19/01/2025 | 02:35 GMT+7, Hà Nội

Yêu cầu Thaco triệu hồi xe Mazda 3 “khuyết tật”

Cập nhật lúc: 11/12/2015, 07:02

Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho rằng dòng sản phẩm Mazda 3 All New 1.5L là hàng hóa có khuyết tật và đã yêu cầu Thaco thu hồi sản phẩm này theo Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sáng 10/12, tại Bộ Công thương diễn ra buổi làm việc giữa đại diện của Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco - nhà nhập khẩu và phân phối xe ô tô Mazda 3 All New 1.5L) và Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh.

Trong cuộc làm việc kéo dài suốt 5 giờ liền, cơ quan quản lý nhà nước về thực thi quyền lợi người tiêu dùng đã trao đổi cụ thể với phía Thaco toàn bộ khiếu nại của người tiêu dùng, cũng như quan điểm của cơ quan này về sản phẩm Mazda 3 bị hiện tượng đèn báo lỗi động cơ.

Biên bản làm việc thể hiện ý kiến của phía nhà nhập khẩu sản phẩm Mazda 3, cũng đưa ra cảnh báo: "Trong trường hợp người tiêu dùng tiếp tục sử dụng sản phẩm khi có đèn báo lỗi động cơ thì có thể dẫn đến hiện tường ỳ máy, rung giật hoặc máy lịm dần đi".

Cục Quản lý cạnh tranh yêu cầu Thaco phải thu hồi sản phẩm khuyết tật.

Phía Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng: "Việc xe ô tô Mazda 3 All New động cơ 1.5L bị hiện tượng đèn báo lỗi động cơ là vấn đề sản phẩm khuyết tật. Khuyết tật này gây ảnh hưởng đến khả năng sử dụng sản phẩm một cách bình thường và an toàn của người tiêu dùng, có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người tiêu dùng".

Vì vậy, Cục Quản lý cạnh tranh yêu cầu Công ty CP Ô tô Trường Hải nghiêm túc thực hiện quy định của Điều 22 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật.

Đồng thời, nhà nhập khẩu và phân phối sản phẩm này nhanh chóng giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng về xe Mazda 3 All New 1.5L.

Kết thúc cuộc gặp này, đại diện công ty cổ phần Trường Hải đã tiếp nhận yêu cầu của Cục Quản lí Cạnh tranh; tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến nhiều bộ phận khác nhau, nên công ty sẽ báo cáo lãnh đạo để nghiên cứu có ý kiến phản hồi đến Cục Quản lí Cạnh tranh và người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất.

Trong khi đó, liên hệ với đại diện Cục Đăng kiểm về vấn đề xe Mazda3 hiện đèn báo lỗi động cơ, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - Đặng Việt Hà cho biết, hiện lãnh đạo Cục đã kí văn bản chính thức yêu cầu công ty cổ phần ôtô Trường Hải báo cáo về vụ việc này (đèn báo lỗi động cơ trên Mazda3), và hiện Cục đang chờ báo cáo cuối cùng của công ty Trường Hải để có những quyết định cuối đúng theo quy định của một cơ quan quản lí nhà nước về an toàn và chất lượng các phương tiện giao thông vận tải.

Tính đến đầu tháng 12, đã có gần 200 xe Mazda 3 tại Việt Nam ghi nhận hiện tượng đèn báo lỗi động cơ. Ảnh: Thecarconnection.

Tính đến đầu tháng 12, đã có gần 200 xe Mazda 3 tại Việt Nam ghi nhận hiện tượng đèn báo lỗi động cơ. Ảnh: Thecarconnection.

Trong khi đó, anh Trương Đăng Hải (đại diện người tiêu dùng) đánh giá: Dù chưa nhận được văn bản chính thức từ Cục Quản Lí cạnh tranh, nhưng những thông tin này là một tín hiệu tích cực cho người tiêu dùng (liên quan đến vụ việc này), những người luôn mong muốn có sự yên tâm đối với sản phẩm (Mazda3 all-new) mà mình đang sử dụng.

