19/01/2025 | 10:22 GMT+7, Hà Nội

5 nhóm ngành hàng nào là động lực tăng trưởng chính cho kinh tế năm 2022?

Cập nhật lúc: 08/01/2022, 06:45

Bước qua năm 2021 đầy khó khăn, biến động, hướng đến năm 2022, triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2022 được dự báo có thể phục hồi ấn tượng, đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5-7%, với 5 nhóm ngành hàng sẽ là động

Sự phục hồi kinh tế toàn cầu được duy trì sẽ đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ở những thị trường xuất khẩu chủ lực (Mỹ, EU, Trung Quốc). Động lực tăng trưởng tiếp là nhu cầu trong nước. Khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao hơn và có tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, nhu cầu trong nước sẽ được thúc đẩy. 

Tổng Giám đốc HSBC Tim Evans nhận định: Kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022, chủ yếu nhờ FDI mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất, từ đó thúc đẩy xuất khẩu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các hiệp định thương mại Việt Nam ký trong vòng hai năm qua bắt đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Ngoài ra, HSBC cho biết cơ sở hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp tục "tiếp thêm nhiên liệu" cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tái tạo/năng lượng xanh sau khi chính phủ Việt Nam đã đưa ra những tham vọng lớn sau hội nghị COP26.

Kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022, chủ yếu nhờ FDI mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất.
Kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022, chủ yếu nhờ FDI mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất.

Theo ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia - NCIF (Bộ KH&ĐT), các ngành "dẫn đường" kinh tế năm 2022 được phân thành 5 nhóm ngành cụ thể:

Một là nhóm vật liệu, xây dựng. Ông Quang cho rằng, trong cả nước tập trung đẩy mạnh thực hiện đầu tư công sẽ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo phát triển kỹ thuật số, do đó, nhu cầu về vật liệu xây dựng sẽ có xu hướng phát triển.

Hai là nhóm ngành có tỉ trọng xuất khẩu lớn như điện tử, dệt may, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, cao su, sắt thép, lương thực... do nhu cầu tiêu dùng của thế giới tăng, nhu cầu nhập khẩu tăng trở lại sẽ là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu (XK). 

Ba là nhóm ngành đồ uống, bán lẻ, hàng không... sẽ phục hồi do nhu cầu trong nước tăng.

Bốn là nhóm thương mại điện tử và logistics, do người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, đẩy mạnh mua sắm trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh.

Năm là nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đóng góp chính vào tăng trưởng XK chung của cả nước khi chiếm tỉ trọng 86,1% tổng kim ngạch XK của cả nước, gồm: Sắt thép các loại; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác; gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt và may mặc, giày dép các loại. 

Ngoài ra, trong công bố gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 ở mức 6,5% cho năm 2022. Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries đánh giá, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất nặng nề và rõ rệt, nhưng đến nay, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng, từ đó, thúc đẩy giao thương mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, nhờ vào tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 tăng cao tạo điều kiện sớm mở cửa nền kinh tế, góp phần tăng trưởng trở lại.

Năm 2022 sẽ là năm quan trọng, đặc biệt khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Lĩnh vực phục hồi nhanh sẽ là điện tử, hàng hóa liên quan tới phòng chống dịch bệnh, như điện tử, vật tư, thiết bị y tế, máy móc thiết bị, đồ gỗ, dệt may, giày dép... Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn, tiềm năng hơn.

Liên quan đến vấn đề này, Ông Luke Hong, Trưởng nhóm và Chuyên gia kinh tế trưởng về Việt Nam thuộc Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) nhận định, Việt Nam là một nền kinh tế định hướng thương mại cao, nên một trong những động lực tăng trưởng chính cho năm 2022 sẽ là khu vực sản xuất.

Nếu Việt Nam có đủ khả năng ngăn chặn đại dịch và giảm thiểu các hạn chế về di chuyển, đặc biệt là đối với các nhà máy và công nhân, thì lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài, dẫn đến việc mở rộng công suất ngay cả trong thời gian đại dịch.

Sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2022.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/5-nhom-nganh-hang-nao-la-dong-luc-tang-truong-chinh-cho-kinh-te-nam-2022-62955.html