19/01/2025 | 02:33 GMT+7, Hà Nội

10 nguyên tắc giúp bạn không mất tiền trong tài khoản ngân hàng

Cập nhật lúc: 01/09/2016, 07:16

Làm gì để có thể hạn chế rủi ro mất tiền trong tài khoản?

Gần đây nổi lên một số hiện tượng mất số tiền lớn trong tài khoản ngân hàng, thông thường là liên quan đến thẻ thanh toán, kể cả với ngân hàng hàng đầu như Vietcombank cũng đã xảy ra.  Vậy làm gì để hạn chế rủi ro mất tiền trong tài khoản của mình là điều chúng ta nên quan tâm để phòng tránh?

Các hiện tượng mất tiền mới xảy ra chủ yếu là do sử dụng thẻ tín dụng, còn vụ mất tiền 26 tỷ trong tài khoản tại VPbank thì thực hư chưa rõ ràng, pháp luật đang xác minh. Hiện nay thẻ tín dụng là một phương tiện chi trả tương đối phổ cập, đặc biệt khi thương mại điện tử phát triển thì việc mua bán hàng hóa chủ yếu thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Để tội phạm có thể thực hiện lệnh rút tiền, hoặc thanh toán qua thẻ thì cần phải biết rõ thông tin cá nhân gồm họ tên, số chứng minh thư, địa chỉ.. thông tin thẻ gồm số thẻ, số pass, mẫu chữ ký…Thực tế các vụ mất tiền đã xảy ra là do chủ thẻ để lộ các thông tin trên.

Ở Việt Nam việc an toàn thông tin cá nhân thường chưa được coi trọng. Bạn có thể mất thông tin rất dễ dàng. Sau đây là một vài lưu ý.

10 nguyên tắc giúp bạn không mất tiền trong tài khoản ngân hàng

10 nguyên tắc giúp bạn không mất tiền trong tài khoản ngân hàng

1. Nguyên tắc 1 là không đưa cho người khác cầm thẻ thanh toán của mình

Ví dụ khi đi ăn ở nhà hàng, bạn thanh toán bằng thẻ, nhưng rất ít người tự đến quầy thanh toán để quẹt thẻ, thường đưa thẻ cho người phục vụ đi thanh toán và chờ họ mang thẻ trả lại trong thời gian khá lâu. Tội phạm có thể sử dụng điện thoại để chụp lại thẻ rất dễ dàng.

Thẻ cũng như tiền vì vậy cần luôn giữ thẻ bên mình, không để lộ thông tin thẻ, đặc biệt với thẻ tín dụng vì có thể bị lợi dụng thông tin thẻ (số thẻ, ngày hết hạn và ba số phía sau thẻ) để mua hàng trên mạng.

Trường hợp muốn an toàn hơn, chủ thẻ tín dụng nên khóa chức năng thanh toán online, khi nào cần mới mở ra sau đó lại yêu cầu khóa lại. Như vậy lỡ chủ thẻ có bị lộ thông tin thì kẻ gian dùng cũng không thể thanh toán được.

2. Nguyên tắc 2 là không cho bạn mượn thẻ thanh toán của mình:

Ví dụ, khi có người bạn thân cần mượn thẻ để sử dụng, bạn cũng cho mượn, vì người Việt vốn dễ tính, không lo xa. Bạn thân thì không lo, nhưng lo là bạn ấy không cẩn thận sử dụng thẻ, để lộ thông tin.

3. Nguyên tắc 3 là không chụp ảnh thẻ thanh toán gửi qua điện thoại:

Còn có trường hợp chụp ảnh cả 2 mặt thẻ visa gửi cho bạn qua điện thoại để nhờ bạn đặt mua hàng trên mạng, ảnh thẻ lưu truyền trên mạng không được bảo mật, nếu lọt vào tay người xấu thì chắc chắn bạn sẽ bị mất tiền.

4. Nguyên tắc  4 là cảnh giác với các tin nhắn lừa đảo:

Đây là cách thức tưởng đã lỗi thời nhưng vẫn thường được các đối tượng lừa đảo thực hiện. Người dùng có thể nhận được tin nhắn từ một kẻ giả làm đại diện ngân hàng với thông điệp cảnh báo về những lỗ hổng bảo mật và yêu cầu gọi điện đến số điện thoại hỗ trợ miễn phí. Sau đó, chúng sẽ yêu cầu được cấp tài khoản và số PIN để xác nhận.

5. Nguyên tắc 5 là bảo vệ máy tính khỏi phần mềm gián điệp:

Các loại phần mềm độc hại có thể xâm nhập, lấy các thông tin cá nhân và thông tin thẻ, khi bạn mua hàng trực tuyến thì toàn bộ các thông tin đó sẽ được gửi về cho tội phạm.

Đã có nhiều cảnh báo về các máy tính Trung Quốc có cài đặt sẵn phần mềm gián điệp. Vì vậy, cần lựa chọn loại máy tính, hoặc tránh bị nhiễm độc các loại phần mềm này theo nhiều cách khác nhau như bấm vào một liên kết trên Internet và tải về hoặc đi theo một email dưới dạng tập tin đính kèm. Không nên truy cập vào các trang web ít tên tuổi, không nghe mời gọi nhấn vào các đường dẫn lạ. Máy tính cần thường xuyên được quét virus với bản cập nhật mới nhất.

