Thông tư 41 về nhập khẩu ô tô: "Quy trình kiểm tra nên được thực hiện nhanh chóng"
Cập nhật lúc: 09/12/2018, 15:00
Cập nhật lúc: 09/12/2018, 15:00
Các hãng xe ô tô nhập khẩu đang chưa hết vui mừng vì thuế nhập khẩu ô tô được giảm xuống 0% từ 1/1/2018 thì nay đã thêm lo lắng mới khi thông tư 41 có nhiều điểm khiến việc nhập khẩu ô tô còn khó khăn.
Theo đó, Thông tư 41/2018/TT-BGTVT tại phụ lục II có điều khoản: “Đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải chứng nhận hoặc công bố phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Thời điểm kiểm tra, chứng nhận được thực hiện sau khi thông quan và trước khi đưa ra thị trường”.
Sau khi các doanh nghiệp ô tô phản đối rằng quy định này sẽ phát sinh thêm thời gian thông quan, chi phí lưu kho, phí kiểm tra chất lượng sẽ tăng lên thì Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu sửa đổi thành “chỉ kiểm tra mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại xe đối với tất cả các lô hàng thay vì áp dụng cho từng lô nhập khẩu”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số bên tính thực thi của Thông tư 41 này thực sự không khả quan ở nhiều khía cạnh.
Đầu tiên là nhóm Công tác ô tô/xe máy cho rằng, Nghị định 116 chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Việt Nam. Nhưng thông tư 41 dành cho cả doanh nghiệp kinh doanh phụ tùng thay thế nhập khẩu và điều này không thuộc đối tượng quản lý của Nghị định 116 cho nên việc kiểm tra số lượng lớn sẽ tốn thời gian rất lâu dài.
Còn trong báo cáo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham) lại quan ngại thông tư 41 sẽ làm cho thị trường ô tô bất ổn và khách hàng cũng phải chịu những tác động tiêu cực.
Hiệp hội này cho rằng, Việt Nam đang thiếu các trung tâm kiểm định xe có thẩm quyền, điều này cản trở quá trình kiểm định và khiến phụ tùng xe hơi không thể bán ra thị trường. Bằng chứng là, Thông tư 41 có hiệu lực khoảng 2 tháng nhưng đến nay vẫn chưa có trung tâm kiểm định nào chính thức được chỉ định hoặc chính thức công nhận là đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc khai báo hợp chuẩn đối với các phụ tùng được liệt kê.
Đối với khách hàng, cũng có rất nhiều ý kiến đa chiều về Thông tư này. Anh Nguyễn Đăng Thái (Hà Đông), một khách hàng đang có ý định mua một chiếc ô tô vào cuối năm nay cho biết: “Tin tức xe nhập khẩu sẽ phải qua kiểm tra kỹ càng hơn khiến tôi rất lo lắng, sợ là qua các khâu kiểm tra kỹ càng hơn thì giá xe sẽ tăng cao hơn thời điểm trước đây. Hơn nữa, tôi tin vào chất lượng của xe nhập khẩu. Ở nước ngoài, các hãng xuất ra thị trường chắc chắn đã qua kiểm tra, tại sao về Việt Nam lại muốn kiểm tra lại?”.
Còn anh Hanh (Hoàng Quốc Việt) cũng đồng tình với anh Thái: “Theo tôi, nếu ô tô nhập nguyên chiếc thì không cần kiểm tra quá khắt khe, bởi đã có tiêu chuẩn ở nước họ sản xuất rồi. Còn đối với những linh kiện nhập khẩu thì tôi nghĩ nên kiểm tra kỹ càng. Tuy nhiên, anh lại đồng tình với kiểm duyệt phụ tùng vì bản thân anh đã từng dính phải việc thay phải phụ tùng kém chất lượng "Kiểm định linh kiện lắp ráp thì tốt quá vì khách hàng có thể bị dính vào hàng giả hàng nhái nhập trôi nổi không rõ chất lượng”.
Xoay quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: "Thông tư mới theo tôi là cần thiết bởi hàng hóa nhập khẩu, không riêng phụ tùng ô tô đều đảm bảo hàng rào kỹ thuật, đủ tiêu chuẩn của quốc gia đó, điều này hiển nhiên có lợi cho người tiêu dùng".
Tuy nhiên, để quy trình kiểm tra này không kéo dài quá lâu như Eurocham phản đối thì theo chuyên gia Minh Phong, cơ quan quản lý cần phải có những cơ chế sau khi Thông tư ban hành: "Nếu số lượng hàng hóa quá lớn cần nhiều thời gian để kiểm định thì cơ quan Nhà nước nên lập thêm những trung tâm kiểm định hoặc sử dụng giấy phép tương đương. Đó là 2 cách để hóa giải quy trình kiểm định một cách nhanh nhất, tránh những thủ tục rườm rà ảnh hưởng đến doanh nghiệp".
Cũng thể hiện quan điểm đồng tình với việc kiểm định chất lượng nhưng phải thực hiện nhanh chóng và triệt để, kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch cho rằng: “Theo tôi thì sản phẩm nào cũng phải đáp ứng được tiêu chuẩn cụ thể và Nhà nước đưa ra tiêu chuẩn để quản lý cũng là một phương pháp. Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên kiểm tra tất cả mà chỉ nên kiểm tra xác suất, theo lô hoặc định kỳ hoặc ngẫu nhiên để thời gian kiểm tra được rút ngắn.
Nhà nước cũng cần có phương pháp kiểm tra phù hợp để không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và các cơ quan kiểm tra cũng thực hiện đúng chức năng, không lấy cớ để bắt bớ doanh nghiệp. Nếu kiểm tra chất lượng được thực hiện đúng thì người có lợi nhất vẫn là khách hàng".
Rõ ràng, khi một quy định mới được ban hành, đều có những ý kiến trái chiều xung quanh nó. Nếu Thông tư 41 được thực hiện nhanh chóng ở các khâu kiểm định thì không chỉ doanh nghiệp mà cả khách hàng cũng được lợi khi sản phẩm chất lượng đến tận tay.
02:01, 20/11/2018
04:00, 03/10/2018
07:20, 30/03/2018
20:14, 22/04/2016