19/01/2025 | 15:30 GMT+7, Hà Nội

4 động lực chính của thị trường chứng khoán năm 2022

Cập nhật lúc: 25/12/2021, 06:15

Với triển vọng kinh tế vĩ mô lạc quan, MASVN dự phóng VN-Index năm 2022 ở ngưỡng khoảng 1.700 điểm trong kịch bản cơ sở, tăng 15% so với mức đóng cửa cuối tháng 11/2021.

Với triển vọng kinh tế vĩ mô lạc quan, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASV) đã đưa ra dự phóng mức EPS tăng trưởng kép giai đoạn 2020 - 2022 đạt khoảng 29%/năm, thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường là 30%/năm, và mức P/E hợp lý khoảng 16 lần. Trên cơ sở đó, dự phóng VN-Index năm 2022 đạt ngưỡng khoảng 1.700 điểm trong kịch bản cơ sở, tăng 15% so với mức đóng cửa cuối tháng 11/2021.

"Kỳ vọng tăng trưởng EPS cao là động lực chính thúc đẩy sự tăng giá của thị trường chứng khoán", báo cáo của MASVN bày tỏ quan điểm. Cụ thể hơn, 4 động lực cơ bản thúc đẩy thị trường chứng khoán năm 2022 đã đưa ra.

Thứ nhất, sự lạc quan của nhà đầu tư về khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, các gói hỗ trợ tài khóa, tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thứ hai, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, kỳ vọng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư sẽ tiếp tục chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán, và thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục dồi dào.

Thứ ba, mặt bằng lãi suất ngân hàng thấp giúp kích thích tăng trưởng thông qua kích thích đầu tư, khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp hơn.

Thứ tư, triển vọng được nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi và các cải cách nhằm thỏa mãn các tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi, giúp cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.

4 động lực chính của thị trường chứng khoán năm 2022
4 động lực chính của thị trường chứng khoán năm 2022

Dự phóng tăng trưởng EPS năm 2021 và 2022 lần lượt là 34% và 24%

 

Trước những lo ngại về rủi ro mới phát sinh từ biến chủng Covid-19 mới (Omicron) và diễn biến số ca bệnh tăng nhanh trong tháng 11, nhóm nghiên cứu MASV đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 từ mức 40% trong báo cáo trước xuống còn 34% so với cùng kỳ. Cụ thể, tăng trưởng của các ngành: Dịch vụ tài chính, nguyên vật liệu, bất động sản, dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, tiện ích, phần mềm và dịch vụ, bán lẻ được kỳ vọng tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ trong năm 2021.

"Môi trường kinh tế vĩ mô chung được kỳ vọng sẽ tốt hơn từ những chuyển dịch sau đại dịch thông qua các cải cách cơ cấu trên phạm vi rộng, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Tốc độ tiêm vắc-xin tăng nhanh và gia tăng mức độ thích ứng được với chiến lược sống chung với Covid-19 sẽ giúp nền kinh tế sẽ phục hồi trên diện rộng trong năm 2022", báo cáo nêu. 

Nhờ đó, dự báo các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế nhờ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy bởi các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương. Chỉ số PMI của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam duy trì mức phục hồi trên 50 điểm, báo hiệu nhu cầu toàn cầu đang cải thiện. Với triển vọng tăng trưởng xuất khẩu lạc quan, các ngành như cảng biển, logistics cũng sẽ được hưởng lợi.

Song song đó, tiêu dùng nội địa được kỳ vọng phục hồi mạnh từ mức nền thấp, với các yếu tố xúc tác chính bao gồm dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh. Sức mua của người tiêu dùng cao hơn cũng sẽ góp phần thúc chi tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống. Tiêu dùng tăng thông thường sẽ khuyến khích các công ty tăng sản lượng và công suất, tạo thêm động lực tăng trưởng.

Tiếp đến, đầu tư công sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2022 sẽ tạo thuận lợi cho các nhà thầu xây dựng, cũng như gia tăng nhu cầu về vật liệu xây dựng như sắt thép, đá, xi măng...