Như vậy, chỉ sau 2 cuộc gặp với người tiêu dùng và công ty Trường Hải liên quan đến đèn báo lỗi động cơ trên Mazda 3, Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương đã chính thức đưa ra quan điểm yêu cầu Trường Hải phải triệu hồi Mazda 3 All New 1.5L bán ở thị trường Việt Nam, do đây là sản phẩm khuyết tật.

Theo quy định, để thực hiện chiến dịch triệu hồi, Thaco Trường Hải sẽ phải thông báo công khai về lỗi của sản phẩm, kế hoạch triệu hồi và được sự phê chuẩn kế hoạch triệu hồi từ Cục đăng kiểm Việt Nam.

Điều 22. Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật

Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm:

1. Kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường;

2. Thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 05 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông với các nội dung sau đây:

a) Mô tả hàng hóa phải thu hồi;

b) Lý do thu hồi hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra;

c) Thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi hàng hóa;

d) Thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa;

đ) Các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa;

3. Thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đúng nội dung đã thông báo công khai và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi;

4. Báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật sau khi hoàn thành việc thu hồi; trường hợp việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương.

Quy định về triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật theo quy định tại Thông tư 45 /2012/TT-BGTVT do Bộ trưởng Đinh La Thăng kí ngày 23/10/2012:

Điều 11. Sản phẩm phải triệu hồi 

1. Cơ sở sản xuất phải triệu hồi các sản phẩm do mình sản xuất, lắp ráp trong các trường hợp sau:

a) Sản phẩm vi phạm các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành bắt buộc áp dụng cho sản phẩm đó;

b) Sản phẩm gây ra nguy hiểm về tính mạng và tài sản do các lỗi kỹ thuật trong quá trình thiết kế, sản xuất, lắp ráp;

c) Sản phẩm dù chưa gây tổn thất về người và tài sản nhưng qua quá trình sử dụng có thể gây nguy hiểm trong một số điều kiện nhất định.

2.Cơ quan QLCL căn cứ các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, các thông tin, kết quả điều tra để xem xét và đưa ra quyết định buộc Cơ sở sản xuất thực hiện triệu hồi sản phẩm.

Điều 12. Trình tự thực hiện triệu hồi sản phẩm 

1. Đối với Cơ sở sản xuất:

Trường hợp phát hiện ra lỗi kỹ thuật của các sản phẩm đã bán ra thị trường, Cơ sở sản xuất thực hiện các công việc sau đây:

a) Tạm dừng việc cho xuất xưởng các sản phẩm của kiểu loại sản phẩm bị lỗi kỹ thuật;

b) Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện ra lỗi kỹ thuật, Cơ sở sản xuất phải thông báo bằng văn bản tới các đại lý bán hàng yêu cầu tạm dừng việc cung cấp sản phẩm cùng loại bị lỗi kỹ thuật ra thị trường;

c) Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện ra lỗi kỹ thuật, Cơ sở sản xuất phải gửi tới Cơ quan QLCL báo cáo bằng văn bản thông tin chi tiết về nguyên nhân xảy ra lỗi kỹ thuật, biện pháp khắc phục, số lượng sản phẩm phải triệu hồi và kế hoạch triệu hồi cụ thể;

d) Cơ sở sản xuất có trách nhiệm công khai thông tin về sản phẩm bị triệu hồi trên trang thông tin điện tử chính thức của mình hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng;

đ) Thực hiện việc triệu hồi sản phẩm theo thông báo của Cơ quan QLCL như quy định tại điểm b khoản 2 của Điều này;

e) Cơ sở sản xuất phải báo cáo Cơ quan QLCL ít nhất là 03 tháng một lần bằng văn bản việc thực hiện triệu hồi sản phẩm theo kế hoạch;

g) Sau thời gian không quá 30 ngày, kể từ khi hoàn tất việc triệu hồi, Cơ sở sản xuất phải báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện việc triệu hồi tới Cơ quan QLCL;

h) Cơ sở sản xuất phải chịu mọi phí tổn liên quan đến việc triệu hồi sản phẩm kể cả chi phí vận chuyển.

Tiêu dùng + sẽ tiếp tục thông tin về sự việc./.