18/01/2025 | 17:04 GMT+7, Hà Nội

10 cách phân phân biệt nhanh tiền thật - giả

Cập nhật lúc: 28/01/2016, 22:30

Trước tình trạng tiền giả đang "hoàng hành" trên thị trường, người tiêu dùng cần có có nắm rõ các cách phân biệt tiền thật - giả như sau.

Như đã đưa tin, thời gian gần đây nhiều địa chỉ facebook công khai đăng bán tiền giả, đặc biệt là những loại có mệnh giá lớn như 50.000, 200.000 và 500.000 khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang. 

Trên thực tế, dù bằng kỹ thuật tinh vi đến mức nào thì những tờ tiền giả vẫn có những sự khác biệt rõ nét so với những tờ tiền thật, đặc biệt là ở những đặc điểm bảo an, màu sắc, chất liệu...

1. Chất liệu tờ tiền

Tiền thật: Những tờ tiền thật được làm từ chất liệu polymer nên dai, dùng tay thường không xé được, mỏng và nhẹ. Khi sờ bề mặt tờ tiền thấy có độ nhám, vò tờ tiền thấy không rõ nếp nhăn, gấp, nhanh chóng đàn hồi về trạng thái ban đầu.

Khi vò 2 tờ tiền 

Tiền giả: Giòn hơn và dày hơn so với tiền thật, chỉ cần mạnh tay một chút cũng có thể rách được. Tiền giả có bề mặt bóng, trơn, khi vò tờ tiền sẽ thấy những nếp nhăn gấp hằn rất rõ

2. Hình bóng chìm Bác Hồ

Tiền thật: Khi đặt tờ tiền trước một nguồn sáng và quan sát sẽ thấy hình bóng chìm chân dung của Bác được làm một cách tinh xảo, sắc nét, nhìn được ở cả hai mặt của tờ tiền.

Hình ảnh Bác hiện lên rõ nét mà có thể nhìn thấy cả sợi tóc bạc và râu của Bác, với ánh mắt đang nhìn về phía mình Viền xung quanh chân dung Bác cũng có màu sáng hơn màu nền xung quanh.

Tiền giả: Làm tương tự sẽ thấy chân dung Bác không có sự sắc nét, tỉ mỉ, không thể nhìn thấy sợi tóc hay râu của Bác. Khuôn mặt của Bác cười trông cứng, không thật.

Tờ tiền giả đường nét in cũng không được sắc sảo, hơi mờ. Có những loại tiền giả còn không có hình bóng chìm hoặc chỉ là hình mô phỏng thô sơ chân dung của Bác.

3. Các chi tiết in nổi

Tiền thật: Trên tờ tiền, các chi tiết in nổi như chữ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, chữ số và mệnh giá tiền, Quốc huy, hình ảnh Bác…khi vuốt tay lên sẽ thấy có độ nhám ráp.

Tiền giả: Khi vuốt tay lên những điểm này thấy trơn láng, bóng, không có độ nhám.

4. Quan sát tờ tiền bằng kính lúp

Tiền thật: Khi dùng kính lúp soi lên tờ tiền, sẽ thấy những chữ như VN, NHNNVN và số mệnh giá được in siêu nhỏ lặp đi lặp lại trong một vùng.

Tiền giả: sẽ không nhìn thấy các chữ siêu nhỏ này.

5. Các chi tiết đổi màu (OVI)

Tiền thật: Khi chao nghiêng tờ tiền, những chi tiết đổi màu OVI sẽ hiệu ứng chuyển từ màu vàng sang màu xanh lá cây.

Cụ thể khi nhìn thẳng vào các chi tiết này sẽ thấy có màu vàng ánh, còn khi nghiêng tờ tiền sẽ thấy yếu tố này chuyển thành màu xanh lá. Mỗi mệnh giá tiền sẽ có vị trí in yếu tố đổi màu khác nhau.  

Các chi tiết đổi màu OVI của tờ tiền giả không có hiệu ứng đổi màu rõ rệt như ở tờ tiền thật 

Tiền giả: Các chi tiết đổi màu OVI không có hiệu ứng đổi màu rõ rệt mà chủ yếu chỉ có một màu, chi tiết được in không sắc nét, màu dại.

6. Chi tiết Iriodin

Tiền thật: Chi tiết Iriodin là dãy vàng óng in dọc tờ tiền, khi nhìn nghiêng có màu vàng ánh và mệnh giá tiền ẩn ở phía dưới.

Tiền thật (phía dưới) có chi tiết Iriodin, trong khi tiền giả (phía trên) không có

Tiền giả: Không có chi tiết này, nếu có thì chỉ là dãy vàng màu nhạt gần như là không thấy hoặc là màu ánh vàng trông đậm và giả hơn.

7. Các cửa số lớn và nhỏ

Tiền thật: Trên cửa sổ lớn có hình dập nổi mệnh giá tiền tinh xảo, sắc nét. Đưa tờ tiền lên hướng vào nguồn ánh sáng đỏ (lửa, đèn sợi đốt) và nhìn qua cửa sổ lớn sẽ thấy hình phát quang là những hoa văn có ánh màu gần giống cầu vồng, còn ở cửa sổ nhỏ sẽ hiện lên hình ẩn (DOE).

Tiền thật (phía dưới) có chi tiết Iriodin, trong khi tiền giả (phía trên) không có

Tiền giả: Làm tương tự sẽ không thấy hình phát quang mà chỉ thấy màu trong đục, không có cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn hoặc chỉ là các nét thô, trong cửa sổ nhỏ không có hình ẩn.

8. Mực không màu phát quang

Tiền thật: Khi được soi dưới đèn cực tím sẽ thấy mực không màu phát quang. Đồng thời chi tiết 2 dãy số seri luôn phải giống nhau, nhìn mắt thường có màu đỏ và đen nhưng khi qua đèn cực tím cũng sẽ đổi màu.

Tiền giả: Làm tương tự không quan sát được những hiện tượng trên.

9. Ngửi tờ tiền

Tiền thật: mệnh giá lớn có mùi polymer đặc trưng

Tiền giả: lại rất hôi, mùi hôi của nhựa hay bao nylon.

10. Số seri trên tờ tiền

Tiền giả: thường có nhiều tờ trùng số seri.

Ttiền thật: thì điều này không bao giờ xảy ra, mỗi tờ có một số seri khác nhau; ngoài ra, các dãy số seri trên tờ tiền phải giống nhau.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, số lượng tiền giả thu giữ qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm 2014. Theo kết quả phân tích, các loại tiền giả polymer đã thu giữ qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước đều có thể dễ dàng nhận biết bằng tay, mắt thường qua kiểm tra các yếu tố bảo an dành cho công chúng (như: Hình bóng chìm, mực đổi màu, yếu tố hình ẩn...).

Tại Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định rõ về việc cấm làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả. Nếu bắt được quả tang tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 180 Bộ luật Hình sự. Mức phạt đối với tội danh này từ 3 năm tù đến tù chung thân hoặc tử hình tùy vào mức độ nghiêm trọng.