Trên cơ sở đó, MASVN dự phóng hầu hết các ngành sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2022, với mức dự phóng EPS tăng trưởng 24% so với cùng kỳ trong năm 2022, tương đương mức tăng trưởng kép giai đoạn 2020 - 2022 khoảng 29%/năm, thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường là 30%/năm.

Các ngành được phân loại ra thành 3 nhóm dựa trên tăng trưởng lợi nhuận: Nhóm 1 - Duy trì đà tăng trưởng; Nhóm 2 - Giảm tốc; Nhóm 3 - Phục hồi.

Trong nhóm 1, các ngành dịch vụ tài chính, bất động sản, ngân hàng, phần mềm và dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2022. Trong khi đó, các ngành nguyên vật liệu, dầu khí, bảo hiểm, và tiện ích trong nhóm 2 được kỳ vọng tăng trưởng thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng trong năm 2021. Nhóm 3, bao gồm các ngành vận tải, bán lẻ, y tế, xây dựng cơ bản, may mặc và trang sức, thực phẩm và đồ uống, ô tô và phụ tùng sẽ phục hồi khi nền kinh tế khởi động lại hoàn toàn.

Chính sách tài khóa và tiền tệ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế phục hồi

Về chính sách tài khóa, sau khi điều chỉnh lại GDP, tỷ lệ nợ công của Việt Nam được tính lại khoảng 46,6% GDP vào cuối năm 2020, dưới mức ngưỡng cảnh báo an toàn của IMF là 55%. Theo dự phóng của IMF, sau khi thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế, tỷ lệ nợ công có thể tăng lên 47,1% vào cuối năm 2021. Đây là dư địa để Chính phủ có thể thực hiện các gói kích thích kinh tế mới và đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2022.

Đối với chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng giảm tốc trong quý III/2021 do thực hiện giãn cách xã hội trong quý III (cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng đạt 7,88%). Nhờ tái khởi động nền kinh tế từ tháng 10, MASVN kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ được tăng tốc quý IV, với mức dự báo tăng trưởng 13% trong năm nay.

"Chúng tôi kỳ vọng tín dụng sẽ tăng khoảng 13% trong năm 2022 để tài trợ cho các kế hoạch khôi phục và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới", báo cáo nêu.

Về lãi suất, với định hướng lạm phát mục tiêu 4%, dư địa để giảm lãi suất điều hành không còn nhiều. Thay vào đó, MASVN kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp hơn. Theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1,66 điểm phần trăm/năm so với trước dịch.

Định giá thị trường tương đối hấp dẫn

Câu chuyện dài hạn chính là triển vọng nâng hạng thị trường lên các thị trường mới nổi. So sánh tương quan với các thị trường trên thế giới và thị trường trong khu vực, thị trường Việt Nam đang được giao dịch ở mức P/E tương đối hấp dẫn với mức ROE cao và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.

Tầm nhìn đến cuối năm 2022, khi các công ty phục hồi hoạt đồng sản xuất kinh doanh hoàn toàn, mức dự phóng tăng trưởng EPS năm 2022 khoảng 24%, tương đương mức P/E dự phóng cuối 2022 khoảng 13,9x. Như vậy, mức định giá hiện tại được nhìn nhận là vẫn hấp dẫn trước các cơ hội mở ra khi giai đoạn bình thường mới bắt đầu.

"Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam và tiềm năng thu hút dòng vốn ngoại khi thị trường Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi", báo cáo nhấn mạnh. Trong khi đó, các đổi mới nhằm thỏa mãn các tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi, góp phần gia tăng cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của thị trường. 

Song song với những động lực cơ bản thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường chứng khóan năm 2022, vẫn tồn tại những rủi ro mà doanh nghiệp và nhà đầu tư cần lưu ý. Theo MASVN, rủi ro lớn nhất hiện tại là nguy cơ bùng phát dịch ngoài tầm kiểm soát, cũng như sự phát triển của các biến chủng Covid-19 mới gây ra tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, với tầm nhìn tăng giá dài hạn, nhóm nghiên cứu cho rằng các nhịp điều chỉnh sâu của thị trường lại là cơ hội để mua tích lũy các cổ phiếu tốt./.

Nguồn: https://reatimes.vn/4-dong-luc-chinh-cua-thi-truong-chung-khoan-nam-2022-20201224000008948.html