn” ra sao?
Cập nhật lúc: 22/07/2020, 06:00
Cập nhật lúc: 22/07/2020, 06:00
Doanh nghiệp Nhà nước lỗ hơn nghìn tỷ đồng
Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mưa đá ở miền Bắc, hạn hán tại Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Diễn biến trên, tác động trực tiếp đến việc canh tác, giảm nhu cầu phân bón. Ngoài ra, nguyên liệu đầu vào, vốn và điều kiện sản xuất, cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng là khó khăn đối với Vinachem.
Doanh thu ước đạt 10.432 tỷ đồng, bằng 91% so với kế hoạch quý. Lũy kế 6 tháng ước đạt 19.971 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 43,4% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất quý II ước lỗ 442 tỷ đồng; 6 tháng 2020 ước lỗ 1.025 tỷ đồng.
4 đơn vị thuộc Đề án 1468 bao gồm: Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 1 - Hải Phòng, DAP số 2 - Lào Cai, ước lỗ 1.907 tỷ đồng, tăng lỗ 1.326 tỷ đồng. Các đơn vị còn lại lãi 882 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với đầu tư xây dựng, giá trị thực hiện trong quý II đạt 134 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 198 tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch đầu tư xây dựng của năm. Trong quý, Tập đoàn đã quyết toán các hợp đồng thuộc Dự án Khai thác và chế biến muối mỏ Lào; tiếp tục tập trung vào các dự án như: Dự án xây dựng Nhà máy Lân Văn Điển tại Thanh Hóa của Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển...
Quý III, Vinachem đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh với giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 9.622 tỷ đồng, doanh thu đạt 10.210 tỷ đồng và lợi nhuận cộng hợp dự kiến lỗ 546 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị thuộc Đề án 1468 lỗ 930 tỷ đồng, các đơn vị còn lại lãi 384 tỷ đồng.
Tập đoàn tư nhân báo lãi gấp đôi cùng kỳ
Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh hợp nhất tháng 6 với doanh thu 2.121 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 105 tỷ đồng.
Tính lũy kế quý III niên độ tài chính 2020 (1/4 - 30/6), doanh thu ước đạt 6.825 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế là 307 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng niên độ tài chính 2020 (1/10/2019 - 30/6/2020), công ty ngành tôn đạt doanh thu 19.189 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ và hoàn thành 69% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế là gần 690 tỷ đồng, tăng 149% so với cùng kỳ năm trước và vượt đến 72% kế hoạch năm.
Hoa Sen hưởng lợi từ việc giá thép cán nóng HRC giảm so với cùng kỳ giúp biên lợi nhuận của các công ty tôn thép được cải thiện mạnh. Doanh nghiệp này dự định đầu tư xây dựng trung tâm phân phối tại các tỉnh với chức năng vừa bán hàng vừa làm vai trò phân phối để phục vụ hàng hóa cho chính hệ thống. Tập đoàn còn có kế hoạch đầu tư vốn vào chính các công ty sản xuất nằm trong chuỗi cung ứng của Hoa Sen để tạo thêm giá trị gia tăng.
Doanh nghiệp KCN giảm lợi nhuận nhưng lên kế hoạch đầu tư mới
Công ty Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (mã PXL) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu giảm mạnh 89%, còn 865 triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ giá vốn không phát sinh và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm nên lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ hơn mức giảm của doanh thu, đạt 3 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm do nguồn thu từ hoạt động bán bất động sản chỉ còn 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương hơn 735,5 triệu đồng. Quý I, công ty thậm chí còn không ghi nhận doanh thu từ mảng kinh doanh này.
Lý giải về việc lợi nhuận giảm trong quý II và 6 tháng đầu năm 2020, PXL cho biết, doanh nghiệp tập trung nhân lực, nguồn vốn cho việc xúc tiến, hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư với các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để triển khai thực hiện dự án Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn. PXL cho biết đây là dự án đầu tư trong thời gian dài hạn, giai đoạn hiện tại đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư nên chỉ phát sinh các chi phí có liên quan mà chưa có doanh thu và lợi nhuận.
Dự án Khu công nghiệp Long Sơn nằm ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có diện tích 850ha, được chia làm 3 giai đoạn với giai đoạn 1 là 11.759 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 10.453 tỷ đồng và giai đoạn 3 là 7.399 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư là 29.611 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt thấp hơn do công ty không ghi nhận phần doanh thu được chia từ các hoạt động hợp tác kinh doanh/thoái vốn. Quý II là thời gian PXL chưa hoàn thành thoái vốn tại Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Bình Sơn nhưng công ty đã dùng nguồn vốn tự có để thanh toán, trả nợ các khoản vay nguồn ủy thác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Điều này cũng làm giảm doanh thu tài chính trong quý II và 6 tháng đầu năm 2020.
PXL ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 6,3 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2019.
Năm 2020, PXL đặt mục tiêu doanh thu là 146,2 tỷ đồng, gấp 4 lần mức thực hiện năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế là 28,2 tỷ đồng. Như vậy, công ty còn cách xa kế hoạch doanh thu và mới hoàn thành 22% kế hoạch lợi nhuận.
