18/01/2025 | 08:54 GMT+7, Hà Nội

3 năm nữa, giới nhà giàu Việt sẽ đua nhau sở hữu ngôi nhà thứ hai

Cập nhật lúc: 24/07/2017, 09:38

Ngoài việc được sở hữu căn hộ hạng sang để nghỉ dưỡng, với cơ chế hiện nay, các chủ đầu tư sẵn sàng thuê lại để kinh doanh, trả lãi suất cho chủ sở hữu căn hộ từ 10-13%/năm.... Nhiều chuyên gia nhận định, trong thời gian khoảng 3 năm nữa, giới nhà giàu Việt sẽ đổ xô mua căn nhà thứ hai.

Ngôi nhà thứ hai là thuật ngữ được giới đầu tư BĐS thế giới sử dụng để chỉ các sản phẩm ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, không phải là nơi lưu trú chính của chủ sở hữu mà chủ yếu để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi riêng của gia đình; hoặc tạo ra nguồn thu nhập từ việc cho thuê.

Tại Mỹ, ngôi nhà thứ hai được gọi là “second-home”; tại Anh dòng sản phẩm này lại được gọi là vacation home.

Second-home có 2 loại sản phẩm chính là biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ nghỉ dưỡng (hoặc căn hộ khách sạn), hay còn gọi là condotel.

Các sản phẩm ngôi nhà thứ hai thường tọa lạc tại những khu du lịch.Hiện Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Phan Thiết, Quảng Ninh, Mũi Né… là những địa danh gắn với vẻ đẹp thiên nhiên đều đang vươn mình trở thành điểm đến của BĐS nghỉ dưỡng.

Tại các địa phương trên, hàng loạt dự án mới đang xuất hiện ngày càng nhiều, như 3 dự án Vinpearl của Vingroup ở Nha Trang, Phú Quốc, và Đà Nẵng với tổng số 847 căn biệt thự ven biển, trung bình giá trị mỗi căn gần triệu đô la; CEO Group đang ấp ủ kế hoạch nghìn tỷ ở Phú Quốc; BIM Group khởi công khách sạn 5 sao Crowne Plaza Phú Quốc 400 phòng...

Theo đánh giá của chuyên gia, chỉ trong 7 năm qua (2010 - 2016), lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 2 lần từ 5 triệu lượt lên hơn 10 triệu lượt, khách nội địa còn tăng ấn tượng hơn gấp khoảng 2,5 lần từ 28 triệu lượt lên 62 triệu lượt.

Đáng chú ý, riêng 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 6.206.336 lượt, tăng 30,2%. Khách nội địa trong 6 tháng đầu năm đạt 40,7 triệu lượt, trong đó có 19,2 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ du lịch ước đạt 254.700 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Sự tăng trưởng này kéo theo nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng cao cấp tăng theo để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Điều này mang đến một thời kỳ “vàng” cho thị trường ngôi nhà thứ hai đang rất thịnh hành ở các thành phố ven biển.

Theo dự đoán của các chuyên gia, khoảng 3 năm nữa, giới nhà giàu Việt sẽ đua nhau sở hữu ngôi nhà thứ hai. Ảnh minh họa

Theo dự đoán của các chuyên gia, khoảng 3 năm nữa, giới nhà giàu Việt sẽ đua nhau sở hữu ngôi nhà thứ hai. Ảnh minh họa.

Ông Phạm Văn Đại, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam cho biết, ngôi nhà thứ hai hay BĐS nghỉ dưỡng là một phân khúc đặc biệt, là sự kết hợp giữa mục đích sử dụng và đầu tư.

Sự kết hợp này cho phép nhà đầu tư thu lợi thông qua các chương trình ủy thác quản lý cho thuê, cam kết lợi nhuận hoặc tự cho thuê, cũng như tiềm năng tăng trưởng dài hạn.

Những gia đình giàu có, thu nhập cao tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM vẫn đang là đối tượng khách hàng chính trên thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Một nghiên cứu do Savills tiến hành vào năm 2015 cho thấy, khách từ Hà Nội (chiếm 80%) và TPHCM (chiếm 20%) là nguồn khách chính tại Phú Quốc; tỷ lệ tương tự cũng được tìm thấy tại Đà Nẵng và Nha Nha Trang”, ông Đại cho biết.

Trong khi đó, theo phân tích của ông Trần Nam Sơn, Quỹ Vietnam Capital Partners, về xu hướng đầu tư BĐS của người giàu có thì GDP càng cao, nhà đầu tư càng hướng đến BĐS nghỉ dưỡng.

Theo đó, ở thời điểm hiện tại, giới nhà giàu sẽ mua nhà để cho thuê lại nhưng từ 2020 trở đi thì người giàu có sẽ mua BĐS để đi nghỉ dưỡng. Đây sẽ là xu hướng của thị trường BĐS trong 5 - 10 năm tới.

Một nghiên cứu gần đây của Savills cho biết, số lượng nhà giàu tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi mức 250.000 năm 2016 lên 530.000 hộ vào năm 2020.

Hiện những công dân cao tuổi vẫn chưa nhận thấy được tiềm năng của khu nghỉ hưu hiện hữu. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ sớm thay đổi. Nếu các thành phố ven biển nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt về hệ thống y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thì những người cao tuổi sẽ dành một khoản cho BĐS nghỉ dưỡng”, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu thị trường Savills cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại, sự bùng nổ của xu hướng đầu tư này, kéo theo cuộc chạy đua của các đại gia BĐS vào “cuộc chơi” BĐS nghỉ dưỡng càng trở nên khó lường.

Vì hiện nay, không chỉ có những “ông lớn” địa ốc có uy tín mà còn rất nhiều DN ít tên tuổi, thậm chí là ngoài ngành lao vào “cơn say” đầu tư dự án condotel, biệt thự biển.

Từ đó, cuộc chạy đua về cam kết lợi nhuận nhằm hút dòng tiền nhàn rỗi từ các nhà đầu tư cá nhân ngày càng khốc liệt, không còn là 8 - 9%, đã lên tới 12 - 13%. Điều này khiến các nhà đầu tư kỳ vọng lớn vào khoản lợi nhuận kiếm được mà họ đã dốc hầu bao đầu tư, nhưng đằng sau đó vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại.

Ông Rudolf Hever, Giám đốc bộ phận Tư vấn Khách sạn, Savills Châu Á - Thái Bình Dương phân tích, điểm cần lưu ý là chữ “tel” (khách sạn) trong mô hình condotel. Savills nhận thấy ở nhiều trường hợp rất ít yếu tố quản lý vận hành như khách sạn được cân nhắc phát triển cho thành phần này.

Điều này đặc biệt đáng lo ngại vì chủ đầu tư khó có thể đảm bảo phần lợi nhuận đã cam kết. Để tạo nguồn doanh thu chi trả cho cam kết, condotel phải được vận hành hoàn toàn như như khách sạn và đạt kết quả hoạt động kinh doanh tốt.

Nhưng hầu hết dự án không đảm bảo yếu tố này, và chính việc cạnh tranh gay gắt khiến chủ đầu tư phải tăng cường quảng bá sản cũng như áp dụng chính sách cam kết lợi nhuận để thu hút người mua” ông Rudolf Hever cho biết.