20/01/2025 | 23:58 GMT+7, Hà Nội

50% người mắc tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh

Cập nhật lúc: 27/10/2019, 14:00

Ở nước ta, cứ 2 người trưởng thành lại có một người mắc bệnh này, nhưng có tới 50% người chưa được phát hiện.

GS.TS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Trưởng Ban điều hành Chương trình quốc gia phòng chống các bệnh tim mạch cho biết, tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch phổ biến nhất trong cộng đồng ở cả trên thế giới cũng như ở nước ta. Gánh nặng bệnh tật và tử vong do tăng huyết áp và các bệnh mạn tính không lây liên quan là một trong các vấn đề sức khỏe cấp bách nhất hiện nay.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính hiện đã có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới bị tăng huyết áp. Và mỗi năm cũng có khoảng 9,4 triệu người tăng huyết áp đã bị tử vong. Đáng lưu ý, vẫn có khoảng 50% những người tăng huyết áp nhưng chưa hề biết là mình đã bị tăng huyết áp.

Đo huyết áp là phương pháp đơn giản để phát hiện bệnh.

Một điều tra dịch tễ về tăng huyết áp tại cộng đồng do Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) tiến hành tại 8 tỉnh đại diện cho các vùng, miền trên cả nước cho thấy, tỷ lệ mắc tăng huyết áp đã lên tới gần 48% ở những người trên 25 tuổi, tương đương gần 21 triệu bệnh nhân. Tức là cứ 2 người trưởng thành có 1 người bị tăng huyết áp. Trong số những người mắc tăng huyết áp thì tỷ lệ ở nam giới cao hơn (chiếm 47%), trong khi nữ giới là 42%.

Nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh phần lớn do lối sống kém lành mạnh. Nhiều người trẻ không có ý thức xây dựng thời gian biểu học tập, làm việc và nghỉ ngơi khoa học. Thường xuyên thức khuya, sử dụng nhiều chất kích thích, ăn mặn, thực phẩm chứa chất bảo quản, đồ ăn chiên, xào, lười vận động, cơ thể thừa cân, béo phì..

Bên cạnh đó, nhiều người có tâm lý chủ quan, bỏ qua các triệu chứng của bệnh dẫn đến biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não... 

Theo GS Nguyễn Lân Việt, một người được chẩn đoán tăng huyết áp khi huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90mmHg. Đặc biệt, với những gia đình có tiền sử cao huyết áp, con cái cũng cần chú ý, kiểm tra huyết áp từ sớm theo định kỳ. Mọi người đều có thể chủ động tự kiểm tra huyết áp, không đợi đến lúc có triệu chứng mới đo huyết áp. Nếu biết bệnh, phòng ngừa điều trị tốt sẽ giảm các biến chứng tim mạch. Chỉ cần giảm 2mmHg huyết áp sẽ giúp giảm 7% nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành, 10% nguy cơ tử vong do đột quỵ...

Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc. Người dân không nên tùy tiện mua thuốc điều trị tăng huyết áp tại các hiệu thuốc về sử dụng. Điều này sẽ không có lợi, vì mỗi một người bệnh tăng huyết áp có cách điều trị khác nhau.

Để phòng chống bệnh tăng huyết áp, vị chuyên gia tim mạch này khuyên người dân hãy đi đo huyết áp để biết được số đo huyết áp của mình và nhấn mạnh “Hãy nhớ số đo huyết áp như số tuổi của mình”.

Cùng với đó, cần điều chỉnh để có một lối sống hợp lý ngay từ lúc còn trẻ. Cụ thể là:

- Không nên ăn mặn, không ăn nhiều mỡ động vật hoặc các thức ăn có chứa nhiều Cholesterol.

- Hạn chế uống rượu, bia.

- Không hút thuốc lá, thuốc lào.

- Tập thể dục đều đặn hàng ngày 30-45 phút.

- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh.

- Tránh bị lạnh đột ngột.

- Nên khám sức khỏe định kỳ, có kiểm tra số đo huyết áp và làm một số xét nghiệm cơ bản nhất (điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa máu,…)

Với những trường hợp đã bị tăng huyết áp thì hãy tích cực điều chỉnh lối sống hợp lý và tuân thủ phác đồ điều trị mà thầy thuốc đã hướng dẫn. Cần nhớ là điều trị tăng huyết áp là phải điều trị lâu dài, liên tục.