Công ty tài chính bất động sản báo lãi tăng
Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (mã TCH) có thông tin trả lời cổ đông về tình hình kinh doanh quý I niên độ tài chính 2020 (1/4 - 30/6).
Doanh thu tạm tính đạt 555 tỷ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, bất động sản đóng góp 288 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất 52%; xe đầu kéo Mỹ đóng góp 248 tỷ đồng, chiếm 44%; còn lại doanh thu khác là 19 tỷ đồng, chiếm 3%.
Ban lãnh đạo công ty nhận định, cơ cấu doanh thu đang có chuyển dịch tích cực khi nguồn thu từ bất động sản bắt đầu đóng góp tỷ trọng trên 50% trong 4 quý trở lại đây, trong khi doanh số bán xe vẫn duy trì tốt và có tăng trưởng.
Với mảng bất động sản, dù có thời gian tạm ngừng vì dịch nhưng hoạt động xây dựng và thi công đều đảm bảo tiến độ đề ra do trước đó, các dự án đều vượt tiến độ 1 - 2 tháng. Hiện nay, công ty đã và đang thực hiện bàn giao các căn hộ cho cư dân và mặt bằng kinh doanh cho các thương hiệu kinh doanh tại tháp 33 tầng Gold Tower - 275 Nguyễn Trãi, Hà Nội và một số sản phẩm nhà thấp tầng tại dự án Hoang Huy Riverside tại Hải Phòng.
TCH cho biết đang lập báo cáo tài chính hợp nhất quý I do có nhiều công ty thành viên nên chưa hoàn tất số liệu.
Doanh nghiệp khu công nghiệp ít biến động lợi nhuận
Công ty Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã NTC) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu tăng 6%, lên 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn cho thuê đất tăng mạnh khiến biên lợi nhuận gộp giảm từ 74,7% xuống còn 64,9%.
Doanh thu tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi và cổ tức, giảm nhẹ 2% còn 44,5 tỷ đồng. Chi phí tài chính không đáng kể. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 16% còn 9 tỷ đồng.
Kết lại, lợi nhuận sau thuế là 56 tỷ đồng, giảm 8%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu giảm tương ứng, đạt 3.493 đồng/cp.
Năm 2020, Nam Tân Uyên đề ra chỉ tiêu tổng doanh thu 390 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% và lợi nhuận sau thuế hơn 177 tỷ đồng, giảm 25% so với năm trước. Sau 6 tháng, công ty ghi nhận doanh thu đạt 92 tỷ đồng, tăng 6% và lợi nhuận sau thuế là 141 tỷ đồng, tăng 8%. Như vậy, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 24% kế hoạch doanh thu nhưng vượt kế hoạch lợi nhuận.
Tổng tài sản tính đến 30/6 là 4.096 tỷ đồng, tăng 16%. Trong đó, tiền gửi ngắn hạn chiếm 35%, gấp 2 lần đầu kỳ. Ngược lại, nợ vay ngắn lên gần 302 tỷ đồng, do phát sinh khoản vay Vietcombank giá trị 300 tỷ đồng trong quý II. Nợ vay dài hạn là 2 tỷ đồng.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, lãnh đạo Nam Tân Uyên cho biết, doanh nghiệp dự kiến cho thuê 50ha đất với giá cho thuê bình quân dự kiến 90 - 95 USD/m2 đối với đất công nghiệp và 160 - 170 USD/m2 đối với đất dịch vụ. Đối với cho thuê nhà xưởng xây sẵn, công ty dự kiến cho thuê 10.000m2 với giá cho thuê khoảng 2,2 - 3 USD/m2/tháng.
Công ty cũng dự kiến chuyển niêm yết từ UPCoM sang HoSE trong năm 2020, đồng thời, thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Doanh nghiệp khu đô thị tăng lợi nhuận
Công ty Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (mã D2D) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu đạt 68 tỷ đồng, tăng 12% so với quý II/2019. Dự án Khu dân cư Lộc An vẫn là nguồn thu chủ đạo của doanh nghiệp.
Giá vốn chuyển nhượng nhà đất dự án khu dân cư phường Thống Nhất giảm góp phần giúp biên lợi nhuận gộp tăng gần 5% lên 70,1%.
Tổng kết 6 tháng đầu năm, D2D ghi nhận doanh thu 149 tỷ đồng, tăng 22% và lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng. Doanh nghiệp đạt 36% kế hoạch doanh thu và 84% chỉ tiêu lợi nhuận.
Công ty cao tốc báo giảm nửa doanh thu so với cùng kỳ
Công ty Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (mã SKG) vừa công bố doanh thu quý II đạt 61 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào quý II, cụ thể là tháng 4 khiến Superdong - Kiên Giang phải tạm ngưng hoạt động theo chỉ đạo của cơ quan chức năng.
Hoạt động kinh doanh ngưng trệ khiến các chi phí đều giảm. Lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 638 triệu đồng, trong khi, cùng kỳ lãi đến 46 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất từ khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý. Lãi cơ bản trên cổ phiếu giảm tương ứng, còn 10 đồng/cp.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần xuống 149 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 6 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ năm trước. Công ty đã hoàn thành 42% kế hoạch doanh thu và 20% kế hoạch lợi nhuận.
13:30, 16/07/2020
08:30, 10/07/2020