18/01/2025 | 20:01 GMT+7, Hà Nội

1.800 loại dịch vụ y tế sắp tăng giá mạnh vào cuối năm

Cập nhật lúc: 09/10/2015, 06:35

Dự kiến cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 2015 giá dịch vụ y tế sẽ tăng. Theo đó sẽ có khoảng 1800 dịch vụ sẽ được áp dụng giá mới.

Tăng từ cuối năm nay

Theo thông tin trên tờ Infonet, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính- Bộ Y tế cho biết, cơ quan này đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng Thông tư liên Bộ quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. 

Ông Nguyễn Nam Liên cung cấp thông tin về viện phí tới báo chí sáng nay, 9/10

Toàn bộ khoảng 1.800 dịch vụ y tế trong danh mục được BHYT đang thanh toán đều sẽ được điều chỉnh giá trong Thông tư này.

Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, để tránh việc tăng viện phí sẽ gây “sốc” cho người bệnh, Bộ Y tế dự kiến lộ trình thực hiện việc điều chỉnh viện phí này theo 2 bước như sau:

Trong năm 2015 (dự kiến từ cuối tháng 11, đầu tháng 12/2015), khi Thông tư ban hành có hiệu lực thì thực hiện theo mức giá dịch vụ y tế sẽ được tính thêm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Từ 1/3/2016, thực hiện mức giá theo đúng lộ trình, bao gồm cả tiền lương.

Mặt khác, trước mắt trong năm 2015, việc điều chỉnh giá viện phí theo Thông tư mới này chỉ áp dụng với người bệnh thanh toán BHYT. Còn đối với người không có thẻ BHYT vẫn áp dụng theo mức giá hiện nay, trong năm 2016 sẽ cân nhắc thời điểm phù hợp để chính thức điều chỉnh theo giá viện phí mới. 

Mức giá do liên Bộ dự kiến ban hành so với mức giá hiện nay có bổ sung chi phí chi trả phụ cấp đặc thù (gồm phụ cấp thường trực 24/24 giờ).Theo ông Liên việc tăng giá chung sẽ thực hiện năm 2016, vì thế những người không mua thẻ BHYT sẽ phải chi trả đúng theo giá dịch vụ y tế. Việc tăng giá sẽ cân nhắc vào thời điểm phù hợp. Có thể không tăng vào dịp tháng 2, tháng 3 năm sau vì dịp này trùng với Tết, tăng giá viện phí sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng.

Việc điều chỉnh tác động đến những đối tượng nào?

Trước câu hỏi của nhiều cơ quan báo chí về viêc điều chỉnh giá dịch vụ y tế có ảnh hưởng đến người bệnh hay không? ThS Nguyễn Nam Liên chi sẻ trên báo Sức khỏe và Đời sống, đối với người bệnh nói chung sẽ không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào gi. Ngược lại việc tính đủ giá dịch vụ y tế sẽ khuyến khích các BV phát triển, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Các BV cũng có thêm kinh phí để mua các loại thuốc, vật tư, hoá chất, test, kít xét nghiệm với chất lượng cao. Đồng thời giữa các BV cũng sẽ cạnh tranh với nhau nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tinh thần, thái độ phục vụ bởi nếu không thì sẽ có BV phải đóng cửa.

Trước đó, Bộ Y tế đã lấy ý kiến các cơ sở y tế về việc đưa tiền lương vào giá khám bệnh, giá giường nằm, giá dịch vụ chẩn đoán hình ảnh và các phẫu thuật, thủ thuật theo chuyên khoa, đồng thời dự thảo thông tư về điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình.

Theo đó, giá giường bệnh sẽ tăng thêm 10.000 - 20.000 đồng/ngày, chi phí phẫu thuật, thủ thuật tăng thêm 300.000 - 1,5 triệu đồng/ca. Mức giá khám bệnh sau khi đã tính chi phí trực tiếp và tiền lương: bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I là 40.000 đồng/lượt, hạng II: 39.000 đồng/lượt, hạng III: 34.000 đồng/lượt và hạng IV: 31.000 đồng/lượt.Hiện nay, mức thu tối đa tiền khám bệnh của các hạng bệnh viện này lần lượt là 20.000, 15.000, 10.000 và 7.000 đồng. Các dịch vụ y tế chuyên khoa sau khi tính thêm tiền lương sẽ tăng khoảng 700.000 - 1 triệu đồng/ca phẫu thuật loại đặc biệt (tùy chuyên khoa) và 400.000 - 600.000 đồng/ca phẫu thuật loại I...

Đối với người có thẻ BHYT: Khoảng 23,7 triệu người là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT là có lợi, vi được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% (từ 31/12/2014 trở về trước được thanh toán 95%, trừ trẻ em

Đối với người cận nghèo, trước đây BHYT chỉ thanh toán 80%, nếu đã được thanh toán 95%.

Đối với Quỹ BHYT, ông Liên cho hay hiện Quỹ vẫn đang có thể cân đối được hết 2017-2018 sau đó có thể điều chỉnh mức đóng. Mức đóng cho phép tối đa của Luật BHYT là 6%, nên sẽ cân nhắc vấn đề này. Rất nhiều nước đã đi tham khảo, các nc phát triển, quy mô BHYT phải 10-12% khi đó mới đảm bảo chăm sóc sức khỏe theo đúng yêu cầu người dân.

Việc điều chỉnh giá viện phí lần này sẽ tác động nhiều đến gần 30% số dân chưa tham gia BHYT. Vì vậy, với lộ trình thực hiện điều chỉnh giá như hiện nay, các chuyên gia đều cho rằng, điều quan trọng là các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải thực thi các giải pháp tăng độ bao phủ của BHYT, tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT, để người bệnh không phải chi trả thêm chi phí khám, chữa bệnh. Đồng thời huy động thêm nguồn lực hỗ trợ người nghèo khi đi khám, chữa bệnh.

Đặc biệt, việc điều chỉnh giá cũng là để thực hiện điều chuyển ngân sách nhà nước cấp cho bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Người dân khi tham gia BHYT không may bị ốm đau sẽ được thanh toán cơ bản chi phí khám, chữa bệnh, giảm chi từ tiền túi. Vì vậy, mỗi người dân cần thấy rõ giá trị của BHYT khi không may bị ốm đau, đồng thời nhận thức đây là chính sách an sinh xã hội, nhiều người hỗ trợ một người trong việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh.

“Mỗi năm hiện nay, ngân sách dành 7.000 tỉ đồng để hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo mua BHYT, giờ điều chỉnh giá dịch vụ y tế có thể dành thêm 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho những đối tượng này tham gia BHYT”- ông Liên nhấn mạnh./.