6.  Nguyên tắc 6 là thận trọng ngay cả với chiếc máy ATM:

Hacker sẽ tìm cách lắp camera để quay lại mã pin 4 số của người sử dụng và ghi lại dữ liệu trên thẻ ATM sau đó sẽ tạo ra những chiếc thẻ ATM giả để rút tiền. Trường hợp này đã từng xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Các ngân hàng đã hướng dẫn cách đơn giản nhất để hạn chế tối đa tình trạng này là cần quan sát kỹ nếu thấy cây ATM có gì khác lạ không và  bạn hãy dùng tay che lại khi nhập mật khẩu thẻ.

7. Nguyên tắc 7 không đặt mật khẩu quá dễ dàng:

Ngoài ra, đừng đặt mật khẩu thẻ trùng với ngày sinh nhật của bạn hoặc người thân, cũng như là các con số gợi nhớ và có liên quan, bởi tội phạm có thể dò ra dễ dàng. Như trường hợp anh Quỳnh ở Nghệ An, ngày 9/11/2015 bị rơi ví cùng toàn bộ giấy tờ tùy thân, đã bị người lạ nhặt được thẻ ATM và rút sạch tiền, do mật khẩu thẻ ATM được đặt theo ngày, tháng, năm sinh nên người nhặt được chiếc ví đã dò ra mật khẩu từ chứng minh nhân dân. Cũng không nên giữ mật khẩu quá lâu, khi nghi ngờ nên phải thay đổi.

8. Nguyên tắc 8 thận trọng khi tải và sử dụng các ứng dụng ngân hàng:

Hầu hết các ngân hàng đều có ứng dụng riêng để giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc giao dịch trên smartphone, tablet. Tuy nhiên, đã có trường hợp kẻ gian làm các ứng dụng “nhái” hòng đánh lừa và lấy cắp thông tin khách hàng.

Ngoài ra, dù đã tải đúng ứng dụng “chính chủ”, người dùng cũng cần thường xuyên tải các bản nâng cấp. Ngân hàng Citibank từng đưa ra cảnh báo về ứng dụng smartphone của họ có lỗ hổng về bảo mật nên khuyến cáo người dùng tải các bản cập nhật ngay lập tức để tranh việc bị lợi dụng bởi các tin tặc.

9. Nguyên tắc  9 thận trọng khi mua hàng trực tuyến:

ngay sau vụ tin tặc tấn công Vietnamairline các ngân hàng đã cảnh báo khi mua hàng trực tuyến cần lưu ý các trang web giả mạo giống hệt các trang bán hàng trực tuyến ví dụ bán vé máy bay, đăng ký khách sạn, bán hàng online…để lừa lấy thông tin của khách hàng.

10. Nguyên tắc 10 nên đăng ký dịch vụ thông báo số dư:

việc đăng ký dịch vụ tin nhắn thông báo số dư là giải pháp hữu hiệu để quản lý tài khoản vì bất kỳ giao dịch nào phát sinh đều gửi tin nhắn thông báo cho chủ thẻ. Trường hợp của Anh Quỳnh ở Nghệ An, tháng 11/2015 do có tin nhắn bị rút tiền nên đã kịp thời gọi ngân hàng để khóa tài khoản. Khi rủi ro gặp phải nếu thẻ bị lợi dụng mà chủ thẻ không phát hiện kịp sẽ lớn hơn rất nhiều.

Về phía cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), ngày 29/8 cũng  vừa có văn bản số 6466/NHNN-TT yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán.

Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ và hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức mình (bao gồm cả việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán theo phương thức truyền thống và phương thức điện tử), đảm bảo tuân thủ đúng quy định của NHNN.

Đối với hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán trực tuyến, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cần nghiên cứu triển khai các giải pháp tăng cường an ninh, bảo mật cho hệ thống thanh toán trực tuyến, cụ thể: Triển khai giải pháp phát hiện, giám sát, ngăn chặn các giao dịch gian lận, đáng ngờ về thời gian, vị trí địa lý, tần suất giao dịch, hạn mức thanh toán, số lần xác thực sai hoặc các dấu hiệu bất thường khác; Có giải pháp phát hiện sớm các trang web lừa đảo trực tuyến để khuyến cáo cho khách hàng; Tăng cường đào tạo nhận thức về an toàn, bảo mật cho cán bộ, nhân viên và khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.

Đồng thời thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật nghiệp vụ trong hoạt động thanh toán; không được bớt xén các công đoạn trong các quy trình nghiệp vụ; thường xuyên đánh giá, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra được an toàn, thông suốt; thể hiện rõ vai trò, chức năng của từng khâu, từng công đoạn trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán.

Khi có các rủi ro, gian lận xảy ra phải báo cáo NHNN và phối hợp với khách hàng, các cơ quan bảo vệ pháp luật và các đơn vị liên quan xử lý nhanh, chính xác, đúng quy định và sớm thông tin cho khách hàng; quyền lợi của người dân, của khách hàng phải được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Thường xuyên, kịp thời đưa ra những cảnh báo, hướng dẫn và thông tin đầy đủ đến khách hàng để khách hàng nắm rõ các rủi ro, các thủ đoạn gian lận trong hoạt động thanh toán và cách sử dụng các dịch vụ an toàn; khuyến cáo tới khách hàng khi gặp sự cố thì khách hàng cần bình tĩnh phối hợp với các ngân hàng, các cơ quan điều tra để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Kỳ vọng với sự quyết tâm vào cuộc của cả ngân hàng và chủ thẻ thì sẽ hạn chế được rủi ro mất tiền trong tài khoản.