285.000 tỷ "cứu" doanh nghiệp thoát Covid-19: Vì sao khó tiếp cận?
Cập nhật lúc: 24/03/2020, 13:00
Cập nhật lúc: 24/03/2020, 13:00
Doanh nghiệp chưa rõ tiếp cận thế nào
Một trong những khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát là hàng hóa ách tắc, sản xuất kinh doanh trì trệ, hàng xuất đi không bán được hoặc có đầu ra thì lại thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào... Dòng tiền thiếu hụt, không thu hồi được để thanh toán nợ vay ngân hàng. Nợ không trả được sẽ thành nợ xấu, không tiếp tục được vay vốn, không duy trì được sản xuất, lao động mất việc, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Trước tình trạng này, đầu tháng 3, Chính phủ ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19. Trong các giải pháp đó có 2 gói hỗ trợ quan trọng là gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói tài khóa 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ngay sau đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết gói tín dụng hỗ trợ dự kiến lên tới 285.000 tỷ đồng do khoảng 30 ngân hàng thương mại cam kết tham gia, không dùng ngân sách. Trong đó có nhiều ngân hàng đăng ký nguồn vốn khá lớn như BIDV 120.000 tỷ đồng, Agribank 100.000 tỷ đồng, MB 35.000 tỷ đồng, ACB 15.000 tỷ đồng… Gói tín dụng này có lãi suất thấp hơn 0,5 - 1% so với mặt bằng chung, hỗ trợ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Trên lý thuyết, gói tín dụng lãi suất ưu đãi đưa ra vào thời điểm khó khăn này là cứu cánh cho các doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn vay, ngân hàng cho vay lãi suất ưu đãi là điều kiện rất tốt để doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, gói tín dụng hỗ trợ 285.000 tỷ đồng lại không được giới chuyên gia kỳ vọng nhiều.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định việc giảm lãi suất cho vay sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và đơn vị bị ảnh hưởng.
“Các gói hỗ trợ tín dụng là cần thiết trong giai đoạn hiện tại khi dịch Covid-19 quay trở lại Việt Nam và bùng phát tại nhiều quốc gia ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ này sẽ mang tính chất kéo dài thời gian nhằm chờ dịch Covid-19 được kiểm soát mà không thể giải quyết hoàn toàn được vấn đề. Nếu dịch tiếp tục kéo dài thêm sẽ khiến các doanh nghiệp bị đứt gãy cả về nguồn cung và nguồn cầu và làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam”, BVSC nhìn nhận.
Từ góc độ doanh nghiệp, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản cho biết gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đã được công bố nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa rõ thủ tục tiếp cận vốn như thế nào. Từ khi có quyết định hỗ trợ đến khi doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này có lẽ phải mất một thời gian.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu băn khoăn liệu các gói hỗ trợ này có đến với được họ hay không, vì đến nay chưa rõ những nhóm ngành nào sẽ được ưu tiên hỗ trợ.
Khó khăn trong việc chứng minh thiệt hại
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. LS Bùi Quang Tín phân tích: “Sau chính sách của Chính phủ, gói tín dụng 285.000 tỷ đồng đã ra đời. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng, doanh nghiệp cũng đang khó khăn trong việc chứng minh sự thiệt hại của mình trong đợt dịch Covid-19. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam 95% là vừa và nhỏ, do đó việc chứng minh thông qua các báo cáo, số liệu là việc vô cùng khó. Bên cạnh đó, để có được sự hỗ trợ thì cần thông qua bộ phận thẩm định của các ngân hàng thương mại và việc thẩm định hồ sơ buộc phải tuân thủ các quy định của NHNN. Tôi cho rằng, quá trình thẩm định cũng không hề dễ dàng cho nên sự tiếp cận, sự thấu hiểu và số tiền hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần thời gian rất dài.
