22/11/2024 | 21:16 GMT+7, Hà Nội

5 sự kiện nổi bật ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới năm 2016

Cập nhật lúc: 01/01/2017, 19:14

Nền kinh tế thế giới năm 2016 chứng kiến những biến động mạnh do tác động của rất nhiều các sự kiện, bao gồm những sự kiện mang tính kinh tế và cả sự kiện nhìn bề ngoài không mang tính kinh tế.

Với một thế giới thông thương như hiện nay và với mạng lưới thông tin trực tuyến 24/24, những sự kiện xảy ra ở một khu vực sẽ lập tức tác động đến nền kinh tế của nhiều nước trên toàn thế giới

Dưới đây là 5 sự kiện gây tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu:

1-Thị trường chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo

Chứng khoán Trung Quốc chứng kiến cơn bán tháo cổ phiếu ồ ạt trong tháng 1/2016, với chỉ số chứng khoán chủ chốt có phiên giảm tới khoảng 7%, khiến giá cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán trên thế giới sụt giảm theo.

Tình trạng bán tháo mạnh đến nỗi cơ chế tự dừng hoạt động được kích hoạt, khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc phải đóng cửa sớm vào 2 ngày trong tuần đầu tháng 1/2016.

Các nhà kinh tế cho rằng những yếu tố dẫn đến tình trạng bán tháo của chứng khoán Trung Quốc như kinh tế giảm tốc hay dòng vốn ngoài rút ra đều không mới, nhưng điều gây ngạc nhiên là ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thị trường toàn cầu.

Mùa hè năm 2015, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc từng lao dốc, phải sau vài tuần thị trường toàn cầu mới có phản ứng theo. Nhưng với lần này, chỉ trong 1 ngày đen tối của chứng khoán Trung Quốc, thị trường toàn cầu đã ngập trong sắc đỏ.

2-Giá dầu giảm rất sâu, OPEC phải giảm sản lượng để khôi phục

Giá dầu đã xuống thấp kỷ lục khoảng 26 USD/thùng hồi tháng 2/2016, trước khi hồi phục mạnh lên mức khoảng 50 mức 55 USD/thùng vào cuối năm.

Đà hồi phục diễn ra sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC vào tháng 11/2016 đã đồng thuận quyết định cắt giảm sản lượng lần đầu tiên kể từ tháng 12/2008 xuống dưới 33 triệu thùng/ngày sau quá trình thương lượng đầy khó khăn diễn ra tại Vienna, thủ đô nước Áo.

Đây là một quyết định mang tính lịch sử không chỉ đối với các quốc gia thuộc OPEC mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia và nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Sau khi thông báo này được đưa ra, giá dầu tăng mạnh tới 10%. Sự biến động mạnh của giá dầu khiến thị trường chứng khoán và tiền tệ thế giới cũng biến động theo.

Vào ngày 10/12, các nước xuất khẩu dầu mỏ ngoài OPEC cũng đã đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác. Theo đó, Nga và các nhà sản xuất khác ngoài OPEC quyết định giảm sản lượng đi 558.000 thùng/ngày.

Những thỏa thuận về cắt giảm sản lượng đã đẩy giá dầu thế giới lên gấp đôi so với mức đáy được ghi nhận đầu năm nay.

3-Brexit – nước Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu (EU)

Sự kiện cử tri Anh đi bỏ phiếu rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, gây tác động mạnh đến thị trường toàn cầu tại thời điểm đó.

Đồng bảng Anh rớt giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt, đặc biệt xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong vòng 31 năm. Điều này khiến các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ lao dốc theo. Thị trường chứng khoán, kim loại, dầu thô, tiền tệ đều biến động kỷ lục vì sự kiện bất ngờ này.

Chỉ trong nửa ngày sau đó, nhiều ngân hàng đã mất đi 1/3 vốn hóa. Các nhà đầu tư chọn vàng và đồng Yên Nhật làm nơi trú ẩn khiến giá các tài sản này tăng vọt.

Chỉ một ngày sau khi có kết quả, giá vàng có lúc tăng 100 USD/ounce, còn đồng Yên mạnh lên đáng kể so với USD và Euro. Hàng loạt ngân hàng trung ương tại Anh, Châu Âu và Mỹ sau đó đã phải lên tiếng trấn an thị trường và cam kết bơm tiền hỗ trợ các nhà băng để đối phó với biến động.

Tuy nhiên, sau đó mọi việc đã dần bình ổn trở lại, chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng trung ương Anh đã giúp thị trường hồi phục. Đến tháng 8/2016, các chỉ số của thị trường trái phiếu toàn cầu đạt mức cao nhất và tổng giá trị tài sản trên thị trường trái phiếu có mức lãi suất dưới 0% đã tăng lên đến 13.400 tỷ USD.

4-Tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ

Ông Donald Trump bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, khiến các chỉ số chứng khoán kỳ hạn của Mỹ ngay lập tức rơi tự do trong đêm đó. Tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi, thị trường chứng khoán Mỹ đã hồi phục, thậm chí là lập đỉnh trong phiên giao dịch ngay sau đó.

Các nhà kinh tế học dự đoán rằng hoạt động thương mại toàn cầu sẽ có những xáo trộn nhất định do những hiệp định tự do thương mại đa phương và song phương giữa Mỹ và các nước khác dưới thời Tổng thống Obama có thể bị bãi bỏ hoặc được điều chỉnh theo quan điểm và chính sách của ông Trump.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm những tài sản an toàn như vàng, và các hàng hóa an toàn khác và đẩy giá các loại hàng hóa này tăng theo chiến thắng của Trump. Giá dầu dự báo sẽ có biến đổi theo chiều hướng tích cực trong dài hạn dưới những chính sách mà ông Donald Trump dự kiến theo đuổi.

5-Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc được đưa vào giỏ tiền tệ của IMF

Vào ngày 1/10/2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chính thức đưa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vào rổ các đồng tiền dự trữ quốc tế, hay còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

Như vậy, đồng Nhân dân tệ đã trở thành đồng tiền dự trữ thứ 5 cùng với đồng USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật. Đây được xem là dấu mốc lịch sử đối với Trung Quốc, IMF và cả hệ thống tiền tệ quốc tế.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng việc đưa Nhân dân tệ vào giỏ SDR là một bước quan trọng trong việc hội nhập nền kinh tế Trung Quốc vào hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế, đồng thời phản ánh những cải cách trong hệ thống tiền tệ, giao dịch ngoại tệ và tài chính của Bắc Kinh.

Việc này được xem là có lợi cho các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam vì Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ có trách nhiệm hơn với đồng Nhân dân tệ so với việc từ trước đến nay đồng Nhân dân tệ không được điều tiết theo thị trường.