6 sai lầm tai hại khi dùng điều hòa gây tốn điện, hại sức khoẻ
Cập nhật lúc: 25/05/2020, 06:00
Cập nhật lúc: 25/05/2020, 06:00
Điều hòa gần như là vật bất ly thân của các hộ gia đình trong thời điểm nắng nóng lên tới đỉnh điểm như hiện nay. Tuy nhiên, nếu bạn không chú ý trong quá trình sử dụng, điều hòa có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe lẫn hóa đơn tiền điện của bạn.
1. Không bảo dưỡng điều hòa
Kể cả khi không được bảo dưỡng trong một thời gian dài, điều hòa của bạn vẫn hoạt động như bình thường. Tuy nhiên, ẩn sau đó là nguy cơ gây bệnh về đường hô hấp mà bạn không thể nhìn thấy. Chưa kể, không bảo dưỡng thường xuyên còn khiến tuổi thọ điều hòa giảm và gây tốn điện hơn.
Màng lọc trong điều hòa có tác dụng loại bỏ bụi bẩn, các tác nhân gây dị ứng và nhiều thứ khác. Sau khoảng 6 tháng sử dụng, chúng sẽ bám đầy trên màng lọc và cản trở không khí đi qua hệ thống, khiến nhà không mát hơn mà còn thêm bụi bặm.
Bạn có thể cải thiện hiệu năng của điều hòa lên 5-15% chỉ bằng cách thay thế bộ lọc bẩn hai lần/năm.
2. Chỉnh nhiệt độ quá thấp
Đây là lỗi sai phổ biến từ ngày xưa do nhiều hộ gia đình không hiểu cách thức hoạt động của điều hòa. Mọi người thường xuyên giảm nhiệt độ xuống với hy vọng điều hòa sẽ làm mát nhanh hơn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc này chỉ khiến cho cơ thể dễ bị sốc nhiệt, gây nguy hiểm cho tính mạng.
Khả năng làm mát của điều hòa thật ra phụ thuộc vào thời gian và chế độ mà bạn lựa chọn. Vì vậy, bạn không nên giảm nhiệt độ điều hòa xuống quá 20 độ C. Mức nhiệt lý tưởng nhất là 26-28 độ C, thấp hơn một chút so với nhiệt độ phòng, đủ để bạn cảm thấy thoải mái và mát mẻ.
3. Bật chức năng Dry mode
Dry mode là chế độ làm giảm độ ẩm trong phòng, giúp không khí bớt ngột ngạt và mồ hôi bay hơi nhanh hơn. Do đó, điều hòa cũng không phải tiêu tốn quá nhiều điện năng.
Tuy nhiên, chế độ này chỉ phù hợp với những ngày mưa nhiều độ ẩm cao. Cảm giác mát mẻ khi bật Dry mode cũng chỉ là cách làn da đánh lừa bạn, do hơi nước không còn đọng trên da nữa. Vào những ngày nắng nóng, độ ẩm thấp, việc bật chế độ Dry sẽ khiến mọi người bức bối và tốn điện hơn.
Bên cạnh đó, lạm dụng Dry mode để hút ẩm có thể khiến làn da thiếu nước, dẫn tới nứt nẻ khô mắt, khô mũi.
4. Đặt chậu nước trong phòng khi bật điều hòa
Nhiều gia đình lo lắng rằng bật điều hòa sẽ khiến cho không khí bị khô, nên thường đặt thêm một chậu nước trong phòng để tạo độ ẩm. Tuy nhiên, nếu để ý, bạn sẽ thấy mực nước trong chậu vẫn giữ nguyên hoặc bốc hơi rất chậm, không hề cấp ẩm cho căn phòng như bạn tưởng.
Có nhà còn mua hẳn máy phun sương về để cấp ẩm cho con, nhưng việc này là hoàn toàn không cần thiết. Trẻ em hít phải nhiều hơi nước, nhất là trong môi trường độ ẩm cao sẽ càng dễ mắc bệnh về đường hô hấp như ho, viêm phổi…
5. Dội nước vào cục nóng
Khi thời tiết nắng nóng, điều hòa phải làm việc nhiều nên dễ nóng hơn. Nhiều người xử lý hiện tượng này bằng cách tắt điều hòa một lúc rồi dội nước mát vào cục nóng để điều hòa làm mát hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, đây là một phương pháp tai hại và có thể gây chập, cháy và làm hỏng cục nóng.
Mẹo truyền miệng này khá nguy hiểm, vì khi trời nóng, điều hòa làm việc nhiều đồng nghĩa với việc cục nóng sẽ nóng hơn. Việc bạn dội nước vào cục nóng sẽ có khả năng gây chập, cháy hệ thống điện của điều hòa. Hơn nữa, sau khi dội nước xong rồi lại bật, điều hòa vẫn chạy với tốc độ và công suất như cũ nên việc làm trên không hề có tác dụng gì.
Nếu muốn giảm bớt nhiệt độ, bạn nên đặt cục nóng ở những nơi mát mẻ, tránh ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào.
6. Quên đóng, che chắn cửa sổ
Phần lớn nhiệt được hấp thụ vào nhà đều thông qua cửa sổ, đặc biệt là khi để cửa sổ mở. Do đó, trong quá trình sử dụng điều hòa, bạn cũng nên chú ý đến cửa sổ nhà mình. Hãy đảm bảo bạn đóng chặt cửa sổ và che chắn bằng rèm hoặc mành vào những thời điểm nóng nhất trong ngày.
Buổi tối, bạn có thể mở hết các cửa sổ ở trong nhà để đón gió tự nhiên. Điều hòa càng ít phải làm việc, càng bền lâu.
13:44, 22/05/2020
08:27, 22/05/2020
07:20, 22/05/2020