Ngoài ra, sự khó khăn của các doanh nghiệp không chỉ đến từ các khoản vay của các ngân hàng mà tập trung ở 3 vấn đề lớn khác: Sự gián đoạn ở nguyên liệu đầu vào để sản xuất, kinh doanh tại thị trường nội địa và xuất khẩu; Đầu ra của các sản phẩm gặp khó do tình trạng xuất - nhập cảnh của các nước ngày càng kiểm soát chặt chẽ; Nhu cầu tiêu dùng của một số ngành du lịch, y tế, giáo dục… khó khăn”.
TS. LS Bùi Quang Tín nhận định, thị trường khó có thể hấp thụ được lượng vốn hàng trăm nghìn tỷ này trong một sớm một chiều. Nguyên nhân bởi nhu cầu vay vốn mở rộng kinh doanh hiện rất ít, trừ một số ngành dịch vụ như chứng khoán, bất động sản… Còn lại các ngành sản xuất phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài, xuất nhập khẩu, du lịch, giao thông vận tải… đều khó có nhu cầu vay mới.
Một số dự báo gần đây trù tính, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến cuối quý II/2020, sẽ có khoảng trên 50% doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp còn lại nếu có thể tồn tại cũng sẽ gặp khó khăn về dòng tiền.
Đối với ngành ngân hàng, ông Tín cũng cho hay, ngành ngân hàng trong thời gian vừa qua đã chịu một số tác động tích cực và tiêu cực từ dịch Covid-19. NHNN cũng đưa ra một số quy định hướng dẫn sao cho hệ thống các ngân hàng thương mại có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là các chính sách liên quan tới lãi suất ngân hàng, chính sách khoanh nợ, giãn nợ để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Nếu so sánh số liệu của NHNN trong thời gian vừa qua, có thể thấy, trong 2 tháng vừa qua, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng chỉ đạt mức 0,1%, trong khi cùng kì năm trước đạt gần 1%.
Điều đó cho thấy rằng, mức tăng trưởng ứng dụng của cả hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác đã suy giảm khá mạnh. Theo đánh giá của một số ngân hàng thương mại thì tổng dự nợ hiện nay bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ dịch Covid-19 là gần 12% trên tổng dự nợ của các tổ chức tín dụng. Trong khoảng thời gian gần đây, đã có 21 ngân hàng thương mại đã có hoạt động hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp. Trong đó hỗ trợ được khoảng gần 41ngàn khách hàng trên tổng số dự nợ gần 300 ngàn tỷ đồng để họ vượt qua giai đoạn khó khăn lần này.
Theo dự báo, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến cuối quý II thì doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng giảm rất mạnh, thậm chí 50% các khoản vay sẽ biến thành nợ xấu do doanh nghiệp gặp thiệt hại lớn.
Do đó, nếu ngân hàng không thay đổi trong cách thức hỗ trợ cũng như tiếp cận khách hàng thì chắc chắn hoạt động của ngân hàng trong thời gian tới sẽ hết sức khó khăn. Cùng với việc giảm lãi suất, trong điều kiện các ngân hàng không nỗ lực giảm chi phí hoạt động, chi phí huy động vốn thì doanh thu của các ngân hàng trong năm 2020 cũng sẽ giảm rất nhiều. Đây cũng chính là sự khó khăn của các ngân hàng thương mại.
TS. Tín cho hay: “Trong bối cảnh này, các ngân hàng thương mại cũng cần phải hiểu rằng, khi họ giúp cho doanh nghiệp thì đó cũng chính là cơ hội để các ngân hàng hoạt động tốt hơn, kiếm được các nguồn lợi nhuận cao hơn. Mặt khác, đây là thời điểm để các ngân hàng phải thay đổi cách thức vận hành quản lý, cách thức kinh doanh của mình để làm sao với khách hàng cũ, ngân hàng có thể hỗ trợ tích cực nhất, để doanh nghiệp có thể duy trì được hoạt động. Tức là ngân hàng phải chấp nhận chịu thiệt về doanh thu”.
08:00, 23/03/2020
10:00, 22/03/2020
10:30, 21/03/2020